Viêm họng do liên cầu có thể xảy ra đối với mọi người, nhưng gặp nhiều hơn ở trẻ em từ 6-12 tuổi. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nặng như thấp khớp, tổn thương các van tim.
Liên cầu lây nhiễm từ đâu?
Liên cầu lây nhiễm mạnh qua thức ăn, nước uống, hơi thở, dính vào đồ vật lây sang tay rồi đưa lên miệng. Khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện, liên cầu có thể lan truyền qua những giọt nước bọt li ti khuếch tán vào không khí, người lành hít phải sẽ bị nhiễm bệnh, đồng thời, một số lượng liên cầu từ các giọt nước bọt rơi xuống bề mặt đồ vật, người lớn và trẻ em có thể bị nhiễm khuẩn do sờ vào đồ vật, núm cửa rồi đưa chúng lên mũi hoặc miệng.
Liên cầu cũng có thể từ nước bọt của bệnh nhân bắn ra, rơi nhiễm vào thức ăn, nước uống, người lành ăn uống phải sẽ bị lây bệnh. Trẻ nhỏ rất nhạy cảm với bệnh truyền nhiễm nói chung và liên cầu nói riêng do hệ miễn dịch đang phát triển, chưa hoàn thiện nên dễ lây bệnh trong gia đình, trường học và nhà trẻ.
Biểu hiện khi bị viêm họng do liên cầu
Một người bị viêm họng do liên cầu thường có các triệu chứng như sau: tuyến amidan đỏ và sưng to. Đau họng không kèm theo cảm lạnh hoặc chảy nước mũi. Nhưng cũng có những bệnh nhân bị viêm họng liên cầu mà không đau họng. Đôi khi bạn có thể nhìn thấy vệt trắng hoặc một vài đốm mủ trên amidan. Ở trẻ em, amidan có thể có màng màu xám hoặc màu trắng.
Viêm hong do liên cầu có nhiều đờm, mủ trên 2 tuyến amidan. |
Sưng và đau hạch ở cổ. Bệnh nhân có sốt trên 39,5
oC, đau đầu, đau nhức cơ bắp, đau bụng và có thể nôn. Nếu trẻ bị viêm họng liên cầu, chúng sẽ đau họng và khó nuốt. Trẻ em có thể có rối loạn nhịp thở, hơi thở nông, đau đầu nặng, đau ngực, nổi ban hoặc đau khớp. Xét nghiệm: ngoáy ở họng hoặc ở đốm mủ ở amidan nuôi cấy tìm thấy liên cầu họng.
Biến chứng viêm họng do liên cầu gồm các nhiễm khuẩn khác như viêm amidan, viêm xoang và viêm tai. Đặc biệt, bệnh có thể có biến chứng viêm cầu thận, thấp khớp. Thấp khớp có thể thấy các nốt viêm hình thành ở khớp, da và cơ. Các nốt này cũng có thể hình thành ở cơ tim, nội mạc tim và đặc biệt là ở van tim, gây ra sẹo có thể cản trở dòng máu trong tim. Trong một số trường hợp, tổn thương này có thể dẫn tới suy tim.
Chăm sóc trong điều trị và phòng bệnh
Hầu hết các trường hợp viêm họng do liên cầu đều phải dùng kháng sinh như penicillin, cephalosporin hoặc clindamycin. Thuốc penicillin có thể dùng đường tiêm trong trường hợp trẻ khó nuốt hoặc có nôn. Điều cần lưu ý là bạn phải bảo đảm cho trẻ uống thuốc đầy đủ số ngày theo chỉ định của bác sĩ để tránh tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc do dừng thuốc sớm. Nếu có vi khuẩn kháng thuốc, nó cũng gây nhiều ca viêm họng do liên cầu hơn và các biến chứng nặng như thấp khớp, hở van tim cũng nhiều hơn. Điều trị triệu chứng dùng các loại thuốc: acetaminophen để giảm đau họng và giảm sốt. Nhưng lưu ý không dùng aspirin cho trẻ dưới 12 tuổi. Dùng các loại vitamin nhóm B, C để nâng cao thể trạng cho bệnh nhân.
Ảnh minh họa (nguồn Internet) |
Cách chăm sóc để bệnh nhân mau lành bệnh gồm: nghỉ ngơi nhiều, nếu bệnh nhân ngủ được sẽ nâng cao sức chống đỡ bệnh tật. Đối với trẻ em, nên cho ở nhà tới khi không còn sốt và thể trạng tốt lên. Uống nhiều nước có tác dụng giúp họng đau được trơn, ẩm, dễ nuốt, giúp đề phòng mất nước. Bạn cũng nên cho bệnh nhân ăn thức ăn mềm như nước canh thịt hoặc súp như súp gà có đặc tính kháng khuẩn. Các thức ăn như cơm cháo gạo, cháo khoai tây, hoa quả mềm, sữa chua và trứng nấu mềm vừa dễ tiêu vừa tăng sức đề kháng.
Không nên cho trẻ ăn thức ăn cay hoặc chua như nước cam, nước chanh, dưa cà muối… Nên cho bệnh nhân súc họng bằng nước muối ấm, pha 1/2 - 1 thìa cà phê muối trong 220ml nước ấm. Làm ẩm không khí cũng giúp bệnh nhân, nhất là trẻ nhỏ dễ chịu vì hơi ẩm giúp niêm mạc họng khỏi bị khô rát. Nhỏ nước muối sinh lý vào mũi cũng giúp làm ẩm niêm mạc. Tránh khói thuốc lá vì khói thuốc lá kích thích họng và có thể làm tăng viêm nhiễm.
Phòng bệnh bằng các biện pháp sau đây: bạn thường xuyên rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ nhỏ; với trẻ lớn hơn, cần hướng dẫn trẻ rửa tay trước khi ăn, sau khi tiếp xúc với các đồ vật trong phòng. Dạy trẻ che miệng khi ho hay hắt hơi.
ThS.Nguyễn Thế Minh