Nếu căng thẳng khiến bạn lo lắng, bồn chồn… bạn có thể thử thiền. Chỉ cần dành vài phút thiền cũng có thể giúp bạn lấy lại sự bình tĩnh và bình yên bên trong. Bất kỳ ai cũng có thể thực hành thiền định. Nó đơn giản, không tốn kém và không cần bất kỳ thiết bị đặc biệt nào. Bạn có thể thực hành thiền ở bất cứ nơi đâu, có thể thiền khi đang đi dạo, đi xe buýt hay thậm chí đang chờ ở phòng khám bác sĩ…
Thiền là một loại thuốc bổ sung cho tâm trí và cơ thể, giúp bạn thư giãn sâu sắc và làm dịu tâm trí. Trong khi thiền, bạn tập trung vào một điều, loại bỏ dòng suy nghĩ có thể đang làm phiền tâm trí bạn và gây ra căng thẳng. Quá trình này có thể dẫn đến sức khỏe thể chất và cảm xúc tốt hơn.
1. Lợi ích của thiền định
Thiền định có thể mang lại cho bạn cảm giác bình tĩnh, thanh thản và cân bằng, có lợi cho sức khỏe cảm xúc và sức khỏe tổng thể. Bạn cũng có thể sử dụng thiền để thư giãn và đối phó với căng thẳng bằng cách tập trung vào điều gì đó giúp bạn bình tĩnh. Những lợi ích này sẽ kéo dài ngay cả sau khi buổi thiền kết thúc.
Những lợi ích về mặt cảm xúc và thể chất của thiền định có thể bao gồm:
- Cung cấp cho bạn cách nhìn mới về những vấn đề gây căng thẳng.
- Rèn luyện kỹ năng quản lý căng thẳng.
- Khiến bạn tự nhận thức rõ hơn.
- Tập trung vào hiện tại, giảm cảm xúc tiêu cực.
- Giúp bạn sáng tạo, kiên nhẫn hơn.
- Giảm nhịp tim khi nghỉ ngơi, giảm huyết áp
- Ngủ ngon hơn...
Thực hành thiền định hàng ngày sẽ giúp bạn thoát khỏi những tiêu cực.
Thiền định cũng có thể giúp ích nếu bạn có tình trạng bệnh lý, nhất là những bệnh lý mà căng thẳng làm trầm trọng thêm. Một số nghiên cứu cho thấy rằng thiền định có thể giúp mọi người kiểm soát các triệu chứng của các tình trạng như:
- Lo lắng
- Hen suyễn
- Ung thư
- Đau mạn tính
- Trầm cảm
- Bệnh tim
- Huyết áp cao
- Hội chứng ruột kích
- Vấn đề về giấc ngủ
- Đau đầu do căng thẳng…
Hãy chắc chắn trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe của bạn về ưu và nhược điểm của việc sử dụng thiền, nếu bạn có bất kỳ tình trạng sức khỏe nào trong số này hoặc các tình trạng sức khỏe khác. Đôi khi, thiền có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng liên quan đến một số tình trạng sức khỏe tâm thần. Lưu ý, thiền định không thay thế được phương pháp điều trị y khoa, nhưng có thể hữu ích khi kết hợp nó với các phương pháp điều trị khác.
2. Một số bước để thực hiện thiền
Nếu bạn là người muốn bắt đầu thiền, dưới đây là một số bước có thể thực hiện:
2.1 Tìm không gian yên tĩnh
Bước đầu tiên để thiền thành công là tìm một không gian mà bạn có thể hoàn toàn bình tĩnh và thư giãn. Không gian đó không có sự xao nhãng, an toàn và quen thuộc với tâm trí và cơ thể bạn.
Khi ở trong một không gian yên tĩnh, quen thuộc, bạn sẽ dễ dàng đưa cơ thể vào chế độ nghỉ ngơi và đắm chìm ngay vào thiền định. Vì vậy, hãy tìm một căn phòng hoặc một nơi bên ngoài (nơi bạn sẽ không bị làm phiền), cất hết mọi thiết bị và bắt đầu thư giãn…
2.2 Ngồi thoải mái và đúng tư thế
Khi bạn đã tìm được vị trí yên tĩnh, không gây mất tập trung, hãy ngồi thoải mái và đúng tư thế. Không cúi khom lưng hay cúi quá nhiều sẽ gây căng thẳng cho cơ thể, khiến bạn không thể tập trung vào thiền. Một trong những mẹo tốt nhất là giữ lưng thẳng và bắt chéo chân.
Chỉ cần vài phút thực hành thiền hàng ngày sẽ giúp bạn có được những khoảnh khắc bình tĩnh và thanh thản, có thể tập trung vào bản thân, tập trung vào năng lượng của mình và giúp tâm trí thoát khỏi những tiêu cực.
2.3. Tập trung vào hơi thở
Bước tiếp theo là tập trung vào hơi thở. Các kỹ thuật thở là một phần rất quan trọng của thiền và bằng cách tập trung vào hơi thở, sẽ giúp bạn có thể bình tĩnh, tập trung và hiện diện trong khoảnh khắc.
Vì vậy, khi bạn ngồi xuống một cách thoải mái, hãy nhắm mắt lại và bắt đầu hít thở sâu. Trong quá trình này hãy tập trung vào cách cơ thể cảm thấy và phản ứng mỗi khi hít vào và thở ra…
Tập trung vào hơi thở là một phần rất quan trọng của thiền.
2.4 Xóa bỏ những suy nghĩ tiêu cực
Việc bị phân tâm hay những điều tiêu cực có thể ùa về, nhưng hãy cố gắng giữ chánh niệm và ngay khi bạn nhận ra rằng tâm trí mình đã lang thang, hãy đưa nó trở lại vạch xuất phát và tập trung vào hơi thở một lần nữa.
Hãy nhớ rằng tâm trí bạn trôi dạt là điều tự nhiên và do đó điều quan trọng là bạn phải học cách tập trung trở lại.
2.5 Hãy cho mình thời gian
Bắt đầu thiền 5-10 phút mỗi ngày.
Một bước quan trọng khác và là một phần của hành trình thiền định là bạn cần cho bản thân, tâm trí và cơ thể thời gian để thích nghi. Bắt đầu thiền 5-10 phút mỗi ngày, có thể là thiền chánh niệm hoặc thiền tụng kinh, hoặc thiền Trataka...
Không nên gắng sức trong vài ngày đầu, sau khi bạn cảm thấy thoải mái hơn với thiền, có thể từ từ tăng thời gian thiền.
Mời bạn xem thêm video:
Lợi ích tuyệt vời của Yoga với phái đẹp | SKĐS