Các biện pháp phòng ngừa vi khuẩn HP

30-11-2023 08:32 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Vi khuẩn HP phổ biến nên rất nhiều người mắc. HP dễ dàng lây nhiễm, gây ức chế, khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh.

Đường lây truyền và ấu hiệu nhận biết nhiễm vi khuẩn HP

Đường lây nhiễm

Vi khuẩn HP có thể lây truyền từ người sang người qua những con đường chính như sau:

- Đường miệng – miệng. Vi khuẩn HP có thể lây lan do tiếp xúc với nước bọt hoặc dịch tiết đường tiêu hóa của người bệnh. Đây là con đường lây nhiễm phổ biến nhất.

- Đường phân – miệng. Vi khuẩn HP hiện diện trên phân của người bệnh. Người bệnh sau khi đi vệ sinh không rửa tay sạch sẽ có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào đồ ăn, nước uống.

Ngoài ra, các loại trung gian truyền bệnh như gián, ruồi, chuột,… cũng có thể mang vi khuẩn HP trong phân vào thức ăn không được đậy kín.

- Lây nhiễm qua đường khác. HP dạ dày còn có thể lây nhiễm chéo trong quá trình nội soi dạ dày, soi tai mũi họng, khám nha khoa… nếu dụng cụ y tế không được vệ sinh sạch khuẩn.

HP dễ dàng lây nhiễm, gây ức chế, khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh.

HP dễ dàng lây nhiễm, gây ức chế, khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh.

Triệu chứng do vi khuẩn HP gây ra cũng thầm lặng, khó phát hiện.

  • Đau bụng nhiều lần.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Ợ hơi, có cảm giác no, đầy hơi.
  • Giảm cân không rõ nguyên do.
  • Vi khuẩn HP là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày. Triệu chứng nặng hơn có thể gặp như phân đen, nôn ra máu, đau dạ dày dữ dội, phân có máu tươi,…
  • Bất cứ ai cũng có nguy cơ nhiễm khuẩn HP. Môi trường sống, nguồn nước uống, thức ăn không đảm bảo vệ sinh, người bệnh có thói quen, biện pháp chăm sóc và chế độ sinh hoạt không hợp cũng sẽ là nguyên nhân gây nhiễm HP.

Biện pháp phòng ngừa vi khuẩn HP

Nhiễm HP cần tiến hành điều trị càng sớm càng tốt để tránh lây nhiễm sang người khác, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh đó, biện pháp phòng ngừa cũng tối quan trọng, đó là:

Ăn chín uống sôi

Các loại thực phẩm không được nấu chín ẩn chứa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và lây nhiễm vi khuẩn HP dạ dày. Vi khuẩn này có thể tồn tại trong nhiều loại đồ ăn khác nhau. Chúng không thể bị tiêu diệt nếu không được nấu chín với nhiệt độ cao. 

Bên cạnh đó, bạn cần tránh các loại thức ăn sống, tái như: tiết canh, gỏi, rau sống,…

Chú trọng yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm

- Sử dụng thực phẩm tươi sạch, đảm bảo an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

- Lựa chọn nguồn nước sạch trong sinh hoạt.

- Không sử dụng các thực phẩm có dấu hiệu ẩm mốc, ôi thiu, nhiễm khuẩn,…

Đảm bảo không gian sống sạch

Không gian sống của bản thân và gia đình luôn sạch sẽ, trong lành, dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, vệ sinh môi trường xung quanh. Chú ý vệ sinh bát đũa, dụng cụ nhà bếp sạch sẽ; diệt trừ ruồi, gián,…

Tránh sinh sống ở những nơi ô nhiễm (không khí bụi bặm, gần địa điểm xử lý nước thải, nguồn nước bẩn…).

Hãy thận trọng khi tiếp xúc với những người nhiễm vi khuẩn HP. Ảnh minh họa

Hãy thận trọng khi tiếp xúc với những người nhiễm vi khuẩn HP. Ảnh minh họa.

Rửa tay sạch sẽ, đúng cách

Từ các hình thức lây truyền của vi khuẩn HP, có thể thấy rửa tay thường xuyên chính là giải pháp để ngăn chặn loại vi khuẩn này. Bạn cần thường xuyên rửa tay với xà phòng để làm sạch khuẩn. Rửa tay trước khi ăn và sau khi sử dụng nhà vệ sinh.

Cẩn trọng khi tiếp xúc với người nhiễm vi khuẩn HP

Hãy thận trọng khi tiếp xúc với những người nhiễm vi khuẩn HP. Bạn cần: Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh như khăn mặt, bàn chải đánh răng,… Không dùng chung các dụng cụ ăn uống như thìa, đũa, bát, nước chấm…; không gắp thức ăn cho nhau; không nhai mớm cho trẻ.

Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học

Chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học và lạnh mạnh. Việc làm này giúp cơ thể tăng cường miễn dịch, chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh nói chung. 

Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ các chất thiết yếu: carbohydrate, chất béo, protein, vitamin, khoáng chất và nước. Hạn chế uống cà phê, tránh sử dụng bia rượu, không hút thuốc lá,…

Xây dựng thói quen vận động, tập luyện khoa học nhằm tăng sức đề kháng.

Thăm khám tiêu hóa định kỳ

Hãy chủ động thăm khám tiêu hóa định kỳ 6 tháng – 1 năm/lần. Kiểm tra định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm vi khuẩn HP cũng như các mầm mống gây bệnh khác, từ đó có hướng điều trị hiệu quả.

Xem thêm video được quan tâm:

6 loại thực phẩm nên tránh khi bị viêm khớp.


BS. Nguyễn Phương
Ý kiến của bạn