Theo số liệu từ các nghiên cứu trên khắp thế giới, Tổ chức Y tế thế giới ước tính đến nay có khoảng trên 90% dân số của hầu hết các nước trên thế giới đã có miễn dịch với bệnh COVID-19 do vaccine hoặc do mắc phải.
Trong thời gian gần đây, một số quốc gia trên thế giới đã có những sự điều chỉnh về các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng nới lỏng để phù hợp với tình hình dịch: Trung Quốc đã chuyển cấp độ dịch và mở cửa biên giới từng bước cho phép đi lại thuận lợi hơn giữa các quốc gia từ ngày 08/01/2023, Nhật Bản đã giảm cấp độ dịch và chấm dứt các biện pháp kiểm soát biên giới phòng dịch; Hoa Kỳ công bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp do COVID-19 từ 11/5/2023; Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia đã có kế hoạch giảm cấp độ dịch và từng bước sửa đổi các quy định phòng COVID-19 sau khi tình hình lây lan dịch bệnh được kiểm soát ổn định.
Ngày 03/5/2023, WHO đã ban hành Chiến lược Chuẩn bị và Ứng phó với COVID-19 giai đoạn 2023-2025 với mục tiêu:
- Giảm và kiểm soát số mắc, nhất là ở nhóm nguy cơ cao và dễ bị tổn thương;
- Ngăn ngừa chẩn đoán và điều trị, giảm biến chứng, tử vong, hậu COVID-19;
- Hỗ trợ các quốc gia trong quá trình chuyển đổi từ việc đáp ứng khẩn cấp sang quản lý bền vững, lồng ghép với các mối đe dọa khác và mang tính dài hạn.
Ngày 04/5/2023, Ủy ban khẩn cấp của WHO đã họp đánh giá tình hình dịch COVID-19 và WHO đã thông báo "COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu" nhưng "đại dịch vẫn chưa kết thúc" và "đã đến lúc các quốc gia chuyển từ chế độ khẩn cấp sang quản lý COVID-19 cùng với các bệnh truyền nhiễm khác".
Tại Việt Nam, trường hợp mắc bệnh đầu tiên ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh ngày 23/01/2020. Tính đến nay, trải qua 02 giai đoạn chống dịch và 04 đợt bùng phát dịch, cả nước đã ghi nhận trên 11,6 triệu trường hợp mắc, và trên 43.000 trường hợp tử vong; 99,9% số mắc được ghi nhận trong giai đoạn 2020-2022.
Kết quả giám sát cho thấy, tại Việt Nam phần lớn các biến thể lưu hành phổ biến trên thế giới đều có ghi nhận tại Việt Nam như: BN.1, BN.1.4, BA.2.3, BN.1.3.2, CH.1.1, CH.1.1.2, BQ.1, BQ.1.1, BF.7, BA.5.2.6, BA.5.2.48, BA.2.3.20, XBB, XBB.1, XBB.1.5, XBB.1.9, XBB.1.9.1, XBB.2.3, XBB.1.8, XBL.
Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ tại Việt Nam đã đạt tỷ lệ cao, các trường hợp bệnh nặng không nhiều như trước đây, các hoạt động giám sát phát hiện dịch được gia tăng. Các trường hợp tử vong ghi nhận trong thời gian này đều là những trường hợp có bệnh nền nặng đang điều trị từ trước, phần lớn có tiền sử chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng COVID-19.
Tại nước ta, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các giải pháp chống dịch phù hợp; dịch bệnh đã từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát hiệu quả; góp phần quan trọng và tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực; được Nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Đến nay, dịch COVID-19 đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, với số mắc, tử vong giảm sâu trong khi các biện pháp phòng chống dịch đã được chuyển hướng phù hợp với trạng thái "Bình thường mới".
Từ đầu năm đến 12/10/2023, ghi nhận 98.708 ca mắc, 20 ca tử vong (không ghi nhận tử vong trong 05 tháng qua); trung bình hàng tháng ghi nhận khoảng 10.000 ca mắc; số mắc trung bình tháng giảm 14 lần so với năm 2021 (khoảng 144.000 ca/tháng) và giảm 82 lần so với 2022 (khoảng 816.000 ca/tháng).
Tỷ lệ tử vong do COVID-19 giảm từ 1,86% năm 2021 xuống 0,1% năm 2022 và hiện còn 0,02% trong năm 2023 (tính đến hết tháng 9/2023), tương đương hoặc thấp hơn tỷ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B ghi nhận phổ biến tại Việt Nam trong 5 năm gần đây như: sốt xuất huyết (0,022%), sốt rét (0,017%), bạch hầu (0,102%), ho gà (0,417%).
Ngày 19/10/2023, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3896/QĐ-BYT điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 10 năm 2023.
Bộ Y tế đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tăng cường truyền thông nguy cơ và các biện pháp phòng, chống dịch; khuyến khích thực hiện 2K (Khẩu trang - Khử khuẩn) để bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, nhất là tại các điểm tập trung đông người như trên các phương tiện giao thông công cộng, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh...
Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và các chính sách có liên quan về phòng, chống COVID-19 để người dân hiểu, đồng thuận và chủ động tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.