Hà Nội

Các bệnh xương khớp “giương đông kích tây”

30-07-2019 14:02 | Y học 360
google news

SKĐS - Trong y khoa, nhiều bệnh đau ở nơi này nhưng lại biểu hiện ở nơi khác.Nhiều lúc bệnh nhân cứ bị “đè” ra điều trị một thời gian dài với một chẩn đoán khác, đến khi phát hiện được nơi bệnh thật sự đã bị trễ.Người bệnh cần phải chú ý nhiều hơn đến cơ thể của mình để khai bệnh thật chính xác giúp bác sĩ định vị chính xác nơi bị bệnh.

Đau khớp gối hoặc đau lưng coi chừng hư khớp háng.

Trong lúc ngồi phòng khám, chúng tôi nhận được một số bệnh nhân nam than đau khớp gối, đã được điều trị nhiều nơi bằng thuốc nhưng không giảm.Khi đến khám bệnh nhân vẫn than đau vùng gối.Điểm đặc biệt là khi hỏi bệnh nhân điểm đau chính xác vùng gối, bệnh nhân không xác định được.Khi khám bệnh chúng tôi cũng không tìm thấy điểm đau thật sự vùng gối.

Hỏi kỹ hơn bệnh nhân than thở dạo này không thể ngồi xếp bằng để nhậu được mà phải lên ngồi trên ghế cao.Hỏi thêm cuộc sống bệnh nhân kể tiếp mỗi tuần nhậu sơ sơ khoảng 5 - 7 cuộc nhậu.Khám thêm khớp háng phát hiện ra bệnh nhân bị hạn chế xoay trong và xoay ngoài.Cho chụp X-quang khớp háng cho thấy hình ảnh hoại tử chỏm xương đùi. Vậy là đã rõ: bệnh nhân bị hư khớp háng nhưng lại đau ở vùng gối.

Một số bệnh nhân khác lại than đau vùng thắt lưng thấp, đi lại khó khăn và không ít bệnh nhân đã được mổ thoát vị đĩa đệm để rồi sau đó mới phát hiện ra hoại tử chỏm xương đùi.

Vậy hoại tử chỏm xương đùi là gì?Nguyên nhân tại sao bị?Và nếu lỡ bị phải làm sao?

Hoại tử chỏm xương đùi là tình trạng chết của xương do thiếu máu nuôi. Bệnh thường xảy ra ở độ tuổi từ 30 - 60, xảy ra ở cả hai chỏm xương đùi với độ nặng khác nhau hay như nhau. Bệnh xảy ra do các bệnh lý gây tắc các mạch máu nhỏ cung cấp máu cho chỏm xương đùi ví dụ tắc mạch do các chất mỡ gây tắc mạch trên những bệnh nhân có tổn thương gan do rượu.

Các bệnh xương khớp “giương đông kích tây”Đau vùng thắt lưng coi chung hoại tử chỏm xương đùi

Nguyên nhân có thể chia làm hai nhóm chính là có chấn thương hay không chấn thương.

- Nguyên nhân do chấn thương ví dụ như té gãy cổ xương đùi, trật khớp háng…

- Nguyên nhân không do chấn thương bao gồm uống nhiều rượu, bia, dùng corticoide liều cao kéo dài, bệnh lý giảm áp như những người thợ lặn lặn sâu và trồi lên đột ngột, bệnh lý hồng cầu hình liềm, chạy tia xạ và có khoảng 25% không rõ nguyên nhân là gì.

Triệu chứng thường là có cơn đau khởi phát đột ngột mà có lẽ là do thiếu máu nuôi đột ngột. Tuy nhiên bệnh nhân thường đã có tình trạng hoại tử chỏm trước đó.Cơm đau ngày càng nhiều khi xương chết làm xẹp chỏm xương đùi, đau khi đi đứng và giảm khi nghỉ ngơi. Cơn đau xuất phát từ bẹn lan xuống mặt trong đùi hoặc đôi khi cảm giác đau sau mông. Cơn đau làm hạn chế các vận động của khớp háng và khi khám thấy động tác xoay ngoài và xoay trong háng bị giảm trước. Đặc biệt cơn đau có thể ở vùng gối hay vùng thắt lưng thấp như đã mô tả.

Việc chẩn đoán thường dựa trên lâm sàng và X-quang, tuy nhiên ở giai đoạn sớm X-quang thường qui không phát hiện sớm được mà phải cần tới phim MRI cho phép thấy các tổn thương xương sớm.

Khi đã có chẩn đoán việc điều trị sẽ bao gồm thuốc kháng viêm giảm đau nhưng kết quả không khả quan mấy. Có rất nhiều phương pháp mổ xẻ nhằm mục tiêu cứu vãn chỏm xương đùi, động tác đơn giản nhất là khoan giải áp, phức tạp hơn có thể ghép xương xốp sau khi khoan, ghép mào chậu có cuống mạch hay xương mác có cuống mạch. Bơm tế bào gốc.Nhưng kết quả cũng hạn chế.Mặc dù vậy người ta vẫn tiến hành vì mục tiêu cứu lấy chỏm xương đùi.

