Các biện pháp điều trị đau dây thần kinh chẩm

21-09-2024 09:37 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Đau dây thần kinh chẩm không gây ảnh hưởng đến tính mạng nhưng gây ra nhiều phiền toái, làm giảm chất lượng sống của người bệnh. Để cải thiện tình trạng này, cần căn cứ vào mức độ bệnh, thể trạng sức khỏe của người bệnh để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.

1. Biện pháp không dùng thuốc điều trị đau dây thần kinh chẩm

Để giảm đau dây thần kinh chẩm, trước tiên người bệnh nên thử một số biện pháp không dùng thuốc để giảm đau như:

- Điều trị bằng nhiệt: Có thể dùng túi nhiệt hoặc đặt một miếng đệm hay thiết bị sưởi vào vùng bị đau. Thực hiện cách này, bệnh nhân có thể cảm thấy nhẹ nhõm, giảm đau khá nhanh, hiệu quả và thư giãn hơn. Các miếng đệm sưởi ấm này có thể được mua không cần kê đơn. Tuy nhiên, đây không phải là cách điều trị bệnh triệt để.

- Thực hiện vật lý trị liệu, massage: Người bị đau dây thần kinh chẩm có thể sử dụng phương pháp xoa bóp hoặc vật lý trị liệu để góp phần cải thiện triệu chứng. Việc massage vùng cơ cổ bị co cứng, đau nhức có thể giúp bệnh nhân thấy dễ chịu, thoải mái và giảm đau.

Phương pháp này cần được áp dụng lâu dài, bệnh nhân cần kiên trì mới có thể mang lại hiệu quả giảm đau tốt nhất. Nhưng đây cũng không phải là biện pháp có thể giúp điều trị bệnh triệt để.

Các biện pháp điều trị đau dây thần kinh chẩm- Ảnh 1.

Hệ thống dây thần kinh chẩm.

2. Biện pháp dùng thuốc giảm đau dây thần kinh chẩm

Nếu những những biện pháp trên không đỡ, bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho bệnh nhân. Tùy mức độ đau và triệu chứng có thể lựa chọn thuốc phù hợp. Một số bệnh nhân chỉ cần dùng một loại thuốc đã có thể giúp giảm đau, nhưng một số bệnh nhân có thể cần phải phối hợp thuốc.

- Các thuốc điều trị đau dây thần kinh chẩm có thể bao gồm:

  • Thuốc chống co giật điều trị tình trạng động kinh hoặc não hoạt động quá mức như gabapentin, carbamazepine…
  • Thuốc giãn cơ như tolperisone, mephenesine...
  • Thuốc chống viêm như ibuprofen, naproxen…
  • Thuốc chống trầm cảm…

Phần lớn các trường hợp bệnh nhân đều có thể giảm đau dây thần kinh chẩm hiệu quả bằng cách dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Các biện pháp điều trị đau dây thần kinh chẩm- Ảnh 2.

Người bệnh đau dây thần kinh chẩm chỉ dùng thuốc theo đơn của bác sĩ.

- Tiêm botox: Botox (botulinum toxin) có thể được chỉ định trong điều trị cho một số trường hợp đau dây thần kinh chẩm. Trước khi sử dụng phương pháp này, bác sĩ chuyên khoa thần kinh sẽ thăm khám kỹ lưỡng rồi mới đưa ra quyết định. Tiêm botox với liều lượng thích hợp vào các vị trí đau mà bác sĩ tính toán tùy theo từng bệnh nhân.

Lưu ý: Sau tiêm, bệnh nhân không massage vùng tiêm trong vài ngày đầu. Trường hợp có bệnh lý nền kèm theo, bệnh nhân vẫn cần sử dụng các loại thuốc điều trị bình thường sau khi tiêm botox.

Sau tiêm, thuốc có tác dụng trong vòng 6 tháng, nếu tình trạng đau xuất hiện trở lại thì nên tái khám để bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán điều trị thích hợp.

