Hà Nội

Các biện pháp phòng dịch, xử lý khi có ca COVID-19 tại trường học thế nào?

17-02-2022 07:04 | Y tế

SKĐS - Thời gian qua, tại không ít trường học đã xuất hiện các ca COVID-19 là học sinh. Vậy các nhà trường phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng chống dịch thế nào? Xử trí ra sao khi có học sinh, thầy cô giáo... nghi mắc, mắc COVID-19?

Ngoài bậc học THCS và THPT đã đến trường, hiện nay tại một số địa phương đang có kế hoạch đưa trẻ mầm non và tiểu học đến trường sau thời gian dài nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, đến nay trẻ từ 12- 17 tuổi đã tiêm vaccine phòng COVID-19 nhưng các trẻ dưới 12 tuổi hiện chưa tiêm vaccine, trong khi các chuyên gia cho hay số khi số ca mắc COVID-19 tăng thì đương nhiên tỷ lệ trẻ là F0 cũng gia tăng.

Trên thực tế cho thấy, thời gian qua, tại không ít trường học đã xuất hiện các ca COVID-19 là học sinh. Vậy các cơ sở giáo dục phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế ở tất cả các cấp độ dịch thế nào?

Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục và cách xử trí khi tổ chức dạy và học trực tiếp.

Các biện pháp phòng dịch, xử lý khi có ca COVID-19 tại trường học thế nào? - Ảnh 1.

Ông Dương Chí Nam- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế chia sẻ hướng dẫn về các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục và cách xử trí khi tổ chức dạy và học trực tiếp. Ảnh; Nhiên Nguyễn

Phòng, chống dịch COVID-19 trong nhà trường thế nào?

Trong tham luận trình bày tại hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về hướng dẫn, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 với sự tham dự của các đơn vị liên quan của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Dương Chí Nam- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế đã hướng dẫn, trước khi học sinh quay lại học trực tiếp các nhà trường phải chuẩn bị, đảm bảo đủ nước uống hợp vệ sinh, mỗi học sinh có một cốc uống nước, đồ dùng cá nhân riêng.

Bố trí đủ và đảm bảo nơi rửa tay với nước sạch và xà phòng. Nhà vệ sinh sạch sẽ, đủ các trang thiết bị phục vụ vệ sinh trường học.

Cán bộ, giáo viên cần được tập huấn về công tác phòng, chống dịch COVID-19, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, cách phát hiện các trường hợp nghi mắc COVID-19.

Thông qua sổ liên lạc điện tử hoặc cách thức khác, nhà trường hướng dẫn cho học sinh, phụ huynh các biện pháp theo dõi, bảo vệ sức khỏe và thực hành các biện pháp vệ sinh cá nhân. Yêu cầu học sinh, cha mẹ học sinh theo dõi sức khỏe của học sinh và thông tin ngay cho nhà trường khi học sinh có các biểu hiện sốt, ho, khó thở.

Đồng thời, trường cũng cần thông tin về các biện pháp phòng, chống dịch đã và sẽ tiếp tục thực hiện tại các nhà trường, ký túc xá để học sinh, phụ huynh yên tâm.

Khi học sinh trở lại lớp, cơ sở giáo dục bố trí người đón và giao học sinh tại cổng trường, cha mẹ học sinh không được vào trong khu vực trường. Phòng học cần mở cửa thông thoáng, sử dụng quạt, hạn chế sử dụng điều hòa, nếu sử dụng điều hòa, lớp học phải mở cửa cho thông thoáng.

Thời gian học trực tiếp, số lượng học sinh và việc ngừng một số hoạt động được thực hiện theo hướng dẫn của địa phương, căn cứ yếu tố dịch tễ và nguy cơ.

Nhà trường cần quy định, hướng dẫn học sinh thực hiện hạn chế tiếp xúc với nhau. Quy định, hướng dẫn học sinh rửa tay/sát khuẩn tay; che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; không dùng chung các đồ dùng cá nhân; bỏ rác đúng nơi quy định

"Đối với công tác vệ sinh phòng học, khử khuẩn, các trường ưu tiên khử khuẩn bằng cách lau, rửa bằng các chất tẩy rửa thông thường như dung dịch tẩy rửa đa năng hoặc các dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05-0,1% Clo hoạt tính để lau các bề mặt tiếp xúc hoặc sàn nhà; dùng cồn 70% để lau các bề mặt thiết bị điện tử dễ bị ăn mòn bởi hóa chất hoặc có tiết diện nhỏ"- ông Dương Chí Nam nói.

