Các biện pháp kiểm soát nguy cơ tăng huyết áp mùa hè

04-05-2025 18:00 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Khi nhiệt độ tăng cao vào mùa hè sẽ làm cơ thể mất nhiều nước, dẫn tới tình trạng máu cô đặc. Đặc biệt là sự thay đổi đột ngột giữa phòng điều hòa với thời tiết bên ngoài, sự thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến máu đang giãn nở lập tức co lại dẫn đến tăng huyết áp

Trong mùa hè nóng nực khiến cho chúng ta khó ngủ, ngủ không ngon giấc nên người bệnh tăng huyết áp sẽ xuất hiện hiện tượng ban đêm huyết áp tăng, làm hại đến tim mạch. Chính vì vậy, mùa nóng ban ngày có thể làm huyết áp giảm nhưng lại làm tăng huyết áp về đêm. Do đó, kiểm soát nguy cơ tăng huyết áp mùa hè là vô cùng quan trọng.

Kiểm soát huyết áp trong mùa hè

Một nguyên tắc cơ bản để kiểm soát huyết áp đó là người bệnh phải dùng thuốc đều đặn, không ngắt quãng. Việc dùng thuốc phải theo đúng chỉ định của bác sĩ. Khi trời nóng, người đang dùng thuốc điều trị tăng huyết áp không nên hoạt động nhiều ngoài trời nắng để đề phòng giãn mạch quá mức dẫn đến tụt huyết áp.

Người bệnh tăng huyết áp cần được theo dõi, kiểm tra sức khỏe định kỳ để được bác sĩ thăm khám, tư vấn phương pháp điều trị kịp thời hiệu quả. Ngoài ra, người tắc huyết áp cần chú ý như sau:

Tập thể dục vừa phải

Tập thể dục thường xuyên là một trong những cách hạ huyết áp không dùng thuốc được các chuyên gia đánh giá cao. Việc hoạt động thể chất đều đặn với cường độ phù hợp sẽ giúp hạ huyết áp xuống mức an toàn hơn.

Thời tiết nắng nóng khiến người bệnh tăng huyết áp thường bị mệt mỏi, cộng với việc dù vận động ít, cơ thể cũng sẽ ra nhiều mồ hôi, nên cơ thể sẽ mất nước và chất điện giải. Vận động sẽ giúp mạch máu co giãn và đàn hồi tốt, làm tăng tính bền của thành mạch máu. Vì vậy, vượt qua trở ngại về thời tiết, người bệnh tăng huyết áp nên cố gắng vận động toàn thân với nhịp độ chậm vừa, không nên tập nặng, có thể chọn các bài tập dưỡng sinh, thái cực quyền, lên xuống cầu thang, đi xe đạp chậm, đi bộ…

Chế độ ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn uống cũng có tác dụng trong kiểm soát huyết áp. Mùa hè cũng cần chú ý đến chế độ ăn, không ăn các thực phẩm chế biến sẵn vì nhiều muối. Cần bổ sung các loại thực phẩm tốt cho người bệnh tăng huyết áp như: ngũ cốc thô, cá, gia cầm, đậu, rau quả, trái cây tươi, sữa và những sản phẩm từ sữa ít béo; ăn nhiều thực phẩm giàu chất kali như cà chua, khoai lang, nho, các loại đậu; nên ăn cá, thịt trắng như thịt gà, thịt gia cầm bỏ da; hạn chế ăn thịt đỏ như thịt bò, thịt heo; hạn chế ăn bánh ngọt, nước ngọt, thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa hay cholesterol (có nhiều trong mỡ, nội tạng, da động vật, lòng đỏ trứng gà).

Các biện pháp kiểm soát nguy cơ tăng huyết áp mùa hè- Ảnh 1.

Người bệnh huyết áp nên được theo dõi và uống thuốc theo đúng chỉ dẫn hàng ngày.

Ngay cả những thay đổi nhỏ như bỏ qua món tráng miệng hoặc thay thế đồ uống có đường bằng nước lọc hoặc đồ uống không đường khác, cũng có thể giúp hạ huyết áp tâm thu.

Hạn chế rượu bia

Mùa hè nóng bức nhiều người thích uống bia cho mát, điều này không tốt cho huyết áp. Vì vậy việc cần hạn chế uống rượu, bia.

Vì uống nhiều rượu bia làm tăng huyết áp theo thời gian, gây ra nhịp tim không đều (rối loạn nhịp tim) và làm suy tim. Vì vậy, tim sẽ không thể bơm máu hiệu quả. Ngoài ra, rượu có thể làm tăng chất béo trung tính trong máu, gây thừa cân và béo phì. Nếu người bệnh đang dùng thuốc để điều trị huyết áp cao, hãy lưu ý rằng rượu có thể cản trở hiệu quả của thuốc và còn làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ.

Chú ý đến nhiệt độ phòng

Mùa nóng nhiều người hay để điều hòa lạnh hoặc ngược lại để phòng bí nóng điều này đều không tốt cho huyết áp. Việc điều chỉnh nhiệt độ trong phòng cũng rất quan trọng để người bệnh kiểm soát huyết áp. Trời càng nóng thì nhiều người càng điều chỉnh nhiệt độ xuống thấp, nhất là khi mới từ ngoài trời nóng vào nhà để mau chóng có cảm giác mát lạnh dễ chịu. Nhưng sự thay đổi nhiệt độ từ nóng đến lạnh đột ngột như thế sẽ khiến những mạch máu vốn đang ở trạng thái giãn nở bình thường tức thời bị co lại, dẫn đến huyết áp tăng cao.

Người bệnh tăng huyết áp cũng không nên ở trong phòng điều hòa quá lâu, do phòng kín, không khí lưu thông kém, nếu ở lâu sẽ dễ bị những chứng bệnh do máy điều hòa gây ra như chóng mặt, tim đập nhanh.

Tóm lại, mùa hè nóng bức người bệnh tăng huyết áp cũng cần chú ý đến sinh hoạt thường ngày, nên uống nước thường xuyên. Việc cung cấp nước đều đặn cho cơ thể rất quan trọng. Ngoài ra, hạn chế ăn muối, bột ngọt, các nước chấm mặn. Tránh thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, nhất là mỡ động vật. Đồng thời, bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu và tránh các chất kích thích như cà phê… khi thấy có biểu hiện tăng huyết áp cần xử trí đúng và đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Triệu chứng thường gặp khi bị tăng huyết áp như: Nhức đầu, nặng đầu, choáng váng, chóng mặt, nóng phừng mặt, tê ngứa râm ran các chi; chảy máu mũi; mắt nhìn mờ, vệt máu bên trong mắt; mặt đỏ, buồn nôn, nôn,…

Tuy nhiên, có khoảng 1/3 trường hợp người bệnh không có dấu hiệu gì, chỉ phát hiện bệnh khi đo huyết áp tình cờ hay khám sức khỏe tổng quát hoặc khi đã có biến chứng như: nhồi máu cơ tim, đột quỵ hay suy thận mạn giai đoạn cuối.

Tăng huyết áp cấp cứu (cơn tăng huyết áp) khi huyết áp đo được ≥180/110 mmHg có kèm một trong các dấu hiệu tổn thương cơ quan đích như: nhìn mờ, nôn, co giật, lơ mơ, hôn mê, khó thở, đau tức ngực dữ dội. Khi có các biểu hiện trên, người bệnh cần đến bệnh viện ngay để được cấp cứu kịp thời.

BS Nguyễn Văn Tuấn
Ý kiến của bạn