Đại dịch COVID-19 gần đây đưa ra một thách thức lớn trong cuộc chiến chống lại sự bùng phát của chủng virus mới và được tuyên bố là một tình trạng y tế khẩn cấp trên toàn thế giới. Với những hiểu biết rút ra từ các trận dịch trước đó bao gồm hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS, hội chứng hô hấp Trung Đông MERS và cúm A/H1N1, người ta nhận ra rằng gánh nặng sức khỏe tổng thể của chúng ta có thể không được đánh giá đúng mức vì các biểu hiện thường gặp ngoài phổi.
Các biến chứng tim mạch cấp và mạn tính của viêm phổi do virus khá thường gặp, đó là kết quả của nhiều cơ chế bao gồm thiếu máu cục bộ tương đối, đáp ứng viêm toàn thân và tổn thương qua trung gian mầm bệnh. Tuy nhiên, có rất ít dữ liệu được công bố về các biểu hiện tim mạch trong bối cảnh dịch bệnh do virus gây ra. Sự bùng phát của dịch COVID-19 nhấn mạnh cần phải nhận thức rõ hơn tác động lên hệ tim mạch trước mắt và lâu dài do nhiễm virus cùng những lỗ hổng kiến thức đáng kể mà các nghiên cứu trong tương lai cần giải quyết.
Về dịch tễ
Trong 2 thập kỷ qua, Coronavirus và cúm đã nhiều lần tấn công thế giới gây tử vong và thiệt hại về kinh tế một cách đáng kể. Đại dịch SARS năm 2002 - 2003 làm 916 người tử vong trong số hơn 8.000 người bệnh ở 29 quốc gia, sau đó là sự xuất hiện của MERS năm 2012 làm ít nhất 800 người tử vong trong số 2.254 người bệnh ở 27 quốc gia. Bên cạnh Coronavirus, cúm gia cầm và cúm lợn vẫn là mối lo ngại đối với sức khỏe toàn cầu - trong đại dịch cúm 2009 có 18.500 trường hợp tử vong được xác định dương tính và hơn 200.000 trường hợp tử vong do bệnh hô hấp trên toàn thế giới.
Các biến chứng tim mạch do nhiễm Coronavirus.
Cuối năm 2019, một nhóm người bệnh viêm phổi với mức độ nặng khác nhau và không rõ căn nguyên ở Vũ Hán - Trung Quốc, báo trước cho sự khởi đầu của đại dịch COVID-19. Nhiều điều vẫn còn chưa rõ về chủng virus này bao gồm: đường lây, tiến hóa virus, động học dịch bệnh, các điều trị chống virus và chiến lược kiểm soát bệnh.
Các biến chứng tim mạch
Các biến chứng tim mạch do nhiễm cúm bao gồm viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim cấp và đợt cấp suy tim mạn đã được ghi nhận trong các trận dịch trước đó và góp phần làm tăng tỷ lệ tử vong. Tương tự như vậy, dịch COVID-19 làm tăng gánh nặng đáng kể các biến chứng và bệnh tim mạch đồng mắc.
Người bệnh tim mạch dễ gặp nguy hiểm nếu mắc COVID-19.
Hơn nữa, độ nặng của hội chứng hô hấp và nguy cơ kết cục xấu tăng lên ở những người bệnh đã mắc bệnh tim mạch trước đó. Tụt huyết áp, nhịp tim nhanh, nhịp tim chậm, rối loạn nhịp hoặc thậm chí đột tử thường gặp ở những người bệnh SARS. Sự thay đổi điện tim và tăng men tim có thể là dấu hiệu của viêm cơ tim và siêu âm tim thường phát hiện suy chức năng tâm trương thất trái dưới lâm sàng (với tỷ lệ cần thông khí cơ học cao hơn những người bệnh suy chức năng tâm thu và giảm phân suất tống máu). Báo cáo gần đây về các trường hợp nhiễm COVID-19 cho thấy người bệnh với các bệnh nền có nguy cơ biến chứng hoặc tử vong cao hơn - lên đến 50% ở các người bệnh nhập viện có bệnh nội khoa mạn tính. Trong một nghiên cứu đoàn hệ lớn nhất được công bố, tỷ lệ tổn thương tim cấp là 7,2%, sốc 8,7% và rối loạn nhịp là 16,7%.
Lời kết
Việc con người ngày càng di chuyển nhiều và dễ dàng qua lại giữa các nước đã đẩy nhanh tốc độ lan truyền virus trên toàn cầu. Trận dịch COVID-19 đe dọa đến sức khỏe cộng đồng nhưng các biểu hiện ngoài phổi và hậu quả lâu dài của chúng lại thường bị bỏ qua.
Đây là một trận dịch phát triển nhanh chóng với các đặc điểm lâm sàng còn chưa được nắm rõ và có khả năng tiến triển hơn nữa. Bệnh lý tim mạch sẵn có góp phần thúc đẩy các biến cố bất lợi xảy ra sớm và nhiễm virus có thể có tác động lâu trên toàn bộ hệ tim mạch. Do đó, phối hợp đa chuyên khoa ở những ca nặng (nhất là những người bệnh có bệnh nền tim mạch) và việc theo dõi người bệnh lâu dài là cần thiết.