Khi chỏm xương đùi đã hư hoàn toàn, biện pháp cuối cùng để giải thoát cho bệnh nhân khỏi cơn đau và sự tàn phế là thay khớp háng.Thay khớp háng giúp bệnh nhân đi lại dễ dàng, không đau.Tuy nhiên việc gì cũng có mặt trái của nó. Khớp háng nhân tạo không thể tốt hơn chỏm xương đùi thật, bệnh nhân sẽ không được phép ngồi xổm hay bắt chéo chân, nguy cơ có thể bị trật khớp háng, nguy cơ nhiễm trùng, hư khớp háng nhân tạo sau một thời gian 10 - 15 năm.

Đau cổ coi chừng rách chóp xoay

Gần đây có khá nhiều thư của các bạn đọc viết hỏi về tình trạng đau từ cổ đến vai và đã đi khám và điều trị thoái hóa cột sống cổ nhưng không bớt. Qua phòng khám khác bác sĩ lại giải thích là do rách chóp xoay và có chỉ định mổ. Vậy làm sao biết được đau ở vai là do rách chóp xoay hay do thoát vị đĩa đệm cổ?

Chóp xoay là nhóm gồm 4 cơ của khớp vai theo thứ tự từ trước ra sau đó là cơ dưới vai, cơ trên gai, cơ dưới gai và cơ tròn bé. Nhóm các cơ này có tác dụng giữ vững khớp vai một phần không cho trật khớp và có nhiệm vụ cử động vai giúp cho khớp vai là khớp duy nhất trong cơ thể có tầm vận động rất lớn.Khớp vai cũng là khớp được sử dụng nhiều trong suốt đời người và đây cũng chính là điểm làm cho chóp xoay dễ bị viêm hay đứt.

Khi chóp xoay bị đứt sẽ gây triệu chứng đau ở vùng vai. Cơn đau có đặc điểm đau vùng vai lan lên tới cổ, lan xuống cánh tay nhưng dừng lại ở vùng khuỷu tay trừ một số trường hợp có kèm theo viêm mõm trên lồi cầu cánh tay sẽ có cảm giác đau tới cổ tay. Đau vào ban đêm khuya đôi khi làm bệnh nhân mất ngủ, đau khi nằm nghiêng bên vai bị đau.

Rách chóp xoay sẽ dẫn tới làm bệnh nhân cử động vai khó khăn, đặc biệt khi dang tay lên tới đầu sẽ có một cung đau tức là ở một đoạn nào đấy gây đau, các đoạn còn lại không bị đau, rách nặng hơn làm bệnh nhân không giơ tay lên được hay khi giơ lên được nhưng khi hạ tay xuống sẽ bị rớt đột ngột tay mà không thể giữ lại được.

Đối với triệu chứng thoát vị đĩa đệm cổ bệnh nhân sẽ có cảm giác đau ở vai, lan lên đến sau ót, xuống tận bàn ngón tay, có thể có thể ngón tay khi bạn nghiêng đầu sang một bên. Có thể có teo cơ.

Chụp X-quang, MRI và đo điện cơ sẽ giúp bác sĩ xác định chính xác bệnh lý sau khi đã khám người bệnh và định danh được vùng bị tổn thương là vai hay cổ.

Một khi đã có chẩn đoán chính xác, việc điều trị sẽ trở nên đơn giản hơn.Nếu chóp xoay bị rách, tùy thuộc lỗ rách lớn hay nhỏ, tuổi bệnh nhân mà sẽ có những chiến lược điều trị khác nhau.Thông thường sẽ bắt đầu bằng việc điều trị bằng thuốc kháng viêm giảm đau, giãn cơ kèm thêm việc tập vật lý trị liệu làm hạ vai xuống. Tiêm corticoide vào khớp vai là một trong số phương pháp điều trị nhưng phải rất cẩn thận vì nếu bị nhiễm trùng sẽ rất tai hại.

Trong trường hợp uống thuốc không bớt hoặc chóp xoay bị rách, phương án tiếp theo sẽ là mổ khâu lại gân. Có nhiều phương pháp mổ nhưng hiện tại đa số áp dụng phương pháp làm nội soi.Phương pháp nội soi cho kết quả tương đương mổ mở nhưng làm giảm thiểu tình trạng tổn thương cơ xung quanh, thời gian hồi phục nhanh hơn.Vết mổ nhỏ hơn, ít đau sau mổ.


TS.BS. TĂNG HÀ NAM ANH
Ý kiến của bạn