Tầm quan trọng của các biện pháp hỗ trợ dinh dưỡng với người bệnh ung thư
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng chỉ cần sụt 5% cân nặng đã rút ngắn 1/3 thời gian sống của bệnh nhân. Tình trạng phổ biến trên đa số bệnh nhân ung thư hiện nay chính là suy kiệt cơ thể. Đây có thể là phản ứng phụ của quá trình điều trị hoặc do tâm lý chán nản, lo lắng của người bệnh nhưng phần nhiều là do chính khối u gây ra.
Khối u làm thay đổi chuyển hoá bình thường của cơ thể, làm cơ thể tiêu hao năng lượng nhiều hơn, các tế bào, mô của cơ thể bị phá huỷ, bao gồm cả các khối cơ. Nhiều bệnh nhân không thể theo hết được các liệu pháp điều trị do cân nặng và thể lực bị suy giảm trầm trọng. Điều này ảnh hưởng lớn tới hiệu quả điều trị và làm giảm thời gian sống của người bệnh. Đồng thời, nó cũng làm tăng tỷ lệ biến chứng, nhiễm trùng và dẫn đến tử vong của bệnh nhân ung thư.
Bệnh nhân ung thư chết vì suy kiệt cơ thể trước khi chết vì khối ung thư đã phần nào cho thấy tác động xấu của tình trạng sút cân, suy kiệt. Dinh dưỡng lúc này có tác dụng nâng đỡ để người bệnh có đủ sức theo được hết các liệu pháp điều trị nặng nề. Việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý trước, trong và sau quá trình điều trị đều nhằm đến mục tiêu là tăng cường thể lực cho bệnh nhân. Ăn đúng trước, trong và sau khi điều trị có thể giúp cho bệnh nhân giảm thiểu được những bất lợi do các tác dụng phụ của phương pháp điều trị và giúp bệnh nhân có cảm giác sống khoẻ hơn.
Người bệnh ung thư nên ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để cơ thể hồi phục nhanh.
Một số biện pháp hỗ trợ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư
Đối với người bệnh có thể ăn được
Với các trường hợp này, người bệnh vẫn ăn uống được qua đường miệng với mục tiêu là ngăn chặn hoặc phục hồi sự thiếu hụt dinh dưỡng, bảo tồn khối lượng nạc cơ thể, giảm thiểu các tác dụng phụ liên quan dinh dưỡng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo đó, người bệnh cần được cung cấp đầy đủ một số loại dưỡng chất trong bữa ăn hàng ngày như chất đạm (có nhiều trong các loại thịt, tôm, cua, cá, nhuyễn thể và hải sản...), tinh bột (nên chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo, ngô, lúa mì, hạt lúa mạch, các loại củ như khoai tây, khoai lang, khoai sọ, sắn...). chất béo và rau quả cung cấp vitamin với nhiều cách chế biến khác nhau tùy theo khẩu vị, sở thích để người bệnh ăn được nhiều hơn.
Ngoài ra, cần tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn chứa đường đơn, gây nhiều tác hại cho cơ thể, đồng thời các chất phụ gia cho thêm vào thực phẩm trong quá trình chế biến và bảo quản cũng là một trong những nhân tố góp phần làm tăng tỉ lệ bệnh ung thư.
Hướng dẫn người bệnh ung thư lựa chọn các loại thực phẩm tốt cho cơ thể.
Đối với người bệnh không thể ăn bằng đường miệng
Với các trường hợp này, cần thực hiện dinh dưỡng đường ruột. Nếu trong thời gian ngắn, dưới 30 ngày thường sử dụng ống thông mũi-dạ dày, nếu thời gian dài hơn nên sử dụng mở dạ dày qua da (percutaneous gastrostomies).
Lựa chọn cách nuôi dưỡng thường dựa vào: Tình trạng bệnh, nguy cơ hít sặc, chức năng/giải phẫu đường tiêu hóa, ước tính thời gian can thiệp phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
Thành phần dịch nuôi: Dựa vào nhu cầu năng lượng đảm bảo đủ 30-35Kcalo/kg cân nặng hiện tại/ngày. Tùy theo mỗi bệnh nhân khác nhau, tùy theo mỗi loại ung thư khác nhau mà xây dựng thành phần dịch nuôi khác nhau nhưng cần đảm bảo chất dinh dưỡng hạn như protein, chất béo hoặc carbohydrate... hoặc được sử dụng riêng lẻ để điều trị sự thiếu hụt đặc biệt để đáp ứng toàn bộ nhu cầu dinh dưỡng... Cần chú ý là các nuôi dưỡng qua ống sonde thường được thực hiện tại bệnh viện để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng dinh dưỡng và độ an toàn cho người bệnh.
Mời bạn xem tiếp video:
Rối loạn tiêu hóa: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị | SKĐS