Các biến chứng sau phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ và cách chăm sóc

09-11-2021 07:11 | Y học 360

SKĐS - Thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ là một kỹ thuật tương đối an toàn nhưng cũng gắn liền với những nguy cơ và biến chứng nhất định. Vì vậy, cần lưu ý việc chăm sóc phục hồi sau phẫu thuật như: thay băng, vận động, ăn uống hay tắm hằng ngày…

Đĩa đệm tự nhiên của cột sống đoạn cổ là một cấu trúc cơ học tuyệt vời trên phương diện cơ khí. Đĩa đệm có khả năng hấp thu lực nén ép rất lớn, trong khi đem lại biên độ vận động rộng rãi cho các đốt sống đoạn cổ.

Tái lập cấu trúc và chức năng của đĩa đệm tự nhiên để đưa vào đĩa đệm nhân tạo là một thách thức lớn đối với thầy thuốc. Tuy nhiên, một số đĩa đệm nhân tạo đã được phát triển và có thể lựa chọn phẫu thuật để điều trị các bệnh lý đĩa đệm cổ gây đau cổ và nhiều triệu chứng khác như đau, yếu cánh tay.

Thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ là một kỹ thuật tương đối an toàn, nhưng cũng gắn liền với những nguy cơ nhất định. Trước khi đi đến chỉ định mổ cuối cùng, bệnh nhân cần được cung cấp thông tin về các nguy cơ biến chứng có thể có của quy trình mổ.

1. Các biến chứng có thể gặp trong phẫu thuật  thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ

Các biến chứng sau phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ và cách chăm sóc - Ảnh 2.

Một ca phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ tại Bệnh viện Việt Đức.

Các biến chứng có thể gặp trong phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ bao gồm:

  • Các nguy cơ ngoại khoa nói chung. Mọi cuộc mổ đều tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn, mất máu, phản ứng tiêu cực với các loại thuốc.
  • Nói khó, nuốt khó. Sau phẫu thuật thay đĩa đệm cột sống cổ, nhiều bệnh nhân biểu hiện sưng đau vùng họng, gây khó nói, khó nuốt.
  • Cốt hóa lạc chỗ. Các mô xương có thể xuất hiện ở mô mềm, như cơ hay dây chằng, do tai biến tổn thương trong phẫu thuật. Hiện tượng này thường không biểu hiện triệu chứng ngoại trừ giảm biên độ vận động thậm chí ở mức khó phát hiện. Cốt hóa lạc chỗ được báo cáo có tỉ lệ ở nam giới gấp đôi nữ giới. Một số phẫu thuật viên có thể kê NSAIDs nhằm giảm nguy cơ cốt hóa lạc chỗ.
  • Di lệch đĩa đệm nhân tạo. Đĩa đệm nhân tạo có thể di lệch nếu điểm bám xương yếu đi, hoặc tổn thương phần cứng kết cấu.
  • Không giảm đau. Một số bệnh nhân không giảm nhẹ triệu chứng kể cả khi đã được phẫu thuật đúng quy cách.
  • Đáp ứng xấu với kim loại. Một số ca bệnh được báo cáo phần dụng cụ kim loại sinh ion có khả năng phản ứng với các mô xung quanh, gây đau thậm chí tổn thương đĩa đệm ghép.
  • Yếu liệt. Đây là một biến chứng cực kỳ hiếm gặp, xảy ra do tổn thương tủy sống hay rễ thần kinh trong khi mổ, biểu hiện yếu liệt một hay nhiều chi.

Ngoài ra, còn có nhiều biến chứng hiếm gặp khác.

Các biến chứng sau phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống và cách chăm sóc - Ảnh 3.

Thay đĩa đệm nhân tạo.

2. Các yếu tố nguy cơ gây tăng xuất hiện biến chứng

Một số yếu tố có thể gây tăng tỷ lệ nguy cơ biến chứng của bệnh nhân trong và sau quá trình phẫu thuật thay đĩa đệm, bao gồm:

  • Phẫu thuật đa tầng. Nguy cơ tổn thương kết cấu và các đốt lân cận sẽ tăng lên khi phải thay hai đĩa đệm đồng thời.
  • Hút thuốc lá. Nhiều nghiên cứu phát hiện hút thuốc làm tăng tỉ lệ biến chứng, như nhiễm khuẩn, trong giai đoạn phục hồi sau phẫu thuật. Hút thuốc cũng làm giảm quá trình lành xương và tăng nguy cơ tổn thương đoạn kế cận.
  • Thoái hóa cột sống nghiêm trọng. Nếu cột sống cổ của bệnh nhân vốn đã có tình trạng viêm xương khớp mỏm, hay độ xẹp đĩa đệm trên 50%, thay đĩa đệm rất khó giúp giảm đau và duy trì vận động đốt sống. Các triệu chứng càng tồn tại dai dẳng, nguy cơ tổn thương vĩnh viễn mô thần kinh càng cao và càng khó để điều trị nhờ phẫu thuật.

