Phòng, tránh qua đường máu
Nguyên tắc chung để phòng tránh lây nhiễm HIV qua đường máu là bạn cần tuyệt đối tránh tiếp xúc trực tiếp với máu của người khác. Để thực hiện bạn cần lưu ý:
- Không dùng chung bơm kim tiêm, chỉ sử dụng bơm kim tiêm dùng một lần khi tiêm chích.
- Dùng riêng hoặc sau khi đã được tiệt trùng các dụng cụ xuyên qua da như: dao cạo râu, kim xăm trổ, kim châm cứu, dụng cụ bấm lỗ tai, dụng cụ gọt dũa móng tay, bàn chải đánh răng,v.v…
- Phải dùng găng tay cao su hoặc túi ny lông, vải dày để không tiếp xúc trực tiếp máu, dịch của người khác khi thực hiện các thao tác liên quan đến máu như: băng bó vết thương hở, thu gom chất thải có dính máu.
- Chỉ nên truyền máu trong những trường hợp cần thiết và tuân theo chỉ định của bác sĩ.
Dùng BCS đúng cách trong quan hệ tình dục giúp phòng tránh HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục |
Phòng tránh qua đường tình dục
Để phòng tránh lây nhiễm HIV qua đường tình dục bạn cần tuân thủ nguyên tắc chung là:
Không để dịch sinh dục như tinh dịch, dịch âm đạo của bạn tình tiếp xúc trực tiếp với da, niêm mạc của mình trong khi quan hệ tình dục, do đó cần phải:
Sử dụng bao cao su thường xuyên và đúng cách khi quan hệ tình dục, đặc biệt là với người bán dâm hoặc người mà bạn không biết chắc chắn tình trạng nhiễm HIV của họ.
Ngoài ra, các biện pháp sau đây sẽ giúp bạn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục:
Chung thuỷ từ cả hai phía và cả hai chưa nhiễm HIV.
Giảm số bạn tình. Những người càng có quan hệ tình dục với nhiều người càng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.
Với những người trẻ, không quan hệ tình dục trước hôn nhân cũng là cách phòng lây nhiễm HIV qua đường tình dục có hiệu quả.
Việc sử dụng bao cao su thường xuyên và đúng cách là hết sức quan trọng vì nó vừa giúp bạn phòng tránh lây nhiễm HIV, phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục và vừa giúp bạn phòng, tránh thai.
Phòng tránh lây truyền HIV từ mẹ sang con
Tăng cường các hoạt động nhằm bảo vệ phụ nữ khỏi nhiễm HIV/AIDS.
Vận động mọi phụ nữ tránh các hành vi nguy cơ (đã nêu ở phần trên) có thể dẫn đến nhiễm HIV/AIDS;
Mọi phụ nữ tự xét thấy mình/chồng đã/đang có hành vi nguy cơ cao, nay muốn mang thai thì nên tự nguyện đến các cơ sở y tế để được tư vấn và xét nghiệm HIV;
Tăng cường tiếp cận các phương tiện tránh thai cho phụ nữ đã nhiễm HIV
Phụ nữ nhiễm HIV không nên mang thai, vì:
Thai có thể chết lưu trong bụng mẹ, dị dạng, suy dinh dưỡng; Trẻ sinh ra có thể bị nhiễm HIV; Trẻ có thể phát triển kém hơn các đứa trẻ bình thường khác và sẽ sớm bị mồ côi mẹ; Sức khoẻ của người mẹ suy giảm nhanh hơn, chuyển thành AIDS sớm hơn;
Nếu phụ nữ nhiễm HIV đã có thai thì nên: đến cơ sở y tế để khám thai và được tư vấn cách xử lý.
Hướng xử lý tại cơ sở y tế:
- Khuyên phá thai (nếu có chỉ định y tế);
- Tư vấn, hỗ trợ chăm sóc thai sản - sức khỏe của mẹ;
- Khám thai sản định kỳ và xử lý kịp thời các bệnh cơ hội;
- Cho dùng thuốc ARV từ tuần 26 (nếu có chỉ định) hoặc dùng ngay khi đau đẻ;
- Mổ lấy thai (nếu có chỉ định);
- Đỡ đẻ thận trọng, rút ngắn thời gian sinh;
- Cho trẻ dùng ARV ngay sau khi sinh và tư vấn hỗ trợ nuôi con…
Phụ nữ cần trang bị kỹ năng sống, xét nghiệm HIV trước khi kết hôn; Xét nghiệm HIV trước khi quyết định có thai, khi có thai và khi đẻ; Quản lý thai nghén, sử dụng ARV; Cho bú sữa thay thế và áp dụng các thủ thuật an toàn khi đẻ.