Tác dụng phụ thường gặp nhất là yếu các cơ lân cận với mức độ thường nhẹ. Tình trạng này sẽ cải thiện dần trong khoảng 2-4 tuần sau tiêm.

- Biện pháp phong bế thần kinh chẩm

Đây là thủ thuật giúp điều trị triệu chứng đau đầu do thần kinh chẩm gây nên. Thủ thuật giúp đưa hỗn hợp thuốc tới vị trí dây thần kinh chẩm bị đau, giúp "ngắt" đường dẫn truyền cảm giác đau từ ngoại vi về trung khu cảm nhận đau ở não.

Biện pháp này thường có tác dụng trong một thời gian dài, nhưng cũng không điều trị được tận gốc bệnh và cải thiện được tiên lượng cho người bệnh. Do đó, sau khi sử dụng thủ thuật nên tiếp tục điều trị với các phương pháp khác để gia tăng hiệu quả.

Phương pháp này có hiệu quả với những bệnh nhân bị đau dây thần kinh chẩm đã loại trừ đau đầu do các nguyên nhân khác (đau cấp tính, đau nửa đầu Migraine…) và chỉ định cho các trường hợp:

  • Không hoặc ít đáp ứng với điều trị nội khoa.
  • Tập vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật giảm chèn ép thần kinh nhưng không đỡ.
  • Gặp các cơn đau dữ dội tần suất liên tục gây ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt…
  • Bệnh nhân cao tuổi, sức đề kháng kém, không đủ sức khỏe để thực hiện phẫu thuật…

Phong bế thần kinh chẩm tuy hạn chế được nhiều biến chứng, nhưng vẫn mang tới những nguy cơ nguy hiểm cho người bệnh. Do vậy, bệnh nhân cần thông báo cẩn thận và chi tiết vấn đề sức khỏe, tiền sử bệnh lý để bác sĩ có phương án điều trị thích hợp.

Các biện pháp điều trị đau dây thần kinh chẩm- Ảnh 4.

Phương pháp tiêm phong bế dây thần kinh chẩm

3. Biện pháp phẫu thuật điều trị đau dây thần kinh chẩm

Phẫu thuật đối với người bệnh đau dây thần kinh chẩm hiếm khi được chỉ định và chỉ được lựa chọn khi cơn đau không giảm với các phương pháp điều trị khác. Bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh áp dụng phác đồ điều trị đau dây thần kinh chẩm bằng phương pháp phẫu thuật như:

- Điều trị phẫu thuật giải đè ép vi mạch: Là kỹ thuật bộc lộ dây thần kinh bị ảnh hưởng, xác định các mạch máu có thể chèn ép các dây thần kinh và tách chúng ra khỏi điểm chèn ép. Từ đó giúp cho dây thần kinh được giải phóng, phục hồi, không còn đau. Trong đó, các dây thần kinh có thể điều trị bao gồm, rễ thần kinh C2, hạch hay thần kinh hậu hạch.

- Kích thích dây thần kinh chẩm: Là phương pháp đặt một số điện cực dưới da gần với dây thần kinh chẩm. Cơ chế hoạt động tương tự với kỹ thuật kích thích tủy sống và dùng cùng một thiết bị gây kích thích thần kinh đưa xung điện tới dây thần kinh chẩm. Trong trường hợp này, các xung điện có thể giúp chặn các tín hiệu đau đến não. Biện pháp này có mức độ xâm lấn tối thiểu, các dây thần kinh và những cấu trúc xung quanh không bị tổn thương.

- Kích thích tủy sống: Với phương pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để đặt điện kích giữa các đốt sống và tủy sống. Sử dụng các loại thiết bị để tạo ra các xung điện để từ đó chặn những tín hiệu đau từ tủy sống đến não. Lợi ích của phương pháp này là xâm lấn ít, đảm bảo dây thần kinh và những cấu trúc xung quanh không bị tổn thương vĩnh viễn.

Mời độc giả xem thêm video:

Phân biệt liệt dây thần kinh số 7 và đột quỵ | SKĐS


BS.Phạm Ngọc Dương
Ý kiến của bạn