Mối nguy cơ tiềm ẩn của đại dịch cận thị
BS. Hoàng Thanh Nga - Bác sĩ khám và phẫu thuật, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết: "Con số thống kê về tỉ lệ cận thị trên thế giới rơi vào khoảng 25%, ở Việt Nam từ 14% - 40%, mức độ này có thể thay đổi từ thành thị đến nông thôn. Đáng chú ý, tỷ lệ này đang có xu hướng tăng, ước tính đến năm 2050 có khoảng 50% người mắc tật khúc xạ".
Cận thị tưởng chừng như là căn bệnh đơn giản, nhưng lại tác động không nhỏ đến người bệnh, không chỉ suy giảm về thị giác, ảnh hưởng đến sinh hoạt, chi phí điều trị cao và liên tục, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, chữa cận thị không đúng cách có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm cho mắt: nhược thị, cận thị cao…
Bác sĩ Nga chỉ rõ: "Mức độ cận thị nào cũng có thể có nguy cơ mắc nguy cơ mắc bệnh lý về mắt". Việc sinh hoạt trong không gian hẹp, sủ dụng các thiết bị điện tử thời gian dài và ít có thời gian vận động tạo điều kiện cho đại dịch cận thị gia tăng, trở thành con số đáng báo động.
Tỷ lệ cận thị đang dần gia tăng
Các biện pháp bảo vệ trẻ trước đại dịch cận thị
Xây dựng các thói quen tốt trong sinh hoạt hàng ngày
Xây dựng các thói quen tốt trong sinh hoạt hàng ngày sẽ góp phần hạn chế khả năng mắc cận thị và hạn chế cận thị tiến triển. Bố mẹ cần khuyến khích con cái tạo những thói quen tốt hàng ngày như: ngồi thẳng lưng, giữ khoảng cách ngắn nhất 50cm từ mắt đến vật, lưu ý ánh sáng từ màn hình điện tử không được quá tối, thường xuyên vệ sinh mắt...
Xây dựng các thói quen tốt cho mắt nghỉ ngơi
Một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến cận thị là do nhìn gần quá nhiều. Vì thế, cần xây dựng các thói quen tốt cho mắt nghỉ ngơi: hạn chế nhìn gần, tạo điều kiện cho mắt tăng cường thư giãn, nhìn xa… BS. Hoàng Thanh Nga - Bác sĩ khám và phẫu thuật, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 khuyến khích: "Chúng tôi luôn khuyên mọi người nên nhìn xa ở khoảng cách trên 6m. Đối với những công việc bắt buộc phải nhìn gần thì cần để mắt có thời gian nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên áp dụng quy tắc 20 – 20 – 20: Cứ mỗi 20 phút, để mắt nhìn xa 20 feet (khoảng 6m), trong khoảng 20 giây. Chúng ta không nên để mắt làm việc liên tục, tăng cường chớp mắt, có những phản xạ tiết ra nước để bảo vệ cho mắt, làm việc trong môi trường có đủ ánh sáng và cố gắng tăng các hoạt động ngoài trời để mắt được tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên".
Xây dựng chế độ dinh dưỡng và rèn luyện sức khỏe hợp lý
Có một chế độ dinh dưỡng hợp lý là một trong những yếu tố quan trọng đối với quá trình ngừa và hạn chế cận thị tiến triển. Chúng ta cần bổ sung những dưỡng chất giàu vitamin A, vitamin C, vitamin E, những thực phẩm giàu protein, hoa quả đỏ: cà rốt, bí đỏ, các loại rau lá màu xanh thẫm: bắp cải, súp lơ… Một chế độ ăn đủ chất không chỉ giúp con trẻ có thể phát triển toàn diện mà còn góp phần ngăn ngừa các bệnh lý khác về mắt.
Xây dựng thói quen tốt góp phần hạn chế cận thị tiến triển
Xây dựng thói quen khám mắt định kỳ
Cận thị hay xuất hiện ở độ tuổi học đường, tuy nhiên trong gia đình có bố mẹ có độ cận cao thì trẻ cũng có khả năng xuất hiện cận sớm. Vì thế, cách bảo vệ trẻ trước đại dịch cận thị an toàn nhất chính là cho trẻ đi khám mắt thường xuyên ở những cơ sở uy tín, kiểm tra mắt định kỳ 3 - 6 tháng 1 lần, lần đầu thì nên kiểm tra 3 tháng 1 lần. Bác sĩ Nga cũng nhấn mạnh: "Khi thấy trẻ có biểu hiện bất thường: nheo mắt, ngồi nghiêng, hay tiến lại gần TV để xem, nhìn mờ, chảy nước mắt… cần cho trẻ đi khám ngay để phát hiện và điều trị kịp thời. Trước khi trẻ đi học cũng cần được tầm soát, kiểm soát tật khúc xạ. Bố mẹ cũng nên từ bỏ suy nghĩ: Bị cận chỉ cần đeo kính là được, cần kết hợp với bác sĩ chuyên môn để xây dựng cho trẻ phương hướng điều trị phù hợp, hạn chế cận thị tiến triển và các bệnh lý khác về mắt".