Các biến chứng nguy hiểm của sỏi mật

02-10-2021 07:04 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Sỏi túi mật nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra biến nguy hiểm như viêm phúc mạc, viêm tuỵ cấp, sốc nhiễm trùng đường mật... thậm chí là ung thư túi mật.

Một người bệnh ở Phú Thọ xuất hiện tình trạng đau hạ sườn phải và nôn ói. Đi khám, được chẩn đoán bị viêm túi mật do sỏi. Bệnh nhân được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi, cắt bỏ túi mật. Sau phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra được hơn 80 viên sỏi.

Các yếu tố nguy cơ hình thành sỏi mật

TS. BS Đặng Quốc Ái (Khoa Ngoại tổng hợp - BV E Trung ương) cho biết: Sỏi túi mật là căn bệnh rất phổ biến hiện nay. Các yếu tố nguy cơ dễ gây hình thành sỏi mật gồm nhiễm trùng đường mật, giun chui ống mật, người bị béo phì, người lớn tuổi, người bị bệnh đái tháo đường, uống thuốc tránh thai…

Có hai loại sỏi mật là sỏi cholesterol và sỏi sắc tố mật. Khoảng 80% sỏi mật chủ yếu là do lượng cholesterol ở trong dịch mật gia tăng quá mức, vượt quá khả năng hòa tan của muối mật. 20% còn lại có thể gặp sỏi sắc tố mật liên quan đến nồng độ cao bất thường của sắc tố mật bilirubin.

Các biến chứng nguy hiểm của sỏi mật - Ảnh 1.

Sỏi cholesterol gặp nhiểu trong chế độ ăn hiện đại.

Trước đây đời sống còn nhiều khó khăn, nguyên nhân gây sỏi mật là ký sinh trùng. Các loại giun chui vào trong túi mật chết trong đó xác đọng lại thành các sỏi mật.

Tuy nhiên, nguy cơ sỏi mật do ký sinh trùng càng ngày càng ít, do người dân đã biết tẩy giun định kỳ, ăn chín uống sôi. Hiện nay, sỏi mật do cholesterol lại thường gặp hơn do chế độ ăn nhiều chất béo và lối sống hạn chế vận động…

Sỏi mật có thể lên đến hàng trăm viên. Phần lớn người bệnh chỉ được phát hiện khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc siêu âm các bệnh khác.

Triệu chứng thường gặp và biến chứng

Theo TS. Ái, các triệu chứng thường gặp của sỏi mật là đau, sốt, vàng da.

Tùy theo vị trí hình thành sỏi mà tính chất cơn đau sẽ khác nhau. Khi viên sỏi kẹt trong cổ túi mật, người bệnh thường đau bụng dữ dội vùng hạ sườn phải theo từng cơn.

Nếu sỏi trong gan hoặc ống mật chủ, người bệnh đau quặn vùng hạ sườn phải, lan ra vai phải hoặc sau lưng, vùng thượng vị.

Các cơn đau xuất hiện nhiều và liên tục và thường gặp sau khi ăn no, ăn bữa ăn giàu chất béo, hoặc đau về đêm.

Vì các cơn đau âm ỉ nên nhiều người cố chịu đựng, khi đến giai đoạn biến chứng sẽ có hiện tượng bị vàng da, bởi vì lúc này sỏi gây tắc một phần hoặc hoàn toàn đường mật, gây đau mạnh ở hạ sườn phải cần cấp cứu ngay.

Các biến chứng nguy hiểm của sỏi mật - Ảnh 3.

Đau âm ỉ hạ sườn phải là một trong những triệu chứng điển hình của sỏi mật. Tuy nhiên cũng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như viêm loét đại tràng, nhiễm khuẩn đường ruột...

Sỏi túi mật còn có thể gây ra biến chứng khác như viêm phúc mạc, viêm tụy cấp, sốc nhiễm trùng đường mật... Đây đều là những cấp cứu ngoại khoa khẩn cấp có nguy cơ đe dọa tính mạng.

Ngoài ra, sỏi túi mật còn là nguyên nhân dẫn đến viêm nhiễm mạn tính, lâu ngày sẽ teo túi mật, viêm túi mật hóa ứ, là nguồn gốc khởi đầu cho loạn sản và ung thư túi mật.

Vì vậy, TS.BS Đặng Quốc Ái khuyên, khi phát hiện ra sỏi túi mật cần đi khám chuyên khoa để được điều trị sớm.

Cách phòng bệnh

Các biến chứng nguy hiểm của sỏi mật - Ảnh 4.

Hạn chế các thực phẩm nhiều cholesterol như đồ ăn chiên rán, thức ăn nhanh để phòng hình thành sỏi mật.

Sỏi túi mật là bệnh diễn tiến âm thầm với những dấu hiệu không điển hình nên người bệnh ít quan tâm và chỉ phát hiện qua siêu âm. Do đó, việc phòng ngừa là vô cùng quan trọng và để phòng ngừa sỏi túi mật chúng ta cần:

- Đi khám sức khỏe định kỳ.

- Sinh hoạt lành mạnh, tăng cường hoạt động thể lực, hạn chế ngồi nhiều.

- Kết hợp chế độ ăn uống đảm bảo vệ sinh, ăn chín uống sôi, giảm mỡ, chất béo, tăng lượng rau, quả tươi giàu Vitamin B, C để tăng chuyển hóa chất béo và tinh bột.

- Hạn chế các thực phẩm nhiều cholesterol như phủ tạng, đồ ăn chiên rán, thức ăn nhanh.

- Thực hiện tẩy giun định kỳ để tránh nhiễm trùng và ký sinh trùng đường tiêu hóa.

Ngăn ngừa sỏi mật tái phátNgăn ngừa sỏi mật tái phát

SKĐS - Bố tôi bị sỏi mật đã được bác sĩ chỉ định cắt bỏ. Nhưng tôi nghe nói sỏi mật có thể tái phát. Vậy xin hỏi bác sĩ có cách nào để phòng ngừa sỏi mật tái phát không?

Xem thêm video được quan tâm:

Những nguyên nhân dẫn tới suy nhược thần kinh


Ngọc Anh
Ý kiến của bạn