Các biện pháp giúp bạn phòng ngừa và vượt qua chứng say sóng

30-04-2022 14:49 | Y học 360
google news

SKĐS- Một trong những khía cạnh ít thú vị nhất của một chuyến du lịch trên tàu, thuyền là say sóng. Ai dễ bị say sóng và làm cách nào để đối phó hiệu quả với “căn bệnh ở biển”này?

Bạn lên kế hoạch đi du lịch trên biển, ra đảo chẳng hạn, chuyến đi sẽ kém hoàn hảo nếu bạn bị say sóng. Chỉ có cách đối mặt với vấn đề này mới giúp bạn vượt qua.

1.Vì sao bạn bị say sóng?

Say sóng xảy ra khi não bộ bắt đầu bị mâu thuẫn khi xử lý các tín hiệu mà nó nhận được từ mọi bộ phận của cơ thể. Ví dụ, trong khi chân bạn cảm giác như đang đứng trên đất liền, phần còn lại của cơ thể thì lại cảm nhận được sự lắc lư của sóng biển. Cùng lúc đó, mắt có thể đang nhìn những vật thể cố định, và tai - vốn là trung tâm cân bằng của cơ thể, đang cố gắng tìm cách để đứng thẳng và an toàn. Tất cả những tín hiệu trên được truyền thẳng về não bộ làm cho não bộ bị choáng và bạn bắt đầu cảm thấy buồn nôn.

Như vậy, say sóng hoàn toàn là một phản xạ bình thường của cơ thể . Đó không phải là một tình trạng bệnh tật dù người bị say sóng có thể cảm thấy phát ốm và sức khỏe rất tệ.

Các biện pháp giúp bạn phòng ngừa và vượt qua được chứng say sóng - Ảnh 2.

Say sóng sẽ khiến chuyến du lịch biển của bạn giảm đi sự thú vị

2. Ai có thể bị say sóng?

Người ta không hiểu đầy đủ lý do tại sao một số người gặp các triệu chứng say sóng trong khi những người khác thì không. Phụ nữ, trẻ em và những người bị chứng đau nửa đầu có nhiều khả năng cảm thấy say sóng hơn những người khác.

Theo nghiên cứu, gần 100% người ngồi trên xuồng cứu sinh sẽ nôn mửa trong điều kiện biển động. Khoảng 7% hành khách đi biển bị nôn mửa trong một cuộc hành trình. Và hầu như ai trong đời cũng có thể gặp một lần nôn nao khi đi tàu, xe.

Nếu bạn đã từng bị say xe khi đi du lịch bằng xe hơi, máy bay hoặc đi tàu lượn trong công viên giải trí, bạn có thể dễ bị say sóng hơn khi ở trên tàu.

Phụ nữ nhạy cảm với chuyển động hơn nam giới, dễ say sóng hơn, tỷ lệ này giữa nữ: nam khoảng 5:3. Phụ nữ đặc biệt nhạy cảm hơn với chuyển động trong chu kỳ kinh nguyệt. Điều này có thể là do sự tương tác giữa chứng đau nửa đầu và say sóng.

Một số nghiên cứu đã gợi ý rằng say tàu xe có xu hướng cao hơn ở người hướng nội, điều này một phần có thể là do họ thích nghi chậm hơn.

3. Triệu chứng say sóng

Các triệu chứng say sóng khác nhau giữa người này và người khác, nhưng nhìn chung có thể bao gồm:

  • Da nhợt nhạt
  • Cảm giác ớn lạnh
  • Không muốn ăn uống
  • Chóng mặt
  • Tăng tiết nước bọt
  • Nhức đầu
  • Buồn nôn
  • Nôn

4. Các cách giúp giảm bớt triệu chứng say sóng

Dưới đây là một vài lời khuyên để giúp giảm bớt các triệu chứng say sóng:

- Ăn và uống: Nhiều người say sóng rất sợ ăn và cũng từ chối uống, nhưng điều này là sai lầm. Bạn không nên để dạ dày trống rỗng sẽ tăng cảm giác khó chịu. Nên nhấm nháp một chút gì đó như bánh quy mặn. Nhai kẹo cao su liên tục cũng là một mẹo được nhiều người áp dụng. Dường như chuyển động hàm liên tục cũng tập trung sự chú ý của não bộ, quên đi cảm giác nôn nao. Duy trì hoạt động uống nước. Say sóng liên quan đến mất nước, đau đầu. Hãy uống nước lọc, súp lỏng, nước ép hoa quả có độ axit thấp như nước ép táo, cà rốt, tránh uống sữa và cà phê.

