Các ca tử vong do dại vẫn không ngừng gia tăng ở Việt Nam
Bệnh dại và các ca tử vong do dại vẫn không ngừng gia tăng tại Việt Nam. Đó là nhận định được đưa ra tại Hội thảo truyền thông về phòng chống bệnh dại do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tổ chức ngày 18/8/2014, tại Hà Nội.
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 40 trường hợp tử vong do bệnh dại, tuy giảm 9 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tỷ lệ tử vong do bệnh này vẫn ở mức cao. 40 trường hợp tử vong do bệnh dại trong hơn 7 tháng qua tập trung ở 20 tỉnh thành phố, chủ yếu ở miền Bắc. Nghệ An có nhiều trường hợp tử vong nhất (5 ca), tiếp đến là Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa, Lai Châu và Hà Nội. Đặc biệt một số địa phương sau nhiều năm không có bệnh dại nhưng gần đây lại có người tử vong vì bệnh này như Thanh Hóa, Thái Bình, Hưng Yên… Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, thư ký của dự án khống chế và loại trừ bệnh dại, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết: “Trong khi bản đồ dịch tại các khu vực khác không thay đổi thì miền Bắc số ca dại tăng đột biến từ miền núi phía Tây Bắc lan ra khu vực Đông Bắc và các tỉnh đồng bằng. Trong 10 tỉnh có số tử vong cao nhất 5 năm trở lại đây thì đến 9 tỉnh thuộc phía Bắc”.
Nguyên nhân của tình trạng tử vong do bệnh dại vẫn ở mức cao là do tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó đạt thấp (khoảng 20%), còn nhiều người không đi tiêm phòng vắc xin sau khi bị chó cắn, trong đó, hơn 30% số trường hợp chủ quan cho rằng bị chó nhà mình cắn thì không cần tiêm; gần 20% số trường hợp không hiểu biết về bệnh dại; đáng chú ý có 3% số trường hợp đến tiêm muộn, 6% trường hợp điều trị bằng thuốc nam và 3% không có tiền để tiêm.
Đại diện Tổ chức Y Thế giới đánh giá đây là vấn đề trầm trọng tại Việt Nam. Trong 10 năm trở lại đây, số ca tử vong không ngừng gia tăng. Nhận thức người dân còn kém, nhiều chó thả rông không được quản lý, tỷ lệ tiêm phòng thấp, Người dân thường không đi tiêm vắc xin hoặc đi tiêm quá muộn sau khi bị cho cắn. Tại một số tỉnh miền núi, vùng sâu, người dân khó tiếp cận với vắc xin.
Trên thế giới, cứ 10 phút lại có 1 người chết vì bệnh dại. Từ năm 2004 đến nay, tình hình bệnh dại tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đang có xu hướng diễn biến phức tạp và tỷ lệ tử vong tăng. Tại Việt Nam từ năm 2008 đến nay ghi nhận khoảng 600 trường hợp tử vong do bệnh dại, trung bình 90 trường hợp tử vong mỗi năm. Bên cạnh đó Số trường hợp hàng năm bị chó nghi dại cắn vẫn còn khá phổ biến với trên 300.000 trường hợp đi tiêm vắc xin phòng dại, ước tính chi phí về vắc xin và huyết thanh kháng dại cho việc điều trị dự phòng sau khi bị chó nghi dại cắn là hơn 300 tỷ đồng/1 năm.
Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định, bệnh dại hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng việc tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo. Nếu không có bệnh dại ở chó mèo, thì không có bệnh dại ở người. Tiêm vắc xin phòng dại sau khi bị chó cắn là biện pháp duy nhất có thể cứu sống được bệnh nhân.
Việc cần làm ngay khi bị chó dại cắn:
- Xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 450-700 hoặc cồn i ốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn.
- Không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương. Trường hợp bắt buộc phải khâu thì nên trì hoãn khâu vết thương sau vài giờ đến 3 ngày và nên khâu ngắt quãng/bỏ mũi sau khi đã tiêm phong bế huyết thanh kháng dại vào tất cả các vết thương.
- Tùy trường hợp cụ thể có thể sử dụng kháng sinh và tiêm phòng uốn ván.