Các biện pháp chữa táo bón tại nhà

SKĐS - Táo bón được định nghĩa là đi ngoài phân cứng, khô hoặc đi tiêu ít hơn ba lần một tuần. Đây là một trong những vấn đề về tiêu hóa phổ biến nhất, ảnh hưởng đến hầu hết mọi người, vào một thời điểm nào đó trong đời.

Bệnh táo bón: Nguyên nhân, dấu hiệu và các phương pháp điều trị mới hiệu quảBệnh táo bón: Nguyên nhân, dấu hiệu và các phương pháp điều trị mới hiệu quả

SKĐS - Táo bón nếu không điều trị sớm và đúng cách sẽ làm ảnh hưởng chất lượng sống và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh: trĩ, nứt hậu môn, sa trực tràng, thậm chí là ung thư đại trực tràng. Bài viết của ThS.BS. Nguyễn Ngọc Đan, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn đọc quan tâm.

Một số người bị táo bón ngắn hạn do thay đổi tạm thời chế độ ăn uống, du lịch, căng thẳng hoặc phẫu thuật. Một số người bị táo bón mạn tính, kéo dài trong vài tuần hoặc lâu hơn. Táo bón mạn tính ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người mắc.

Mặc dù táo bón có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng phổ biến hơn ở phụ nữ, những người trên 65 tuổi; phụ nữ mang thai hoặc sau khi sinh con, hoặc do một bệnh lý tiềm ẩn, tác dụng phụ của thuốc (như dùng thuốc giảm đau opioid).

Bên cạnh việc dùng thuốc (khi cần thiết), một số biện pháp tự nhiên có thể giúp giảm tình trạng này:

1. Thay đổi chế độ ăn uống chữa táo bón

Các biện pháp chữa táo bón tại nhà - Ảnh 2.

Bổ sung chất xơ trong chế độ ăn uống giúp chữa táo bón.

Một chế độ ăn ít chất xơ có thể góp phần vào nguyên nhân gây táo bón. Do đó, thêm dần chất xơ vào chế độ ăn uống, có thể giúp tránh đầy hơi và giảm táo bón. Bên cạnh việc bổ sung chất xơ, cần uống đủ nước. Vì nếu thiếu nước, chất xơ có thể gây tác dụng ngược và gây táo bón.

Có hai loại chất xơ: Chất xơ hòa tanchất xơ không hòa tan.

- Chất xơ không hòa tan, sẽ không tan trong nước, không được hấp thu vào máu, góp phần làm tăng khối lượng phân, giúp bạn đại tiện dễ dàng và ngăn ngừa chứng táo bón. Nên ăn các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau xanh...

- Chất xơ hòa tan sẽ hòa tan trong nước và tạo thành một chất giống như gel trong ruột, giúp làm mềm phân, để phân có thể di chuyển trong đường tiêu hóa dễ dàng hơn. Các nguồn thực phẩm giàu chất xơ hòa tan bao gồm: Các loại đậu, yến mạch, lúa mạch, trái cây và trái bơ.

2. Tập luyện thể chất thường xuyên

Các biện pháp chữa táo bón tại nhà - Ảnh 3.

Tập thể dục giúp tăng nhu động ruột, giảm táo bón.

Tập luyện thể chất rất cần thiết cho nhu động ruột hoạt động tốt. Tập thể dục kích thích sự co bóp của cơ ruột, đẩy nhanh quá trình di chuyển phân.

Có thể đi bộ hàng ngày, tập yoga hoặc bơi lội... đều giúp ích cho hệ tiêu hóa. Tập thể dục cũng giúp kiểm soát căng thẳng, cải thiện tiêu hóa…

3. Tăng cường chất lỏng cho cơ thể

Tăng cường chất lỏng cho cơ thể không chỉ giúp ngăn ngừa táo bón mà còn hỗ trợ điều trị táo bón. Hãy đảm bảo cung cấp tối thiểu từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày hoặc có thể hơn (tùy theo vào hoạt động thể chất, môi trường làm việc… của từng người).