- Tiếp tục di chuyển và hoạt động dù cảm giác nôn nao. Hầu hết mọi người thấy rằng bận rộn giúp cho tâm trí không bận tâm với sự khó chịu của cơ thể.

- Ở lại trên boong tàu, bởi vì không khí trong lành thường giúp tăng tốc độ phục hồi. Các khu vực kín bên dưới boong tàu biên độ dao động thường lớn hơn và làm trầm trọng thêm các triệu chứng.

- Nằm nghỉ: Một kinh nghiệm thực tế cho thấy tư thế nằm giúp giảm buồn nôn. Hãy nằm ngửa để tránh dạ dày bị đè ép bởi trọng lượng cơ thể của bạn sẽ gây khó chịu và buồn nôn hơn.

- Dùng gừng: Gừng được biết là có tác dụng chống nôn. Bạn có thể ngậm một lát gừng hoặc uống trà gừng.

- Điều chỉnh hơi thở: Thở gấp có thể khiến bạn cảm giác ốm hơn. Hãy thở chậm, hít thở sâu. Nếu cần có thể thở với sự hỗ trợ của một chiếc túi.

Các biện pháp giúp bạn phòng ngừa và vượt qua được chứng say sóng - Ảnh 4.

Phụ nữ thường bị say sóng hơn nam giới

5. Các cách để phòng ngừa say sóng

- Uống thuốc : Bạn có thể lựa chọn 1 trong số các thuốc chống say tàu xe bán tại hiệu thuốc không cần kê đơn (dimenhydrinate, diphenhydramine, hoặc meclizine ) để uống trước khi xuống tàu, thuyền 30 đến 60 phút. Tuy nhiên, những loại thuốc này có xu hướng gây mất nước, vì vậy hãy uống nhiều nước. Thuốc cũng thường gây buồn ngủ.

Một số loại thuốc dưới dạng miếng dán cũng được ưa dùng với những chuyến đi dài. Miếng dán có tác dụng phụ là an thần và khô miệng.

Ngoài ra, bạn có thể áp dụng các mẹo sau đây để phòng ngừa say sóng:

- Thuyết phục bản thân: Hay là phương pháp ám thị. Bởi nhiều trường hợp say sóng là do "tinh thần". Và chúng ta nhanh chóng giải quyết vấn đề bằng cách tự nhủ "Tôi không bị say sóng!". Lặp lại 3 lần trong gương trước khi khởi hành. Hãy nói điều đó với niềm tin mạnh mẽ! Và trong suốt hành trình, đừng lo lắng tự hỏi: Mình cảm thấy thế nào? Mình có ổn không? Hãy tìm một đề tài thú vị nào đó để nói với 1 người bạn khỏe mạnh và quên đi chuyện say sóng.

- Chọn vị trí giữa boong tàu, nơi biên độ dao động ổn định nhất trên tầu. Tránh xa đuôi tàu, mũi tầu và lan can.

- Hướng tầm nhìn vào đường chân trời: Khi một con tàu đang đi qua một vùng biển sóng gió, mọi thứ đều đang di chuyển. Điều duy nhất đứng yên là đường chân trời và nhìn vào nó thường sẽ thiết lập lại trạng thái cân bằng bên trong cơ thể.

- Tránh nơi có mùi khó chịu: Say tàu xe thường là do mùi khó chịu. Ngay cả mùi dễ chịu, như nước hoa của người lạ cũng có thể gây nôn nao.

-Tránh xa những người "đồng bệnh", cũng bị say sóng như mình. Đồng bệnh tương liên. Say tàu xe rất dễ lây lan. Chứng kiến một người say sóng, bạn sẽ bắt đầu thấy không ổn chút nào.

Các biện pháp giúp bạn phòng ngừa và vượt qua được chứng say sóng - Ảnh 5.

