Hà Nội

Các biện pháp giúp giảm thiểu sai sót trong cấp phát thuốc bởi dược sĩ

28-12-2017 18:00 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Sai sót trong cấp phát thuốc bao gồm bất kỳ trường hợp nào cấp phát thuốc không đúng so với đơn thuốc, ví dụ như cấp phát sai thuốc, sai liều lượng, sai dạng bào chế, sai số lượng hoặc ghi nhãn không phù hợp, không chính xác hay không đầy đủ.

Các biện pháp giúp giảm thiểu sai sót trong cấp phát thuốc bởi dược sĩ

Sai sót liên quan đến thuốc (SST - medication errors) là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong tại Mỹ, trong đó sai sót trong cấp phát thuốc chiếm khoảng 21%. Ngoài việc  làm tình trạng bệnh nặng thêm và có thể gây tử vong, sai sót trong cấp phát thuốc (SSCPT) còn làm gia tăng gánh nặng kinh tế đối với xã hội, dẫn tới kiện tụng, điều này thường tốn kém và làm tăng chi phí cho bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.

Sai sót trong cấp phát thuốc bao gồm bất kỳ trường hợp nào cấp phát thuốc không  đúng  so với đơn thuốc, ví dụ như cấp phát sai thuốc, sai liều lượng, sai dạng bào chế, sai số lượng hoặc ghi nhãn không phù hợp, không chính xác hay không đầy đủ. Bên cạnh đó, hướng dẫn sử dụng nhầm lẫn hoặc không đầy đủ, pha chế, đóng gói, bảo quản trước khi cấp phát không chính xác hoặc không phù hợp cũng được coi là sai sót liên quan tới cấp phát.

Sai sót trong cấp phát gây ra bởi các cá nhân thường là kết  quả của các hệ thống hay quy trình được thiết kế có nguy cơ cao dễ mắc sai sót. Do đó, chiến lược chính để làm giảm sai sót  trong  cấp phát thuốc  là hướng tới thay đổi hệ thống chứ không phải để trừng phạt các các nhân vi phạm. Dưới đây là một số  biện pháp nhằm giảm thiểu các SSCPT:

1. Đảm bảo việc sao chép đơn thuốc chính xác

Sai sót do ghi chép (ví dụ ghi thiếu, ghi không chính xác) chiếm khoảng 15% trong số các SSCPT.6 Các sai sót này có thể được hạn chế bằng việc sử dụng các phương pháp đáng tin cậy để phân biệt các bệnh nhân khác nhau  khi nhập đơn thuốc trên máy tính. Hiệp hội Khớp học yêu cầu dùng ít nhất 2 thông tin của bệnh nhân khi kê đơn thuốc. Chiến lược này giúp phòng tránh những sai sót liên quan tới thuốc do có tên bệnh nhân nghe giống nhau hoặc nhìn giống nhau.  Và sẽ rất hữu ích khi kê đơn nếu có thông tin bệnh nhân liên quan đến tuổi, tiền sử dị ứng, các thuốc dùng kèm, chống chỉ định, dùng   thuốc trùng lặp ...

2. Đảm bảo đơn thuốc được hiểu chính xác và đầy đủ

Việc các dược sĩ “phán đoán” khi gặp các đơn thuốc không rõ ràng hay không  đọc được, các chữ, từ viết tắt, số thập phân hay đơn thuốc đọc bằng miệng thường dẫn tới các sai sót liên quan tới thuốc.6 Bất kể khi nào  nghi ngờ cần liên hệ  với người kê đơn để làm rõ những điểm  còn thắc mắc trong đơn thuốc. Việc xác minh lại đơn thuốc nên được ghi chép lại ngay lập tức. Tất cả đơn thuốc ra y lệnh bằng miệng cần được ghi chép lại ngay vào một đơn thuốc mới và đọc lại lần nữa cho người kê đơn để đảm bào rằng đơn thuốc đã được ghi chép chính xác.

3. Thận trọng với những thuốc  nhìn  giống nhau hoặc nghe tên giống nhau

Sai sót do tên thuốc tương tự nhau chiếm khoảng 1/3 các sai sót liên quan tới thuốc.   Những sai sót loại này là do nhầm lẫn  khi xác nhận tên thuốc (ví dụ, một thuốc mới có tác dụng khác nhưng có tên đọc tương tự như một thuốc cũ). Một số lỗi kiểu này có thể gây nguy hiểm chết người (ví dụ kê đơn methadon thay vì methylphenidat cho một đứa trẻ 8 tuổi). Các sai sót như vậy có thể được giảm thiểu bằng cách  có những dấu hiệu đặc biệt trên bao bì đựng thuốc hoặc hệ thống máy tính để cảnh báo về các tên thuốc hay gây nhầm lẫn.

4. Thận trọng với các chữ số 0 và các kí hiệu viết tắt

Đặt sai vị trí các chữ số 0, dấu thập phân và sai đơn vị liều lượng là những nguyên nhân phổ biến của các sai sót liên quan tới thuốc do hiểu đơn sai. Ghi chép sai hoặc hiểu sai đơn thuốc liên quan tới một chữ số 0 hay một dấu thập phân có nghĩa là bệnh nhân có thể  sử dụng liều thuốc sai khác ít nhất là 10 lần so với liều được chỉ định, điều này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng (ví dụ levothyroxin, wafarin). Các sai sót này có thể được phát hiện khi đối chiếu nhãn thuốc trong quá trình tư vấn dùng thuốc cho bệnh nhân.