Khi học sinh đi học, trường cần khử khuẩn bàn ghế, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy (2 lần/ngày). Đồng thời, sàn nhà, phòng học, phòng chức năng, khu vệ sinh cần được vệ sinh hàng ngày hoặc khi thấy bẩn. Các thiết bị dạy học, tay nắm cửa xe, tay vịn, ghế ngồi, cửa sổ,... của phương tiện đưa đón học sinh cũng cần vệ sinh thường xuyên.

Hạn chế sử dụng các đồ chơi, dụng cụ học tập bằng các vật liệu không khử khuẩn được. Bố trí đủ thùng đựng rác, thu gom, xử lý hàng ngày

Lãnh đạo Cục Quản lý môi trường y tế cũng lưu ý, các phòng cách ly tạm thời trong nhà trường được yêu cầu có công trình vệ sinh khép kín, đảm bảo trang thiết bị y tế cơ bản, có thùng đựng chất thải có nắp đậy, có nơi rửa tay với xà phòng, đảm bảo vệ sinh hàng ngày.

Cách xử trí khi phát hiện học sinh, thầy cô giáo, người lao động trong trường nghi mắc, mắc COVID-9.

Các nhà trường cũng cần rà soát lại, tăng cường tập huấn, diễn tập các kịch bản xảy ra. Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và cơ quan y tế trong việc phát hiện các trường hợp nghi ngờ.

Đối với các phụ huynh học sinh khi phát hiện con có triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở… thì cho học sinh nghỉ tại nhà, báo ngay cho nhà trường, cơ quan y tế để có biện pháp xử lý thích hợp.

Nếu các cơ sở giáo dục phát hiện trường hợp học sinh, giáo viên sốt, ho, khó thở, nghi mắc COVID-19 cần đưa đến phòng y tế ngay để kiểm tra, theo dõi, cách ly; cung cấp khẩu trang, hướng dẫn đeo đúng cách cho đối tượng này.

Các biện pháp phòng dịch, xử lý khi có ca COVID-19 tại trường học thế nào? - Ảnh 2.

Nếu các cơ sở giáo dục phát hiện trường hợp học sinh, giáo viên sốt, ho, khó thở, nghi mắc COVID-19 cần đưa đến phòng y tế ngay để kiểm tra, theo dõi, cách ly...

"Nhà trường cần thông báo cho Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của cơ sở giáo dục, phụ huynh học sinh, lực lượng đã được phân công để phân luồng lối đi từ khu vực có trường hợp nghi ngờ đến phòng cách ly tạm thời. Hạn chế di chuyển bằng thang máy hoặc bố trí thang máy riêng và khử khuẩn theo quy định ngay sau khi sử dụng. Sau đó, nhà trường khai thác các tiền sử tiếp xúc của học sinh này, thông báo phụ huynh và tham vấn ý kiến y tế địa phương"- ông Dương Chí Nam nói.

Lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho học sinh nghi mắc COVID-19.

Trường hợp phát hiện ca mắc COVID-19 ngay trong trường, thầy cô cần chuyển học sinh này xuống phòng cách ly và thông báo ngay cho trạm y tế cấp xã/phường hoặc cơ sở y tế đã được giao nhiệm vụ phân công hỗ trợ trường học trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 để ngay lập tức cùng xử lý.

Đối với lớp có học sinh mắc COVID-19: cho học sinh ngồi yên tại chỗ, tổ chức điều tra xác định các trường hợp F1 theo hướng dẫn của ngành y tế. Tổ chức test kháng nguyên nhanh mẫu gộp cho toàn bộ học sinh của lớp đó. Cho học sinh di chuyển sang lớp học dự phòng và khử khuẩn toàn bộ lớp học.

Những học sinh không phải là F1 khi có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được đi học bình thường. Trường hợp nếu là F1: cho học sinh F1 ở nhà để theo dõi sức khỏe và xét nghiệm theo quy định.

Về thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà: đối với trường hợp học sinh F1 đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, thì ở nhà không quá 7 ngày, xét nghiệm vào ngày thứ 7, âm tính, cho đi học trở lại; Đối với học sinh F1 chưa được tiêm vaccine, cũng cho nghỉ tại nhà, theo dõi chặt các biểu hiện, xét nghiệm theo quy định; nghỉ học không quá 14 ngày.

Nếu không có sự giao lưu, tiếp xúc giữa F0 với học sinh lớp khác, các lớp này vẫn đi học bình thường.

Bộ Y tế: Các địa phương căn cứ cấp độ dịch COVID-19, sớm đưa học sinh trở lại trườngBộ Y tế: Các địa phương căn cứ cấp độ dịch COVID-19, sớm đưa học sinh trở lại trường

SKĐS - Bộ Y tế đề nghị các địa phương căn cứ vào việc đánh giá cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn (đến tận cấp xã) để chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể sớm đưa học sinh trở lại trường để tổ chức dạy học trực tiếp


Thái Bình
Ý kiến của bạn