Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể gây ra những triệu chứng COVID kéo dài (Long COVID) khác với các chủng virus trước đó.
Kết luận trên nằm trong một nghiên cứu được công bố ngày 24/3 tại Đại hội Vi sinh lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm châu Âu, diễn ra ở Lisbon, Bồ Đào Nha.
Từ tháng 6/2020 đến tháng 6/2021, những triệu chứng COVID-19 kéo dài phổ biến nhất ở người mắc bệnh này là khó thở và mệt mỏi mãn tính; tiếp theo là các vấn đề về giấc ngủ và thị lực cũng như hiện tượng sương mù não.
Theo các nhà khoa học, vào thời điểm biến thể Alpha là biến thể chủ đạo, các triệu chứng đau nhức cơ, mất ngủ, lo lắng và trầm cảm cũng rất phổ biến.
Trong khi đó, với chủng virus gốc, xuất hiện đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019, các triệu chứng mất khứu giác, khó nuốt và mất thính giác phổ biến hơn.
Các nhà khoa học cho rằng các triệu chứng COVID-19 kéo dài có thể khác nhau ở những người nhiễm các biến thể khác nhau.
Ông Michele Spinicci, nhà nghiên cứu về y học thực nghiệm tại Đại học Florence đồng thời là đồng tác giả nghiên cứu, cho biết nhóm tác giả đã nghiên cứu nhiều triệu chứng, song đây là lần đầu tiên họ liên hệ các triệu chứng COVID kéo dài với các biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2.
Ông Michele Spinicci nhận định thời gian kéo dài và phạm vi rộng của các triệu chứng COVID kéo dài cho thấy vấn đề sẽ không biến mất và cần phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ bệnh nhân về lâu dài.
Nghiên cứu cho thấy có tới một nửa số bệnh nhân hồi phục sau đợt mắc COVID-19 ban đầu bị di chứng cấp tính hậu COVID, hay còn gọi là COVID-19 kéo dài. Hiện tượng này xảy ra ở mọi nhóm đối tượng bất kể tuổi tác, sức khỏe tổng thể và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Căn cứ dữ liệu sẵn có, các triệu chứng COVID-19 kéo dài dường như gây ảnh hưởng lâu dài đến chức năng não, tim và phổi.
Trong nghiên cứu này, ông Spinicci cùng các cộng sự đã đánh giá hồ sơ sức khỏe của 428 bệnh nhân, gồm 254 nam và 174 nữ, được điều trị tại Bệnh viện Đại học Careggi từ tháng 6/2020 đến tháng 6/2021.
Trong thời gian đó, biến thể Alpha là biến thể phổ biến nhất tại Italy. Tất cả những bệnh nhân tham gia nghiên cứu này đều nhập viện do COVID-19 và được ra viện từ 4 đến 12 tuần trước khi được khảo sát về các triệu chứng kéo dài.
Trong số bệnh nhân trên, 325 người, tương đương 76%, cho biết họ bị ít nhất một triệu chứng dai dẳng. Trong số những người có các triệu chứng kéo dài, 37% bị khó thở và 36% mệt mỏi mãn tính, trong khi 16% có vấn đề về giấc ngủ và 13% gặp vấn đề về thị lực. Ngoài ra, 13% cho biết họ bị "sương mù não" hoặc gặp vấn đề về khả năng tập trung.
Dữ liệu còn chỉ rõ những người bị bệnh nặng thường có nguy cơ mắc hội chứng COVID kéo dài gấp 6 lần, trong khi đó nguy cơ này ở những bệnh nhân phải thở ôxy cao hơn 40%. Các nhà khoa học cũng nhận thấy phụ nữ có nguy cơ mắc các triệu chứng COVID-19 kéo dài gấp 2 lần so với nam giới. Những người bị tiểu đường tuýp 2 có nguy cơ thấp hơn.
Trong giai đoạn sau của nghiên cứu, khi biến thể Alpha là biến thể chủ đạo tại Italy, khoảng 10% bệnh nhân bị COVID kéo dài cho biết họ bị đau cơ và mỏi, trong khi 15% bị mất ngủ, 16% bị sương mù não và 13% bị lo lắng hoặc trầm cảm. Chỉ có 2% bệnh nhân bị mất khứu giác, 4% gặp khó khăn khi nuốt và 1% mất thính lực.
Tuy nhiên, trong nửa đầu của nghiên cứu khi chủng gốc virus SARS-CoV-2 vẫn chiếm ưu thế ở Italy, 13% bệnh nhân COVID kéo dài bị mất khứu giác, 11% khó nuốt và 6% bị mất thính giác.
Các nhà khoa học cho biết khoảng 6% những người có khả năng đã nhiễm chủng virus gốc mắc chứng lo lắng hoặc trầm cảm, 10% bị sương mù não.
Xem thêm video đang được quan tâm:
7 lợi ích của vitamin C