Trên chuyến du lịch biển nên trò chuyện vui vẻ với bạn bè, uống nhiều nước và tránh ăn quá nhiều để phòng say sóng

-Hạn chế ăn quá no. Một trong những lý do khiến mọi người bị say sóng trên tàu du lịch là vì chúng ta ăn quá nhiều. Khi sóng đánh vào con tầu, dao động cũng đánh vào thực phẩm giàu chất béo xoáy quanh dạ dày của bạn và gây cảm giác nôn nao, chóng mặt.

- Không uống rượu. Rượu có thể khiến bạn "say sóng" trên đất liền thì sẽ ảnh hưởng tồi tệ hơn trên đại dương bao la, vì vậy tránh uống đồ uống có cồn.

- Dùng gừng. Đây là phương thuốc an toàn và hữu hiệu phòng ngừa say sóng cũng như say xe. Bạn có thể sử dụng gừng bằng mọi cách như nhai, ngậm, pha trà uống… Hãy thử xem và nếu bạn tin rằng nó đặc biệt hiệu quả thì nhất định sẽ là như vậy (quy tắc ám thị)

- Dùng dây đeo cổ tay – Dây đeo cổ tay chống say sóng có hai loại; bấm huyệt và từ tính. Chúng hoạt động theo nguyên lý dùng áp lực hoặc nam châm tác động vào huyệt đạo nằm cách đường gấp cổ tay khoảng 3 bề ngang ngón tay.

- Cân nhắc chuyến đi trên tàu khi mang thai – Nếu được, hãy tránh đi tàu vì khi mang thai nguy cơ say sóng sẽ cao hơn ngay cả khi bình thường bạn không say sóng hay say xe.

- Nhắm mắt lại. Nhiều bác sĩ tin rằng say sóng thực sự là bộ não của bạn bị rối bởi quá nhiều tín hiệu mâu thuẫn. Vì vậy, hãy tắt các thông tin đầu vào này bằng cách loại bỏ mùi, vị giác và tầm nhìn. Sử dụng hai nút tai chất lượng cao và mặt nạ mắt thoải mái có thể giúp chống say sóng.

- Tránh đọc sách và màn hình máy tính, điện thoại. Đọc sách, cho dù trên thiết bị hoặc giấy, là một cách chắc chắn để giúp bạn bị say sóng. Nhưng nếu bạn bắt buộc phải đọc các các thông tin cần thiết, quan trọng tại một thời điểm nào đấy thì nên có khoảng nghỉ thường xuyên để nhìn lên đường chân trời.

- Dùng võng. Một chiếc võng dù đơn giản đặt dọc theo chiều dài con tầu sẽ cho phép bạn "bất động" trong khi con tàu lắc lư bên dưới bạn. Nó sẽ không loại bỏ tất cả các chuyển động (bạn vẫn cảm thấy phần nào chuyển động lên xuống của con tàu) nhưng nó làm giảm các giao động lắc lư.

-Làm sạch tai của bạn . Nghiên cứu cho thấy nếu dáy tai tích tụ quá nhiều trong tai có thể dẫn đến say tàu xe, say sóng.

- Ngủ đủ giấc trước chuyến đi. Theo nghiên cứu của Hải quân Hoa Kỳ, thiếu ngủ tác động vào hệ thống tiền đình và làm tăng nguy cơ say sóng cũng như say tàu xe.

Và điều cuối cùng, bạn đừng xấu hổ vì bị say sóng. Nhiều người, bao gồm cả du khách dày dạn kinh nghiệm, ngư dân chuyên nghiệp, thủy thủ và các nhà khoa học biển cũng vẫn say sóng như thường.

Bí quyết phòng chống say sóng nướcBí quyết phòng chống say sóng nước

Để hạn chế say sóng, tuyệt đối tránh xa rượu, không tập trung vào những vật ở gần, dùng các biện pháp chống say như uống thuốc, ăn bánh, ngậm gừng...

Mời xem video được quan tâm:

Kỹ năng cứu đuối nước an toàn từ trên bờ mùa mưa bão (1)


BS. Nguyễn Thị Thu Hà
Ý kiến của bạn