Các biến chứng của cận thị tiến triển

06-10-2022 15:05 | Y học 360
google news

Cận thị ảnh hưởng không nhỏ đến nhịp sống, sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Sai lầm đa số phụ huynh mắc phải đó là tư tưởng: Bị cận thì chỉ cần đeo kính.

Trên thực tế, hiểu rõ về tình trạng mắt, từ đó có hướng điều trị để kiểm soát được cận thị tiến triển chính là cách tốt nhất để hạn chế các biến chứng của cận thị tiến triển. 

Cận thị tiến triển có những biến chứng nguy hiểm nào?

Một số biến chứng cận thị tiến triển gây suy giảm thị lực như:

- Thoái hóa võng mạc cận thị

- Thoái hóa hoàng điểm cận thị

- Tân mạch hắc mạc cận thị

- Bong rách võng mạc

- Giãn lồi cực sau nhãn cầu

- Glocom Glaucoma thứ phát

Các biến chứng trên gặp ở 50 - 70% số người cận thị nặng theo một số báo cáo trên thế giới. Trước đây, các báo cáo đều chia ra các vùng cận thị cao, trung bình, thấp để đánh giá nguy cơ biến chứng của cận thị. Nhưng các báo cáo từ 2012 đến nay, các nhà lâm sàng đều thống nhất rằng không còn vùng an toàn đối với cận thị (kể cả cận thị thấp hay trung bình, cao) vì ở độ cận nào cũng có thể gia tăng nguy cơ gây ra bệnh lý và tổn thương trên nhãn cầu, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.

photo-1665040833007

Cận thị tiến triển có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm

Những dấu hiệu và diễn biến của cận thị và cận thị tiến triển

Các dấu hiệu nhận biết sớm tình trạng cận thị và cận thị tiến triển mà gia đình, thầy cô cần chú ý ở trẻ nhỏ như:

- Trẻ tiến đến gần vật: Vì thị lực của trẻ kém nên trẻ thường tiến đến gần hơn để nhìn rõ

- Thường xuyên dụi mắt: Khi mắt tập trung nhìn lâu gây khó chịu, dụi mắt khiến trẻ thấy thoải mái hơn.

- Nheo mắt, nghiêng đầu khi nhìn xa: Nheo mắt giúp trẻ nhìn rõ hơn và tạo nên thói quen nheo mắt mỗi khi nhìn

- Kết quả học tập giảm sút: Việc ngồi ở xa trên lớp làm cho trẻ không nhìn rõ các chữ trên bảng ảnh hưởng đến kết quả học tập.

- Trẻ bị nhức đầu hoặc chảy nước mắt khi học bài, dùng thiết bị điện tử liên tục: do tình trạng mắt điều tiết nhiều gây mỏi mắt, khô mắt

- Sợ ánh sáng và nheo mắt thường xuyên: Khi ra ngoài trời trẻ thường dùng tay che mắt, nheo mắt lại do bị chói sáng, lóa mắt

photo-1665040838621

Phát hiện sớm những dấu hiệu của cận thị tiến triển để có cách chữa trị phù hợp

Các cách ngăn ngừa cận thị tiến triển cha mẹ cần quan tâm

Hiện nay, có nhiều cách để ngăn ngừa cận thị tiến triển cho trẻ, BS. Hoàng Thanh Nga – Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 gợi ý một số cách ngăn ngừa cận thị và kiểm soát cận thị mà bố mẹ nên áp dụng sớm để bảo vệ mắt cho trẻ:

- Tăng thời gian hoạt động ngoài trời cho trẻ, tối thiểu > 2 giờ/ngày và > 14 giờ/tuần

- Giảm thiểu tối đa thời gian làm việc nhìn gần không quá 3 tiếng/ngày ngoài thời gian đi học ở trường

- Giữ khoảng cách nhìn phù hợp, tư thế ngồi đúng

- Độ sáng tiêu chuẩn đóng vai trò quan trọng phòng ngừa cận thị

- Chế độ dinh dưỡng phù hợp, toàn diện với các nhóm dưỡng chất sẽ có thể giúp đôi mắt trẻ khỏe hơn

- Tái khám định kỳ 6 tháng/lần giúp kịp thời phát hiện tình trạng cận thị tiến triển

- Tái khám và tuân thủ lời dặn của bác sĩ để phương pháp kiểm soát cận thị đạt hiệu quả tốt

- Có bất kì vấn đề hay thắc mắc liên hệ ngay bác sĩ để được tư vấn đầy đủ

Không khó để bố mẹ và các con có thể hạn chế những biến chứng về cận thị tiến triển. Tuy nhiên, tâm lý chủ quan cùng quan điểm lỗi thời: Bị cận chỉ cần đeo kính đã tác động không nhỏ đến quá trình phục hồi thị lực của trẻ. Hiểu đúng về cận thị và cận thị tiến triển, từ đó có những hướng chữa bệnh phù hợp là hành trình dài, cần sự kiên nhẫn của cả bố mẹ và các con.

photo-1665040841052


PV
Ý kiến của bạn