Hà Nội

Các biện pháp xử trí, điều trị cho thai phụ bị nhau bong non

08-10-2024 07:28 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Nhau bong non là tình trạng phân tách sớm của nhau thai ra khỏi tử cung, thường là sau 20 tuần thai. Nhau bong non là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm, xảy ra đột ngột, tiến triển nhanh, nếu không được can thiệp xử trí kịp thời có thể đe dọa tính mạng mẹ và thai nhi.

Nhau bong non: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừaNhau bong non: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

SKĐS - Nhau bong non là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm, thường gặp ở thai phụ vào 3 tháng cuối thai kỳ. Tai biến này thường xảy ra đột ngột, tiến triển nhanh, nếu không được xử trí kịp thời có thể đe dọa tính mạng thai phụ lẫn thai nhi do tình trạng sốc mất máu, biến chứng rối loạn đông máu hay vô niệu.

1. Dấu hiệu nhau bong non

Thai phụ bị nhau bong non có thể có các dấu hiệu sau:

1.1 Dấu hiệu cơ năng

Đau: đau vùng bụng dưới xuất hiện một cách đột ngột, bắt đầu từ tử cung đau lan ra sau lưng và xuống đùi sau đó lan ra khắp cả bụng. Cơn đau có tính chất liên tục, kéo dài. Khi tử cung cứng như gỗ, bệnh nhân đau lăn lộn, vật vã, có thể có dấu hiệu sốc ngày càng nặng, mạch nhanh, huyết áp tụt, trường hợp nặng có thể kèm theo hội chứng tiền sản giật.

Xuất huyết: xuất huyết âm đạo có thể có hoặc không có do máu đọng lại trong tử cung mà không chảy ra ngoài. Tính chất máu chảy ra là máu đỏ sậm, loãng, không đông.

1.2 Dấu hiệu biểu hiện ra toàn thân

Người bệnh có tình trạng vật vã, kích thích do thiếu máu hoặc người mệt lả, ngất xỉu.

Sốc xảy ra nhanh chóng mặc dù có thể thấy máu ra âm đạo ít. Độ nặng của tình trạng sốc không đi đôi với số lượng máu mất ra ngoài âm đạo.

Có thể có hội chứng tiền sản giật đi kèm, lúc đầu huyết áp hơi tăng về sau giảm, mạch chậm, chân tay lạnh, vã mồ hôi, da niêm mạc nhợt nhạt, ...

1.3 Dấu hiệu thực thể

Tử cung co cứng là triệu chứng quan trọng nhất. Tử cung co cứng một cách bất thường, trương lực cơ bản của tử cung cũng cao hơn bình thường, trong những thể nặng tử cung cứng như gỗ.

Bề cao tử cung ngày càng tăng. Khối máu tụ càng lớn sẽ làm bề cao tử cung ngày càng tăng lên.

Sờ nắn các phần của thai nhi qua thành bụng khó khăn do tử cung co cứng.

Nghe tim thai thay đổi nhanh chóng hoặc không nghe được trong những thể nặng. Những thể nhẹ cũng có thể nghe được nhưng khó khăn, thường diễn biến đến suy thai rất nhanh chóng.

Khám âm đạo thấy cổ tử cung siết cứng như vòng nhẫn, ối căng phồng, bấm ối thấy nước ối lẫn máu đỏ.

1.4 Dấu hiệu được nhận diện theo các mức độ của bệnh

Tùy từng mức độ nghiêm trọng của nhau bong non (độ I, II, III), các triệu chứng có thể khác nhau:

Nhau bong non thể ẩn: Thai phụ không có biểu hiện bất thường trước khi sinh. Thai nhi vẫn chào đời khỏe mạnh. Phát hiện nhau bong non sau sinh khi thấy có một khối máu tụ nhỏ khi lấy nhau thai ra ngoài.

Nhau bong non thể nhẹ (độ I): có hiện tượng xuất huyết âm đạo mức độ nhẹ, các cơn co thắt tử cung nhẹ, sinh hiệu ổn định và nhịp tim của thai nhi ổn định. Xét nghiệm đông máu bình thường.

Nhau bong non thể trung bình (độ II): có hiện tượng xuất huyết âm đạo lượng vừa, tử cung co thắt bất thường, huyết áp thấp, suy thai, rối loạn đông máu.

Nhau bong non thể nặng (độ III): là thể nặng nhất. Có hiện tượng xuất huyết âm đạo lượng nhiều và co thắt tử cung mạnh, huyết áp rất thấp, rối loạn đông máu nặng, thai dễ tử vong.