5. Sắp xếp, bố trí nơi làm việc hợp lý

Việc tổ chức không gian và môi trường làm việc, trình tự  công việc một cách hợp lý đã cho thấy có thể làm giảm đáng kể các sai sót trong cấp phát thuốc.  Ánh sáng và không gian làm việc đầy đủ, nhiệt độ và độ ẩm thích hợp  giúp các công việc được tiến hành một cách trơn tru và thuận lợi hơn, nhờ vậy mà làm giảm khả năng gặp sai sót. Bên cạnh đó, cấp phát từng thuốc một và dán nhãn lên bao bì đựng thuốc  của từng bệnh nhân rồi mới chuyển sang đơn thuốc khác sẽ giúp chống lại nhầm lẫn. Lưu ý không để cho bất kỳ bao bì đựng thuốc nào không được dán nhãn.

6. Hạn chế  mất tập trung

Làm nhiều công việc cùng một lúc và bị phân tâm khi làm việc cũng là nguyên nhân hàng đầu gây sai sót  trong cấp phát thuốc. Đồng thời, nên có thêm các kỹ thuật viên dược để hỗ trợ các dược sỹ thực hiện các công việc  thường quy.

7. Tập trung vào việc làm giảm các áp lực công việc và cân bằng khối lượng công việc

Quá tải công việc thường được xem  như là một yếu tố góp  phần  gây ra các sai sót  trong  cấp phát. Số lượng nhân viên đầy đủ với khối lượng công việc phù hợp là một biện pháp để làm giảm sai sót.  Nghỉ ngơi đầy đủ và có thời gian nghỉ  vào buổi trưa có thể giúp giảm một số sai sót trong cấp phát thuốc. Giao  nhiệm vụ cho nhân viên một cách rõ ràng nhằm giúp nhân viên hiểu rõ mục đích của công việc và từ đó giúp làm  giảm áp lực công việc và giảm thiểu nhầm lẫn.

8. Dành thời gian để sắp xếp thuốc một cách hợp lý

Một cách để tránh nhầm lẫn các thuốc trông giống nhau đó là sắp xếp chúng ở những khu vực bảo quản cách xa nhau. Các  bao bì thuốc cần được sắp xếp hợp lý với nhãn ở phía trước. Điều này tạo thuận lợi cho việc kiểm tra thường xuyên tất cả các thuốc  trên giá và loại bỏ các thuốc quá hạn. Các thuốc có nguy cơ cao gây sai sót có thể được cất giữ một cách biệt lập.

9. Kiểm tra cẩn thận mọi đơn thuốc

Kiểm tra lại đơn thuốc là một chiến lược quan trọng để giảm thiểu sai sót trong cấp phát. So sánh thuốc được kê với tên  thuốc trên máy tính, với nhãn thuốc cấp phát sẽ giúp giảm bớt các sai sót.  Bất kể khi nào có thể đơn thuốc nên được kiểm tra bởi một người khác, thường là một dược sỹ. Nếu trong điều kiện khó thực hiện kiểm tra chéo có thể thực hiện tự kiểm tra lại sau đó.

10. Luôn luôn tư vấn và hướng dẫn bệnh nhân cẩn thận

Gần 83% các sai sót được phát hiện trong quá trình tư vấn dùng thuốc cho bệnh nhân và được điều chỉnh lại trước khi bệnh nhân ra về.  Do vậy cán bộ khoa Dược cần thiết phải đề nghị tư vấn và tư vấn thêm cho mỗi bệnh nhân. Trong khi tư vấn, tốt nhất là mở hộp thuốc và cho bệnh nhân xem thuốc thực sự bên trong hơn là chỉ đưa cho  bệnh nhân những hộp thuốc nguyên vẹn. Việc này sẽ  giúp  bệnh nhân nhận biết và đặt câu hỏi nếu phát hiện thuốc đó  khác với thuốc mà họ đang dùng. Nên hướng dẫn bệnh nhân cả về cách sử dụng và đường dùng thích hợp của thuốc. Nhiều sai sót trong cấp phát thuốc có liên quan hướng dẫn sử dụng thuốc sai. Giáo dục bệnh nhân về  sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả sẽ khuyến khích bệnh nhân quan  tâm nhiều hơn tới việc chăm sóc sức khỏe của bản thân, việc này cũng có thể góp phần tránh được các sai sót liên quan tới thuốc.

Mục tiêu của mỗi dược sỹ đó là hạn chế tối đa các sai sót  trong cấp phát. Dược sĩ cần báo cáo sai sót ngay khi xảy ra và tiến hành phân tích nguyên ngân sai sót để khắc phục sẽ giúp rút ra các kinh nghiệm từ sai sót đó và tránh mắc phải sai sót tương tự trong tương lai.

Bảng 1.Các sai sót thường gặp do cấp phát thuốc

Ý định của người kê đơn

Hiểu sai

U hay u (unit-đơn vị)

Số 0, làm tăng liều lên 10 lần (ví dụ 4U nhầm thành 40)

Số 0 ở phía sau (1,0 mg)

1,0 mg hiểu nhầm thành 10 mg

Viết dấu thập phân không rõ (1.5 mg)

1.5 mg nhầm thành 15 mg

Tên thuốc và liều viết liền nhau

Inderal40 hiểu nhầm thành Inderal 140

Liều dùng lớn nhưng không có dấu chấm đặt đúng chỗ

100000 đơn vị nhầm thành 10.000 đơn vị

Tên tương tự

AZT (zidovudin) nhầm thành azathioprin hoặc aztreonam


Nguyễn Quốc Việt (Đại học Dược Hà Nội), DS. Nguyễn Thị Thảo, Khoa Dược (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa)
Ý kiến của bạn
Tags: