ThS.BS Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cho biết từ ngày 12/6-12/7, bệnh viện nhận hồ sơ hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí cho 10 cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn hoàn cảnh khó khăn.
Điều kiện là vợ chồng chưa có con chung, được chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm nhưng chưa điều trị hoặc đã thất bại một chu kỳ, không mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, có giấy xác nhận hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của địa phương. Người vợ không quá 38 tuổi, tử cung không bất thường, chỉ số dự trữ buồng trứng bình thường. Người chồng có ít nhất một triệu tinh trùng di động trong tinh dịch.
Hồ sơ hợp lệ sẽ được hội đồng chuyên môn của bệnh viện xét duyệt. Danh sách dự kiến công bố ngày 26/7.
Tùy từng trường hợp, chi phí một lần thụ tinh trong ống nghiệm trung bình khoảng 70-100 triệu đồng, được bệnh viện tài trợ. Các chi phí ăn ở, đi lại, sinh hoạt cá nhân cũng như phát sinh không nằm trong quy trình thực hiện, bệnh nhân tự thanh toán.
ThS.BS Lê Thị Thu Hiền thăm khám, tư vấn cho vợ chồng bị hiếm muộn
Ngoài 10 ca thụ tinh ống nghiệm miễn phí, năm nay bệnh viện miễn phí 20 ca mổ nội soi thăm dò tử cung (nữ) và 20 ca mổ microtese (nam).
Từ ngày 28/6- 12/7, bệnh viện cũng miễn phí 5.000 suất tư vấn, khám, siêu âm, xét nghiệm tinh dịch đồ, soi tươi đường sinh dục. Các cặp vợ chồng đến viện khám thời gian này được hỗ trợ voucher trị giá 5 triệu đồng, trừ trực tiếp khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tại bệnh viện.
Đăng ký qua tổng đài 1900 56 56 01. Hồ sơ thụ tinh nhân tạo gửi theo địa chỉ Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, 431 Tam Trinh, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
BS Hiền cho biết đây là năm thứ hai liên tiếp bệnh viện triển khai chương trình miễn phí. Trong năm đầu tiên, nhiều phụ nữ đã có "quả ngọt". Hiện tại, những sản phụ như Triệu Thị Liên (Yên Bái), Phạm Thị Tơ (Nam Định), Nguyễn Thị Hồng Tiến (Điện Biên) đang bước vào những tuần cuối của thai kỳ, chờ sinh. Nhiều gia đình khác cũng đã có tin vui.
Theo BS Hiền, tỷ lệ thành công một lần chuyển phôi tại bệnh viện đạt 55-60%. Một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm có thể tạo được nhiều phôi. Nếu lần chuyển phôi đầu tiên không thành công, bác sĩ có thể dùng những phôi trữ cho các lần chuyển kế tiếp mà không phải thực hiện các bước làm lại từ đầu.
Còn nếu người mẹ không còn phôi thì thường sẽ nghỉ ngơi khoảng 2 chu kỳ sau đó tiến hành kích trứng lại. Ở lần này, nếu thực hiện tại Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, bệnh viện sẽ có những chính sách hỗ trợ gia đình về chi phí.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo: Các cặp vợ chồng hiếm muộn, hoặc có nguy cơ hiếm muộn nên đi khám sớm, đừng vì lý do tài chính mà chần chừ vì sẽ bỏ qua giai đoạn “vàng” điều trị, đến khi chuẩn bị đủ tài chính rồi thì không còn cơ hội điều trị nữa