Các biện pháp điều trị loạn dưỡng mỡ

02-10-2024 14:54 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Loạn dưỡng mỡ là sự tích tụ mô mỡ ở một số vùng trên cơ thể nhưng lại mất mỡ ở những vị trí khác. Tình trạng này làm thay đổi ngoại hình, các rối loạn sức khỏe và biến chứng bệnh lý nguy hiểm. Điều trị loạn dưỡng mỡ chủ yếu bằng ăn uống, tập luyện và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Việc điều trị loạn dưỡng mỡ rất khó khăn vì không thể đảo ngược tình trạng mất lớp mỡ. Do vậy tập trung vào điều trị các triệu chứng, biến chứng chuyển hóa và vấn đề thẩm mỹ.

Các biện pháp điều trị loạn dưỡng mỡ- Ảnh 1.

Những người bị loạn dưỡng mỡ thường mất dần mô mỡ ở mặt, cổ, ngực, cánh tay và tăng mỡ thừa quanh bụng, mông, chân.

1. Điều trị loạn dưỡng mỡ bằng thuốc

Một số loại thuốc kiểm soát chứng loạn dưỡng mỡ được sử dụng phổ biến như:

1.1. Thuốc thay thế Leptin điều trị loạn dưỡng mỡ

Thiếu hụt hormone leptin do loạn dưỡng mỡ gây ảnh hưởng đáng kể đến quá trình trao đổi chất, giảm cholestelrol và chất béo trung tính cần thiết, gây hại cho sức khỏe. 

Để cải thiện tình trạng này, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc metreleptin. Đồng thời, sử dụng metreleptin còn giúp giảm cảm giác thèm ăn, cải thiện đáng kể các triệu chứng loạn dưỡng mỡ toàn phần.

1.2. Thuốc statin

Có tác dụng điều chỉnh cholesterol và chất béo trung tính, điều trị tiểu đường hiệu quả. Các loại sử dụng phổ biến như pravastatin hoặc rosuvastatin. Đối với những người có dấu hiệu tăng triglycerid máu nặng có thể kết hợp dùng thuốc chứa chất dẫn xuất axit fibric hoặc tăng cường bổ sung axit béo không bão hòa hoặc omega-3 từ dầu cá.

1.3. Thuốc trị tiểu đường và kháng insulin

Những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường hoặc kháng insulin do loạn dưỡng mỡ thường được chỉ định sử dụng thuốc pioglitazone metformin, thiazolidinediones hoặc sulfonylurea. Có thể kết hợp dùng insulin tổng hợp để cải thiện các triệu chứng tiểu đường.

1.4. Liệu pháp nội tiết

Cụ thể là liệu pháp thay thế testosterone hoặc liệu pháp giải phóng hormone tăng trưởng GHRH áp dụng trong điều trị chứng loạn dưỡng mỡ liên quan đến HIV.

2. Phẫu thuật thẩm mỹ điều trị loạn dưỡng mỡ

Những bệnh nhân loạn dưỡng mỡ nghiêm trọng ở các vùng nhạy cảm như mặt, ngực, vùng mu... có thể chọn cách phẫu thuật thẩm mỹ để cải thiện ngoại hình và sự tự tin.

Các biện pháp điều trị loạn dưỡng mỡ- Ảnh 2.

Phẫu thuật thẩm mỹ là một phương pháp điều trị loạn dưỡng mỡ. (Ảnh minh họa)

Tùy theo mục đích và nhu cầu điều trị, bác sĩ thẩm mỹ sẽ sử dụng các kỹ thuật hiện đại như cấy ghép mô mỡ tự thân, tái tạo khuôn mặt bằng vạt tự do và silicone hoặc cấy ghép các vật liệu khác vào vị trí thiếu mô mỡ, tạo ngoại hình cân đối. Chẳng hạn như tiêm sculptra (acid poly-L-lactic) và radiess (canxi hydroxylapatite).

Đối với những vị trí tích tụ mỡ thừa, có thể thực hiện phương pháp hút mỡ hoặc phẫu thuật loại bỏ bớt. Tuy nhiên, phương pháp này cũng tiềm ẩn một số rủi ro nhất định, khuyến cáo bạn nên chọn những cơ sở thẩm mỹ uy tín để thực hiện.

3. Điều chỉnh lối sống/ nguy cơ hỗ trợ điều trị loạn dưỡng mỡ

Hiện nay chưa có phương pháp điều trị hoàn toàn loạn dưỡng mỡ, đặc biệt là thể loạn dưỡng mỡ toàn thân bẩm sinh. Các liệu pháp tập trung vào triệu chứng cụ thể và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh:

Các biện pháp điều trị loạn dưỡng mỡ- Ảnh 3.

Với người loạn dưỡng mỡ nên ăn thực phẩm nhiều carbohydrate, ít chất béo.

3.1. Chế độ ăn hỗ trợ điều trị loạn dưỡng mỡ

Đối với người lớn:

Chế độ ăn của người bệnh loạn dưỡng mỡ nên ăn theo tỷ lệ: 50 - 60% carbohydrate, 20 - 30% chất béo, 10 - 20% protein là phù hợp cho hầu hết các trường hợp. Ăn uống quá độ có thể làm bệnh đái tháo đường và tình trạng tăng lipid máu diễn biến nặng lên cũng như thúc đẩy nhanh tình trạng thoái hóa mỡ gan.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ lớn:

Để hạn chế tình trạng tăng triglycerid máu nặng, ở trẻ sơ sinh cần cho trẻ ăn chế độ sữa có chứa triglycerid và chế độ ăn chứa ít mỡ (low-fat diets) ở các trẻ lớn hơn.

3.2. Hoạt động thể chất

Tập thể dục có thể cải thiện đề kháng insulin nhưng tránh tập quá sức nếu người bệnh có bệnh cơ tim. Các bệnh nhân bị loạn dưỡng mỡ bẩm sinh type 4 (CGL4), loạn dưỡng mỡ một phần có tính gia đình type 2 (FPLD2) và hội chứng lão hóa sớm nên được sàng lọc bệnh lý tim mạch.


BSCKII. Hồ Hà
Ý kiến của bạn