Các bước tự khám ung thư tinh hoàn - nỗi lo của nam giới trẻ tuổi

22-09-2022 14:24 | Ung thư
google news

SKĐS - Ung thư tinh hoàn ít gặp ở nam giới, chiếm khoảng 1% tổng số ung thư ở nam giới. Tuy nhiên lại là một trong những bệnh ác tính nhất ảnh hưởng sức khoẻ, giảm chất lượng sống, gây hiếm muộn và thậm chí dẫn đến tử vong.

Nhiều người cho rằng, chỉ lớn tuổi mới mắc ung thư nhưng thực tế thì không hẳn. Theo nghiên cứu, ung thư tinh hoàn là một trong những loại ung thư thường gặp nhất ở nam giới, hầu hết đều rất trẻ, từ 15-35 tuổi.

1.Ung thư tinh hoàn do nguyên nhân nào?

Đến nay nguyên nhân ung thư tinh hoàn vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho rằng ung thư tinh hoàn xảy ra khi các tế bào khỏe mạnh trong tinh hoàn bị thay đổi. Một số tế bào phát triển bất thường khiến sự tăng trưởng này vượt khỏi tầm kiểm soát - những tế bào ung thư tiếp tục phân chia tạo thành khối u tinh hoàn mà bệnh nhân thường tự sờ thấy trên lâm sàng.

Các nghiên cứu cũng cho thấy, tỷ lệ của ung thư tinh hoàn ngày càng tăng trong vài thập kỷ qua. Nguy cơ bị ung thư tinh hoàn tăng cao khi người bệnh có tinh hoàn ẩn, tinh hoàn bị teo, tiền sử gia đình có cha, anh em trai bị ung thư tinh hoàn và người mẹ trong lúc mang thai sử dụng các thuốc nội tiết (DES, estrogen).

Các nhà nghiên cứu cho rằng các yếu tố nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn có nhiều trong đó thường gặp nhất là nam giới có tinh hoàn ẩn. Theo ghi nhận, những người bị tinh hoàn ẩn nếu không được phát hiện và phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống bìu, nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2,5 đến 14 lần so với người bình thường.

Yếu tố có người thân trong gia đình - có cha hay anh em trai bị ung thư tinh hoàn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân ung thư tinh hoàn không có tiền sử gia đình mắc bệnh.

Ngoài ra, một số bằng chứng cho thấy bệnh nhân nhiễm HIV gây suy giảm miễn dịch làm tăng nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn.

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra, có khoảng 3% đến 4% bệnh nhân ung thư tinh hoàn sau khi được chữa khỏi có thể xuất hiện ung thư tinh hoàn ở bên còn lại.

Các bước tự khám ung thư tinh hoàn và nỗi lo của nam giới trẻ tuổi - Ảnh 1.

Ung thư tinh hoàn nếu được phát hiện và điều trị sớm tỷ lệ sống sau 5 năm của ung thư tinh hoàn lên tới 95%

2. Dấu hiệu nhận biết ung thư tinh hoàn và các bước tự khám kiểm tra tinh hoàn

Khi mắc ung thư tinh hoàn thường gặp nhất là bệnh nhân sờ thấy một khối cứng, đặc trong bìu, không đau. Các biểu hiện khác có thể gặp là: đau tinh hoàn, vú to lên, đau lưng.

Ngoài ra, bệnh nhân còn có những triệu chứng khác như: Đau âm ỉ vùng bẹn bìu hoặc vùng bụng dưới; Bìu cảm giác nặng, căng tức ở một bên bìu; Có thể nổi hạch vùng bẹn; Có thể đau bụng (do di căn hạch ổ bụng chèn ép hoặc đau do ung thư tinh hoàn ẩn phát triển trong ổ bụng); Có thể sờ thấy hạch cổ, đau ngực, khó thở… (do ung thư di căn)… đau hông khi ung thư đã di căn đến các cơ quan khác.

