Viêm họng là tình trạng thường gặp trong mùa hè. Bệnh thường do virus gây ra với các triệu chứng kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, bao gồm sổ mũi, ho, hắt hơi, viêm họng, nhức đầu… Dưới đây là một số biện pháp tự nhiên làm giảm viêm họng.
1. Bổ sung một số thực phẩm giảm viêm họng
- Sữa nghệ: Nghệ có chứa chất chống oxy hóa, chống viêm và sát trùng, giúp điều trị các tình trạng liên quan đến đường hô hấp. Sữa nghệ hoặc các thức uống từ nghệ là một giải pháp hiệu quả giúp bạn điều trị viêm họng mùa hè. Ngoài ra, bạn cũng có thể súc miệng bằng nghệ kết hợp nước muối pha loãng để tăng hiệu quả.
- Mật ong: Mật ong chứa các đặc tính kháng khuẩn, chống viêm, đẩy nhanh quá trình hồi phục của cơ thể. Chính vì vậy, bạn có thể kết hợp sử dụng mật ong trong thuốc sắc, trà thảo dược hoặc thức uống hàng ngày để điều trị viêm họng.
- Trà thảo dược: Trà thảo dược ấm như trà hoa cúc, trà bạc hà, trà gừng, trà rễ cam thảo… có thể giúp làm dịu cổ họng. Trong trà thảo dược có nhiều chất chống oxy hóa, có thể giúp chống lại nhiễm trùng do virus.
Ngoài ra, các loại trà khác nhau có những ưu điểm riêng biệt như: Trà hoa cúc có các hợp chất chống viêm, có thể làm giảm viêm họng và giúp ngủ ngon; trà bạc hà làm dịu cơn đau, chống viêm…
- Các thực phẩm có lợi cho sức khỏe: Nếu bị viêm họng, bạn nên ăn nhiều trái cây và rau quả tươi giàu các chất như kẽm, sắt, vitamin C...
Các chất này có trong: Cải xoăn, cần tây, quả mọng, cam, quýt, bơ, ổi, lựu… Thực phẩm giàu vitamin C nâng cao miễn dịch, giúp tăng tốc độ phục hồi cho cơ thể.
Bên cạnh đó, bạn nên ăn các món cháo, súp như: Cháo gà, cháo thịt lợn, cháo thịt bò, súp gà, canh gà hầm, nước hầm củ quả… giúp cung cấp chất lỏng, bù nước và điện giải cho người bị ốm, sốt, mệt mỏi. Khi nấu các món cháo, súp nên cho thêm vài lát gừng, nghệ để tăng đặc tính chống viêm, kháng khuẩn, kháng virus.
2. Thói quen làm giảm tình trạng viêm họng
- Súc miệng bằng nước muối: Một trong những phương pháp tự nhiên phổ biến nhất nhằm điều trị các triệu chứng viêm họng là súc miệng bằng nước muối. Súc miệng nước muối ấm giúp làm dịu cổ họng, rửa sạch các chất nhầy, giảm viêm, nhờ đó hỗ trợ hiệu quả trong việc điều trị cảm lạnh, ho khan và các triệu chứng cúm.
- Uống nhiều nước: Mất nước có thể là nguyên nhân chính gây đau, khô và kích ứng ở cổ họng. Uống nhiều nước là điều quan trọng nhằm giảm viêm họng mùa hè, làm loãng chất nhầy và khiến nó dễ dàng thoát ra ngoài hơn.
Bạn nên bổ sung đủ nước cho cơ thể bằng cách uống ít nhất 7 – 8 ly nước mỗi ngày, bổ sung nước trong các thực phẩm. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là nên uống nước ấm, không nên uống nước lạnh, nước đá. Tránh uống rượu và các loại đồ uống có gas, có caffein như cafe, vì chúng có thể làm bạn mất nước.
- Nghỉ ngơi: Trong điều kiện thời tiết nắng nóng như mùa hè, việc nghỉ ngơi là vô cùng quan trọng. Cổ họng và cơ thể của bạn cần được nghỉ ngơi để tránh các chất kích thích trong môi trường.
Một giấc ngủ ngon, tránh căng thẳng mệt mỏi và hoạt động quá mức cũng giúp bạn nâng cao sức khỏe miễn dịch tự nhiên.
- Dùng máy tạo độ ẩm: Máy tạo độ ẩm sẽ làm tăng độ ẩm không khí, hỗ trợ điều trị triệu chứng đau họng, cảm cúm. Đồng thời, máy tạo độ ẩm còn có tác dụng lọc sạch không khí để tránh các chất kích thích, vi khuẩn, virus có hại cho đường hô hấp. Tuy nhiên, bạn cần giữ cho máy tạo độ ẩm luôn sạch sẽ.
3. Phòng ngừa viêm họng mùa hè
- Rửa tay thường xuyên: Bạn hãy nhớ rửa tay thường xuyên, vì mầm bệnh có thể lây lan trực tiếp hoặc gián tiếp từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Nên rửa sạch tay vào các thời điểm: Trước khi ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh, sau khi chạm vào các khu vực có thể có nhiều vi khuẩn hoặc trước và sau khi tiếp xúc với người bệnh. Nếu bạn biết ai bị cảm cúm, viêm họng, tốt hơn hết là nên tránh tiếp xúc với họ để hạn chế sự lây nhiễm bệnh.
- Không sử dụng máy lạnh quá lâu: Máy lạnh (điều hòa) là thiết bị làm mát chuyên dụng trong mùa hè. Nhiều người có thói quen ngồi trong phòng điều hòa cả ngày để "trốn" nóng. Tuy nhiên, điều này có tác động không tốt tới sức khỏe do nhiệt độ thấp, không khí khô (độ ẩm thấp) có thể gây hại cho cổ họng.
Không những thế, trong môi trường kín, số lượng vi khuẩn trong không khí dễ gia tăng và xâm nhập vào cơ thể gây bệnh.
- Không để quạt hướng thẳng vào người: Quạt hướng thẳng vào người sẽ khiến mồ hôi bốc hơi nhanh, nhiệt độ ngoài da giảm xuống, tạo cảm giác mát mẻ, nhưng những vùng da không đón gió, mồ hôi sẽ bốc hơi chậm và nhiệt độ tại đó vẫn cao. Sự mất cân bằng nhiệt độ này là nguyên nhân chính khiến bạn dễ mắc cảm lạnh, đau đầu, chóng mặt, viêm họng.
- Không tắm ngay sau khi đi ngoài nắng: Sau khi đi ngoài trời nắng về, bạn nên nghỉ ngơi trong vòng 10 – 15 phút trước khi tắm để giúp cơ thể hạ nhiệt độ, mồ hôi giảm bớt. Nếu tắm ngay khi nhiệt độ cơ thể cao, mồ hôi nhiều, lỗ chân lông mở to có thể khiến bạn dễ bị ốm.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hai loại thực phẩm bị nghi làm tăng đột biến số ca ung thư đại trực tràng.