Chất lỏng cung cấp cho cơ thể đến từ nước lọc, nước trái cây, sinh tố, nước canh, súp... Hạn chế uống caffeine và rượu... vì có thể dẫn đến mất nước.

Các biện pháp chữa táo bón tại nhà - Ảnh 4.

Nước giúp cho ruột hoạt động trơn tru hơn, giảm táo bón.

4. Bổ sung lợi khuẩn

Lợi khuẩn chẳng hạn như Saccharomyces boulardii, Bifidobacterium longum, Lactobacillus rhamnosusLactobacillus acidophilus… sống tự nhiên trong đường tiêu hóa, có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn có hại, cải thiện chức năng miễn dịch, giúp sản xuất vitamin K...

Một nghiên cứu đã xem xét tác dụng của một loại đồ uống chứa nhiều vi khuẩn có lợi Lactobacillus casei Shirota (65 ml mỗi ngày) với giả dược ở những người bị táo bón mãn tính cho thấy, những người dùng thức uống chứa lợi khuẩn giúp cải thiện tình trạng táo bón.

Lợi khuẩn (men vi sinh hay probiotic) thường được dùng dưới dạng thực phẩm chức năng hoặc từ các thực phẩm lên men như:

  • Sữa chua.
  • Nấm sữa Kefir.
  • Dưa bắp cải.
  • Tempeh đậu nành.
  • Dưa kim chi...

5. Dùng thảo mộc nhuận tràng

Nhiều loại thảo mộc có tác dụng nhuận tràng như:

  • Cây đại hoàng
  • Nha đam
  • Senne
  • Cây hắc mai…

Tuy nhiên, trước khi dùng thảo mộc hỗ trợ điều trị táo bón, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về cách dùng và thời gian dùng.

6. Xoa bóp, bấm huyệt

Đối với táo bón do nhu động ruột suy giảm, ăn thiếu chất xơ, ngồi nhiều, ít vận động… có thể áp dụng biện pháp xoa bóp và day ấn một số huyệt vị, có tác dụng hỗ trợ co bóp ruột, giúp bài tiết phân dễ dàng hơn.

- Xoa bóp: Nằm ngửa, dùng hai bàn tay đặt chồng lên nhau xoa bụng theo chiều kim đồng hồ với một lực ép vừa phải, khoảng 40-50 vòng.

- Day ấn huyệt:

Có thể day ấn các huyệt:

+ Huyệt thiên khu (vị trí: Từ rốn đo ngang ra 2 tấc, mỗi bên có một huyệt): Dùng hai ngón tay cái đặt lên hai huyệt, các ngón tay còn lại ôm lấy mạng sườn, tiến hành day bấm huyệt trong 2 phút;

+ Huyệt khí hải (vị trí: Ở dưới rốn 1,5 tấc): Dùng ngón tay cái hoặc ngón tay giữa day bấm huyệt trong 2 phút…

Các biện pháp chữa táo bón tại nhà - Ảnh 6.

Vị trí huyệt thiên khu.

Các biện pháp chữa táo bón tại nhà - Ảnh 7.

Vị trí huyệt khí hải.

Lưu ý: Không nên nhịn đi tiêu. Nếu càng trì hoãn nhu cầu đi tiêu càng lâu, thì phân càng trở nên cứng và càng khó đi tiêu.

Có nhiều biện pháp được cho là giúp trị táo bón, nhưng điều quan trọng là người bệnh cần trao đổi với chuyên gia y tế, trước khi sử dụng bất kỳ biện pháp khắc phục nào để đảm bảo rằng nó phù hợp với bạn.

Mời độc giả xem thêm video:

Món ăn bổ dưỡng từ thịt gà

DS. Hoàng Thu Thủy
Ý kiến của bạn