Các biện pháp ngăn ngừa mất trí nhớ ngắn hạn

08-09-2017 18:08 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Mất trí nhớ ngắn hạn hay còn gọi là mất trí nhớ tạm thời, là một rối loạn trí nhớ mà nhiều người gặp phải trong cuộc sống hằng ngày.

Người bị mất trí nhớ ngắn hạn có thể nhớ một sự kiện từ nhiều năm trước với tất cả các chi tiết cụ thể, nhưng không nhớ những điều xảy ra trước đó 10 - 20 phút.

Nguyên nhân mất trí nhớ ngắn hạn

Mất trí nhớ ngắn hạn có thể là rào cản gây khó khăn và phiền hà cho học tập, công việc và sinh hoạt hằng ngày của bạn. Một số yếu tố góp phần vào rối loạn trí nhớ ngắn hạn này có thể là kết quả của thương tích hoặc một số ảnh hưởng bên ngoài, hoặc do một số rối loạn sức khỏe tiềm ẩn gây ra.

Bị một cơn đột quỵ im lặng: Đột quỵ có thể làm hỏng các mạch máu não và ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng nhớ hoặc suy nghĩ, nhưng các cơn đột quỵ im lặng có thể ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ hơn, và điều này có thể dẫn đến các rối loạn về bộ nhớ nhẹ hơn. Những thay đổi như vậy có thể nặng hoặc nhẹ và thường được gọi là sự suy giảm nhận thức do tổn thương mạch máu. Bất kỳ sự tắc nghẽn nào trong dòng máu chảy vào não sẽ làm giảm cung cấp ôxy và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng cho não. Trên thực tế, sự mất trí nhớ ngắn hạn đôi khi là một dấu hiệu sớm của đột quỵ.Điện não đồ nhằm phát hiện và can thiệp sớm chứng mất trí nhớ. Ảnh: TM

Điện não đồ nhằm phát hiện và can thiệp sớm chứng mất trí nhớ. Ảnh: TM

Do dùng thuốc: Đôi khi, vấn đề về trí nhớ có liên quan đến việc dùng thuốc. Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến trí nhớ, như thuốc chống lo âu, thuốc kháng histamine, thuốc ngủ, thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm, thuốc đái tháo đường, thuốc hạ cholesterol máu. Metformin, một loại thuốc kê toa cho bệnh đái tháo đường týp 2 có thể dẫn đến các vấn đề về bộ nhớ.

Stress: Stress nghiêm trọng hoặc trầm cảm có thể gây mất trí nhớ ngắn hạn. Stress mạn tính có thể gây ra các vấn đề liên quan đến bộ nhớ và sự tập trung. Stress kéo dài không được điều trị có thể dẫn đến trầm cảm, điều này có thể ảnh hưởng đến chức năng não.

Thiếu hụt dinh dưỡng: Vitamin B12 rất quan trọng cho chức năng thần kinh bình thường và sự thiếu hụt vitamin B12 có thể dẫn đến chứng sa sút trí tuệ. Mỗi ngày cơ thể cần có ít nhất 2,4 microgram vitamin B12. Vitamin B12 có thể được cung cấp từ nguồn thực phẩm như thịt, các sản phẩm từ sữa và cá, ngũ cốc nguyên hạt.

Tuổi tác: Tuổi càng cao, sự quên càng thường xuyên hơn. Khi già đi, não giảm dần và ngừng sản xuất tế bào mới dẫn tới sự suy giảm chức năng não.

Hút thuốc: Việc sử dụng thuốc lá, rượu, chất gây nghiện có thể dẫn đến mất trí nhớ ngắn hạn. Hút thuốc làm hạn chế lượng ôxy đến não và điều này có thể làm hỏng tế bào não. Tương tự, việc sử dụng các loại thuốc gây nghiện có thể thay đổi các chất hóa học trung gian trong não và khiến giảm trí nhớ.

Ngủ không đủ giấc: Thật khó để tránh căng thẳng trong cuộc sống ngày nay, nhưng mọi thứ có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát nếu thường xuyên bị căng thẳng và thiếu ngủ. Ngủ không đủ giấc có thể gây ra nhiều vấn đề xấu cho sức khỏe. Sự mệt mỏi về tinh thần và thể chất và ảnh hưởng đến sự tập trung và trí nhớ của bạn.

Chấn thương đầu: Có thể phát triển các vấn đề về trí nhớ sau một chấn thương ở đầu. Một chấn thương nghiêm trọng trực tiếp vào đầu có thể làm tổn thương não và dẫn đến mất trí nhớ ngắn và dài hạn.

Các biện pháp xử trí và phòng ngừa mất trí nhớ ngắn hạn

Xác định nguyên nhân chính gây rối loạn bộ nhớ: Làm rõ được nguyên nhân cụ thể sẽ giúp xác định lựa chọn điều trị tốt nhất. Ví dụ, nếu mất trí nhớ ngắn hạn là do thuốc, chỉ cần thay đổi các loại thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng có thể giúp giải quyết vấn đề. Các bài tập yoga, thiền có thể cải thiện cả về thể chất lẫn tinh thần giúp phòng ngừa hoặc giảm tình trạng hay quên, hay nhầm lẫn. Bổ sung dưỡng chất, vitamin cũng là một biện pháp khi nguyên nhân rối loạn trí nhớ do thiếu hụt dinh dưỡng.

Một số cách khác

Tăng cường rèn luyện thể dục, thể thao đẩy mạnh sự tuần hoàn của máu trong cơ thể. Đồng thời kết hợp tham gia các trò chơi trí tuệ như: giải ô chữ, đánh cờ, học ngôn ngữ, học chơi nhạc cụ... thúc đẩy quá trình dịch chuyển từ bộ nhớ ngắn hạn sang dài hạn.

Luôn để các vật dụng hàng ngày, chẳng hạn như giày dép, chìa khóa xe hơi... ở cùng một nơi. Điều quan trọng là phải tuân theo một trật tự cụ thể mỗi khi bạn làm điều gì đó.

Phát triển một thói quen lưu thông tin vào sổ. Bạn nên luôn luôn giữ giấy và bút bên cạnh để ghi chép. Giữ nhật ký tại nơi làm việc và ở nhà để nhớ những gì bạn nên làm ngày hôm nay.

Chuyển tải thông tin quan trọng với người khác để nhờ nhắc nhở khi cần thiết. Tránh ỉ lại hoặc lạm dụng quá nhiều vào thiết bị công nghệ gây mất thời gian và khiến bản thân mệt mỏi.

Tạo lập thời gian biểu hợp lý, ngủ đúng giờ, đủ giấc để củng cố trí nhớ ngắn hạn cũng như dài hạn.

Lời khuyên của thầy thuốc

Mất trí nhớ ngắn hạn là rối loạn trí nhớ gặp ở nhiều người, nhất là khi tuổi tác càng tăng. Thay đổi lối sống, chế độ ăn uống lành mạnh, học cách quản lý công việc hàng ngày một cách khoa học và xử trí triệt để các nguyên nhân gây ra mất trí nhớ. Làm tất cả những cách vừa nêu, đặc biệt phát hiện và can thiệp sớm, bạn có thể cải thiện mất trí nhớ ngắn hạn một cách hiệu quả theo mong muốn.


BS. Thanh Hoài
Ý kiến của bạn