Các bệnh viện từ tuyến huyện được xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người tham gia giao thông

24-08-2016 21:06 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đó là nội dung được Bộ Y tế nêu rõ về việc tăng cường xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố t, bệnh viện (BV), viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế.

Ngày 24-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã ký văn bản số 6405/BYT-KCB về việc tăng cường xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gửi Sở  Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bệnh viện (BV), viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế.

Theo đó, để tăng cường triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA về việc quy định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo các BV từ tuyến huyện trở lên có đủ các điều kiện thực hiện xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Sở Y tế đăng trên trang thông tin điện tử của đơn vị các cơ sở khám chữa bệnh có đủ điều kiện xét nghiệm nồng độ cồn trong máu. Tại cơ sở khám chữa bệnh, các bác sĩ chỉ định những trường hợp xét nghiệm nồng độ cồn trong máu theo Điều 3 của Thông tư số 26 và của người tham gia giao thông khi bị tai nạn giao thông đến các cơ sở khám, chữa bệnh. Bộ Y tế cũng yêu cầu việc thanh toán chi phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu thực hiện theo Điều 6 của Thông tư 26.

Xét nghiệm nồng độ cồn trong máu giúp đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. (Ảnh minh họa: internet)

Được biết, việc kiểm tra nồng độ cồn trong máu đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ khi tham gia giao thông góp phần  hiệu quả trong công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông. Thông qua việc người điều khiển phương tiện hoặc người bị nạn trong vụ tai nạn giao thông sau khi bị tai nạn được đưa vào cơ sở khám chữa bệnh, tại đây các bác sĩ yêu cầu xét nghiệm nồng độ cồn để làm căn cứ.

Tuy nhiên, trong thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia nhưng không được xét nghiệm kịp thời vì lý do họ không đến trình báo kịp thời tại cơ quan công an hoặc rời khỏi hiện trường, sau một thời gian nhất định mới đến cơ quan công an trình báo thì khi đó nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở không còn chính xác, thậm chí không còn. Do vậy, việc xử lý người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông gây tai nạn còn hạn chế.


Thái Bình
Ý kiến của bạn