Các bước tự "khám" kiểm tra tinh hoàn

Câu hỏi đặt ra, làm thế nào để nam giới tự nhận biết được ung thư tinh hoàn. Để nhận biết, nam giới cần làm theo các trình tự sau đây.

Bước 1: Nam giới sẽ tự kiểm tra da bìu để tìm dấu hiệu da bìu phù nề bằng cách tắm đứng trước gương.

Bước 2: Dùng tay khám từng bên tinh hoàn. Dùng ngón trỏ và ngón giữa đặt dưới tinh hoàn, ngón cái để trên tinh hoàn. Lăn các ngón tay nhẹ nhàng để tìm các u cục bất thường.

Bước 3: Tìm mào tinh hoàn và kiểm tra, đó là phần mềm mại nằm phía sau tinh hoàn, đây là nơi giúp tinh trùng trưởng thành.

photo-1663751881738

Các bước tự kiểm tra tinh hoàn để phát hiện bất thường.

4. Chẩn đoán ung thư tinh hoàn

Ngoài khám lâm sàng, để chẩn đoán ung thư tinh hoàn, các bác sĩ sẽ chỉ định thăm khám chuyên sâu nam khoa, thực hiện các xét nghiệm máu để tìm chất đánh dấu ung thư, siêu âm bụng, siêu âm đàn hồi mô và nếu cần thiết chụp cộng hưởng từ (MRI). Nếu bệnh nhân trong độ tuổi sinh sản, mong muốn có con sẽ làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu về sinh sản, tinh dịch đồ và được hướng dẫn trữ tinh trùng trước khi điều trị.

5. Điều trị ung thư tinh hoàn

Việc điều trị ung thư tinh hoàn để đạt hiệu quả cao cần dựa vào mức độ của bệnh ở giai đoạn nào và sự xâm lấn của khối u mà bác sĩ điều trị sẽ đưa ra phác đồ điều trị khác nhau.

Hiện nay có 3 phương pháp cơ bản điều trị ung thư tinh hoàn là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Điều trị ung thư tinh hoàn phụ thuộc vào loại ung và giai đoạn của bệnh.

Ngày nay với tiến bộ y học việc điều trị ung thư thường là điều trị đa mô thức và khoảng 90% các ca mới chẩn đoán ung thư tinh hoàn là chữa khỏi được. Các nhà nghiên cứu cho biết, ung thư tinh hoàn nếu được phát hiện và điều trị sớm tỷ lệ sống sau 5 năm của ung thư tinh hoàn lên tới 95%.

Thông thường điều trị chính trong ung thư tinh hoàn là phẫu thuật cắt tinh hoàn có chứa bướu. Sau khi phẫu thuật, tùy thuộc vào kết quả giải phẫu bệnh mà có thể phối hợp hóa trị và xạ trị cho bệnh nhân.

6. Lời khuyên thầy thuốc

Ung thư tinh hoàn là bệnh lý nguy hiểm gây nên bởi nhiều nguyên nhân phức tạp khác nhau. Do đó, bằng những quan sát thông thường, người bệnh khó có thể phát hiện ra những dấu hiệu đầu tiên của bệnh khi mới bị. Vì vậy, khi có các dấu hiệu bất thường trên cơ thể hay tại cơ quan sinh dục nam giới cần chủ động thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để tiến hành kiểm tra và làm các xét nghiệm quan trọng nhằm xác định chính xác tình trạng bệnh cụ thể để có phương pháp điều trị kịp thời.

Cách tốt nhất để phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư tinh hoàn là tự kiểm tra. Hàng tháng nên tự kiểm tra tinh hoàn 1 lần, đơn giản nhất là sau mỗi lần tắm. Ngoài ra, người khỏe mạnh nên khám 6 tháng/lần. Người có các yếu tố nguy cơ nên tái khám thường xuyên hơn.

Mời độc giả xem thêm video:

Bệnh sốt xuất huyết xuất hiện thêm chủng mới, bác sĩ khuyến cáo điều gì- - SKĐS


BS Nguyễn Duy
Ý kiến của bạn