Bên cạnh đó, có thể có nhiều yếu tố nguy cơ khác. Trước khi quyết định phẫu thuật, thầy thuốc cần thảo luận với bệnh nhân về mọi lựa chọn điều trị và các nguy cơ biến chứng đi kèm.

Trong vòng vài ngày đến vài tuần sau thay đĩa đệm, bệnh nhân có thể cảm thấy đau và khó chịu. Thông thường nhất là triệu chứng đau và sưng tấy vùng vết mổ tại mặt trước cổ. Bệnh nhân có thể xuất hiện một số triệu chứng khác như khó nuốt, khó nói. Các triệu chứng này nhìn chung có thể xử trí hoặc sẽ hết dần khi bệnh nhân hồi phục.

3. Điều trị nội trú sau khi thay đĩa đệm nhân tạo

Sau khi mổ thay đĩa đệm nhân tạo, bệnh nhân có thể về nhà trong ngày hoặc nằm nội trú qua đêm. Trong thời gian hậu phẫu này, bệnh nhân sẽ được tiến hành:

  • Dùng thuốc giảm đau.
  • Ăn đồ lỏng trước khi chuyển sang thức ăn rắn.
  • Giáo dục về xử trí đau và chăm sóc vết mổ tại nhà.
  • Hỗ trợ đi lại, leo cầu thang.

Thông thường, bệnh nhân chắc chắn được xuất viện khi đủ khả năng tự leo cầu thang, ăn được đồ ăn rắn, đại tiện bình thường. Một số bệnh nhân có thể được xuất viện ngay trong ngày sau phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo, số khác có thể cần vài ngày điều trị nội trú.

3.1 Xử trí đau tại nhà

Trong vòng vài ngày hậu phẫu đầu tiên, bệnh nhân được khuyên nghỉ ngơi, tránh hoạt động hay ra ngoài. Có thể đi bộ ngắn để tập luyện và hỗ trợ tiêu hóa. Một số bệnh nhân có thể cần đeo nẹp cổ giúp hạn chế vận động gây đau trong giai đoạn này.

Một số thuốc như opioid có thể kê nếu bệnh nhân vẫn đau nhiều khi xuất viện. Hầu hết bệnh nhân có thể chuyển từ opioids sang các thuốc giảm đau nhẹ hơn, như acetaminophen (Tylenol) trong vòng 1-2 tuần đầu sau mổ. Opioids không được đề xuất sử dụng lâu dài do chúng nhiều tác dụng phụ, bao gồm cả gây nghiện.

3.2 Chăm sóc vết mổ

Trong 5 ngày đầu tiên, bệnh nhân cần thay băng mỗi ngày. Bệnh nhân có thể tắm bình thường sau mổ 2-3 ngày. Có thể thoa nhẹ xà phòng và nước qua vết mổ, tránh chà xát và đảm bảo thấm khô vết mổ sau khi tắm.

Có thể ngâm vết mổ dưới nước, như khi tắm bồn, bơi bể bơi. Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm khuẩn khi ngâm nước chưa có sự cho phép của thầy thuốc cũng đáng được lưu ý.

Các biến chứng sau phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống và cách chăm sóc - Ảnh 4.

PGS.TS Nguyễn Đình Hòa - Khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tư vấn cho bệnh nhân.

3.3 Tái khám sau 2 tuần

Bệnh nhân thường được hẹn khám lại khoảng 2 tuần sau phẫu thuật thay đĩa đệm cột sống cổ. Trong lần tái khám này, thầy thuốc sẽ chỉ định chụp X-quang, thăm khám vết mổ, hỏi bệnh nhân liệu quá trình hồi phục có tiến triển như mong đợi. Nếu chỉ khâu còn, bệnh nhân cũng sẽ được cắt chỉ.

Tái khám hai tuần cũng xác định bệnh nhân có thể tắm rửa, bơi lội bình thường, hay tự lái xe trở lại nếu trước đó chưa được phép.

4. Hồi phục hoàn toàn sau thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ

Sau phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo, những bệnh nhân khác nhau có thể có thời gian phục hồi khác nhau. Một số người có thể quay lại lao động nhẹ hay làm việc bàn giấy khoảng một tuần sau mổ nếu đã lại sức và không cần dùng opioids.

Những bệnh nhân làm việc nặng hơn, như lao động chân tay, có thể cần nghỉ ngơi 6 tuần trước khi thể trạng cho phép lao động trở lại.

Khoảng bốn tuần sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể được tư vấn tham gia chương trình vật lý trị liệu ngắn hạn giúp khôi phục phần nào cơ lực và độ linh hoạt của cột sống cổ.

 Tất cả những điều cần biết về phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ Tất cả những điều cần biết về phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ

SKĐS - Đau, tê bì, châm chích dai dẳng, yếu cơ từ cổ đến cánh tay... là triệu chứng của người bị các bệnh lý về đĩa đệm cột sống cổ. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai có biểu hiện triệu chứng đều cần phải phẫu thuật thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ.

Xem thêm video đang được quan tâm

Nâng xoang hàm.

PGS.TS Nguyễn Đình Hòa
Khoa Phẫu thuật Cột sống - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Ý kiến của bạn