Các biện pháp xử trí, điều trị cho thai phụ bị nhau bong non- Ảnh 2.

Xuất huyết âm đạo trong trường hợp nhau bong non.

2. Phương pháp chẩn đoán nhau bong non

Thông thường, nhau bong non sẽ được chẩn đoán thông qua kiểm tra và các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, phổ biến và thuận tiện nhất là siêu âm. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng mà bác sĩ có chỉ định thai phụ cần nhập viện hoặc chăm sóc tại nhà.

Bác sĩ sẽ khai thác các thông tin triệu chứng và thăm khám như:

Hỏi mẹ bầu có bị ra máu âm đạo hay không;

Hỏi triệu chứng đau ở đâu, mức độ đau nhẹ hoặc dữ dội;

Hỏi thời gian bắt đầu các triệu chứng;

Theo dõi huyết áp thai phụ;

Theo dõi nhịp tim và chuyển động của thai nhi;

Theo dõi các cơn co thắt tử cung ở thai phụ;

Cận lâm sàng

- Xét nghiệm máu: biểu hiện thiếu máu, hồng cầu, tiểu cầu giảm, fibrinogen giảm.

- Nước tiểu: nồng độ protein niệu có thể rất cao.

- Monitoring sản khoa: phát hiện sớm tình trạng suy thai. Trên monitoring cũng biểu hiện rõ ràng tình trạng tăng trương lực cơ bản của cơ tử cung.

- Siêu âm: khảo sát vị trí bánh nhau thấy có khối máu tụ nằm giữa bánh nhau và cơ tử cung, có thể đo được diện tích bong nhau để tiên lượng tình trạng bệnh.

3. Các phương pháp xử trí, điều trị nhau bong non

Không thể gắn lại nhau thai đã tách khỏi thành tử cung. Các lựa chọn điều trị cho nhau bong non tùy thuộc vào từng trường hợp:

- Điều trị nhau bong non phụ thuộc theo mức độ nặng của bệnh:

Nhau bong non thể ẩn: thường chỉ phát hiện sau sinh nên không điều trị gì.

Nhau bong non thể nhẹ: chỉ định điều trị với thuốc giảm đau, giảm cơn gò tử cung (lựa chọn thuốc trong một hoặc các nhóm thuốc sau: nhóm Nitrat, nhóm Nhóm Beta-Adrenergic Agonists, Nhóm thuốc Anti-Prostaglandin, Nhóm thuốc chẹn thụ thể Oxytocin…). Sản phụ có thể được bấm ối, thúc đẩy sinh thường ngả âm đạo. Nếu gặp bất kỳ trở ngại nào cần chỉ định mổ lấy thai cấp cứu. Trong lúc mổ bác sĩ sẽ đánh giá tổng trạng và đưa ra quyết định bảo tồn hay cắt bỏ tử cung của bệnh nhân.

Nhau bong non thể trung bình: bệnh nhân cần được đặt được truyền tĩnh mạch để hồi sức chống choáng và sử dụng các thuốc giảm đau giảm gò tử cung. Ở thể trung bình, khi có rối loạn đông cầm máu xuất hiện, bệnh nhân sẽ được điều trị chống rối loạn đông máu với các thuốc chống tiêu sợi huyết như transamine, fibrinogen. Quyết định mổ lấy thai hay cho sinh thường phụ thuộc vào diễn tiến lâm sàng. Tương tự như thể nhẹ, trong khi phẫu thuật cần đưa ra quyết định bảo tồn hay cắt bỏ tử cung của sản phụ.

Nhau bong non thể nặng: thở oxy, lấy đường truyền tĩnh mạch và sử dụng các thuốc hồi sức ngay khi bệnh nhân vào. Thuốc giảm đau và giảm gò tử cung được chỉ định. Điều trị rối loạn đông máu với transamine, fibrinogen. Chỉ định mổ lấy thai cấp cứu, không được theo dõi sinh ngã âm đạo. Thường phải cắt tử cung bán phần vì đã tổn thương nặng. Hồi sức bệnh nhân được tiến hành song song với phẫu thuật.

- Xử trí theo tuổi thai

Nhau bong non nhẹ ở tuần thứ 24 đến 34: Nếu nhau bong non mức độ nhẹ, nhịp tim của thai bình thường và còn quá sớm để chào đời, người mẹ có thể phải nhập viện để theo dõi chặt chẽ tình trạng nhau bong non. Nếu máu ngừng chảy và tình trạng của thai ổn định, người mẹ có thể nghỉ ngơi tại nhà nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu hạn chế vận động theo ý kiến bác sĩ.

