Theo PGS.TS. Phạm Thị Bích Đào, giảng viên cao cấp Bộ môn Tai- Mũi- Họng, Đại học Y Hà Nội, có nhiều nguyên nhân gây đau tai như đau tai do nhiễm trùng, do thay đổi áp suất đột ngột, do ráy tai tích tụ quá mức, do viêm xoang, viêm họng, đau khớp thái dương hàm, đau dây thần kinh số 3…
Đau tai mặc dù ít khi gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại tạo nên nhiều phiền toái trong cuộc sống, làm giảm chất lượng sống.
Khi đau tai ở mức độ nhẹ, không kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng khác như sốt, chảy máu, chảy mủ tai, giảm thính lực, chóng mặt… bạn có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản tại nhà nhằm giảm triệu chứng, giảm khó chịu.
1. Sử dụng gừng
Gừng có đặc tính chống viêm tự nhiên có thể giúp làm dịu cơn đau tai.
Cách sử dụng: Thoa nước gừng hoặc dầu gừng đã được làm ấm xung quanh ống tai ngoài. Lưu ý không sử dụng nước gừng trực tiếp vào tai.
2. Sử dụng tỏi
Tỏi có đặc tính kháng viêm nên thường được sử dụng như một phương thuốc để kiểm soát các tình trạng viêm khác nhau. Tỏi cũng có hiệu quả trong việc chống lại các vi khuẩn khác nhau như vi khuẩn gây nhiễm trùng tai (P.aeruginosa và K.pneumoniae) một cách hiệu quả.
Cách sử dụng: Để dùng tỏi như một phương thuốc chữa đau tai, bạn có thể ăn tỏi sống một hàng ngày hoặc trộn tỏi với dầu dừa và bôi quanh tai ngoài. Lưu ý, không cho tỏi vào trong tai vì có thể gây hại hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng đau tai.
3. Chườm ấm giúp giảm đau tai
Một trong những phương pháp điều trị tự nhiên, dễ dàng và hiệu quả nhất cho chứng đau tai là chườm ấm.
Cách thực hiện: Dùng nước nóng ấm thấm vào khăn hoặc miếng vải sạch, vắt khô và chườm lên tai bị đau trong 15-20 phút. Nhiệt có thể giúp giảm đau và giảm viêm.
4. Đắp hành tây
Hành tây có thể giúp giảm đau tai vì chúng có đặc tính kháng khuẩn tự nhiên.
Cách thực hiện: Cắt nhỏ hành tây và làm nóng trong lò vi sóng hoặc trên bếp với chảo sạch. Sau đó, khi hành còn ấm, đem hành đặt trong một miếng vải sạch và buộc lại, áp vào tai bị ảnh hưởng trong 10-15 phút.
5. Xông hơi nước
Nếu cơn đau tai có nguyên nhân do xoang hoặc nghẹt mũi, bạn có thể áp dụng biện pháp xông hơi để giảm đau.
Cách thực hiện: Đun sôi một lượng nước thích hợp và thực hiện xông mũi, họng để làm giảm áp lực tai và làm thông tắc nghẽn. Tuy nhiên, cần lưu ý độ nóng của hơi nước để tránh bị bỏng.
6. Nhai kẹo cao su
Nếu bạn đang đi máy bay hoặc lái xe ở độ cao và bị đau tai do thay đổi áp suất không khí, hãy nhai một ít kẹo cao su. Việc làm này có thể giúp giảm áp lực và giảm bớt các triệu chứng đau tai.
7. Thực hiện bài tập cổ
Đôi khi, đau tai có thể do các cơ xung quanh ống tai bị căng, gây áp lực lên khu vực này. Với các trường hợp này, bạn có thể thực hiện một số bài tập cổ đơn giản có thể làm dịu đi sự khó chịu như từ từ xoay cổ và đầu, đồng thời nâng vai lên về phía tai, lặp lại suốt cả ngày.
8. Thay đổi tư thế ngủ
Giảm áp lực lên tai có thể làm giảm đau tai. Do đó, trong khi ngủ, bạn có thể kê thêm gối để giữ đầu ở vị trí cao hơn cơ thể hoặc tránh ngủ nghiêng về bên tai bị ảnh hưởng nhằm giúp giảm áp lực trong tai, từ đó giảm đau tai.
Lưu ý: Những phương pháp điều trị này giúp giảm đau trong thời gian ngắn và có thể hữu ích đối với những cơn đau tai nhẹ.
Do đó, với các trường hợp đau tai kéo dài, nghiêm trọng hoặc kèm theo các triệu chứng đáng lo ngại khác như sốt cao hoặc giảm thính lực, chóng mặt, tai sưng tấy, chảy dịch mủ hoặc chảy máu… cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để tìm nguyên nhân và chữa trị tận gốc.
Mời bạn xem tiếp video:
Chỉ đau tai nhẹ, bé 5 tuổi mắc u tai giữa hiếm gặp | SKĐS