Nhau bong non nhẹ ở tuần thứ 34 trở lên: Nói chung, sau 34 tuần của thai kỳ, nếu tình trạng bong nhau thai ở mức tối thiểu thì có thể thực hiện sinh con qua đường âm đạo được theo dõi chặt chẽ. Nếu tình trạng nhau bong non trở nên trầm trọng hơn hoặc gây nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và em bé, cần phải thực hiện sinh con bằng phương pháp sinh mổ để lấy thai khẩn cấp.

Đối với chảy máu nghiêm trọng: Có thể cần truyền máu.

Hai yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ sống sót là tuổi thai khi sinh ra và mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhau bong non. Phát hiện sớm, theo dõi chặt chẽ và điều trị nhanh chóng có thể giúp giảm các biến chứng.

Xử trí sau đẻ:

- Nếu con còn sống thì tích cực hồi sức sơ sinh và vẫn tiếp tục tiến hành chống sốc cho mẹ.

- Do nhau bong non có thể gây ra tình trạng rối loạn đông máu tùy mức độ, thể bệnh, vì vậy cần phải theo dõi tình trạng chảy máu thời kỳ hậu sản thật tốt để xử trí hiệu quả.

- Đánh giá tình trạng suy gan, suy thận sớm nhờ các xét nghiệm kiểm tra chức năng gan, thận.

- Dự phòng và phát hiện sớm các tình trạng nhiễm khuẩn hậu sản.

4. Những điều cần biết trước – trong và sau quá trình điều trị nhau bong non

Trước và trong thời gian mang thai, thai phụ nên:

Giữ tinh thần thoải mái. Có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý. Bổ sung axit folic trước và ngay sau khi mang thai. Ăn uống đầy đủ chất, đủ các nhóm thực phẩm, không kiêng khem.

Các biện pháp xử trí, điều trị cho thai phụ bị nhau bong non- Ảnh 4.

Thai phụ nên đi khám thai định kỳ. (ảnh minh hoạ)

Nên đăng ký và đi khám thai định kỳ tại một cơ sở y tế uy tín.

Vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Khi phát hiện các yếu tố nguy cơ cao như: xuất huyết âm đạo, đau trằn bụng dưới,… thai phụ cần kịp thời đến bệnh viện có chuyên khoa sản để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Điều trị tốt các bệnh lý toàn thân trước khi mang thai như đái tháo đường, tăng huyết áp (nếu có).

Khoảng cách giữa hai lần sinh con không nên kéo dài quá 7 năm để ngừa các bất thường khi mang thai.

Trong quá trình điều trị:

Thai phụ vận động đi lại nhẹ nhàng trong thời gian điều trị.

Được tiêm thuốc trưởng thành phổi phòng suy hô hấp cho trẻ sơ sinh trong trường hợp sinh non.

Thai phụ được theo dõi sát các yếu tố mẹ và thai: Tổng trạng mẹ; Tình trạng đau bụng; Tình trạng ra máu âm đạo; Tim thai, cơn gò tử cung.

Sau điều trị

Trường hợp tiếp tục theo dõi thai kỳ thai phụ chú ý:

Chế độ ăn uống- vệ sinh, thăm khám thai như trong quá trình điều trị đã tư vấn.

Lao động nhẹ nhàng tránh té ngã.

Theo dõi các triệu chứng hoặc tần suất của dấu hiệu nhau bong non.

Luôn cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng mà người mẹ đang dùng, bao gồm cả vitamin.

Tái khám nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường: Đau trằn bụng dưới; Ra máu âm đạo bất thường; Có nhiều cơn gò bụng.

Trường hợp kết thúc chuyển dạ cho thai phụ sinh ngay: thực hiện chế độ chăm sóc như bệnh nhân sinh thường hay mổ lấy thai.

Các câu hỏi thường gặp liên quan đến nhau bong nonCác câu hỏi thường gặp liên quan đến nhau bong non

SKĐS - Nhau bong non là một trong những cấp cứu sản khoa nguy hiểm, thường gặp ở thai phụ trong 3 tháng cuối của thai kỳ. Biến chứng này xảy ra đột ngột, tiến triển nhanh, có thể nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và thai nhi nếu không xử lý y tế kịp thời.


BS. Vũ Thu Hồng
bác sĩ
Ý kiến của bạn