Các bệnh viện ở Nghệ An ứng trực 24/24 giờ để cứu chữa bệnh nhân dịp nghỉ lễ.
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An (HNĐK) là đơn vị tuyến cuối của tỉnh Nghệ An cũng như các tỉnh lân cận trong khu vực. Để đảm bảo công tác cấp cứu nội viện, ngoại viện, công tác điều trị bệnh nhân nội trú trong dịp nghỉ lễ, bệnh viện đã lên kế hoạch, thành lập các tổ cấp cứu lưu động, bố trí thêm các bác sĩ trực, chuẩn bị cơ số thuốc cấp cứu, trang thiết bị tại các khoa trọng điểm để xử lý các trường hợp nặng đến viện. Đồng thời hỗ trợ công tác cấp cứu cho tuyến dưới trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm hoạ, tai nạn giao thông hàng loạt...
BSCKI Đặng Ngọc Anh – Phó Khoa Cấp cứu Bệnh viện HNĐK Nghệ An cho biết, trong 2 ngày nghỉ lễ vừa qua, các y bác sĩ trong khoa đã làm việc xuyên đêm tiếp nhận nhiều bệnh nhân vào cấp cứu. Lãnh đạo bệnh viện đã lường trước được vấn đề, chủ động tăng cường bác sĩ trực nên công tác cứu chữa cho bệnh nhân đều diễn ra suôn sẻ. 100% khoa, phòng đều mở cửa, hoạt động như thường nhật, đảm bảo tốt công tác khám, điều trị, cấp cứu...
"Tại khoa luôn thường trực 7 bác sĩ và 11 điều dưỡng làm việc liên tục 24/24 giờ. Trong 2 ngày nghỉ lễ vừa qua, khoa tiếp nhận hơn 400 bệnh nhân. Trong đó, bệnh nhân nặng chuyển hồi sức nội 11 ca, hồi sức ngoại 5 ca, chấn thương chỉnh hình 11 ca…" – BS. Ngọc Anh thông tin.
Tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, các phòng, khoa tại bệnh viện cũng làm việc như thường lệ để tiếp nhận, điều trị cho các bệnh nhân. Tại Khoa Cấp cứu, số bệnh nhân đến điều trị nhiều nhưng các bác sĩ luôn ứng trực, xử trí kịp thời.
Trước đó, để đảm bảo công tác y tế trong dịp lễ Quốc khánh 2/9, Sở Y tế Nghệ An có Công văn số 2749/SYT-NVY về việc đảm bảo công tác y tế trong dịp nghỉ lễ. Giám đốc Sở Y tế Nghệ An yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc cấp cứu, khám, chữa bệnh, dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ trường hợp cấp cứu. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cần xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác.
Các cơ sở khám, chữa bệnh phân công thường trực cấp cứu ngoại viện, sẵn sàng và khẩn trương ứng phó trong trường hợp cấp cứu tai nạn hàng loạt, tai nạn giao thông nghiêm trọng, thảm họa tập trung đông người. Đảm bảo thường trực đường dây nóng 24/24h sẵn sàng chỉ đạo, phối hợp, chi viện, ứng cứu trong trường hợp cần thiết; thực hiện báo cáo hàng ngày tình hình khám, chữa bệnh, cấp cứu tai nạn giao thông và danh sách ca tử vong.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, thành, thị chủ động tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tập trung vào các vùng có nguy cơ cao; kiểm tra chặt chẽ khách nhập cảnh từ các vùng có dịch vào Nghệ An. Củng cố các đội cơ động chống dịch, bố trí thường trực 24/24h và chuẩn bị đầy đủ thuốc men, hóa chất, phương tiện, dụng cụ y tế để sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh.
Chi cục An toàn thực phẩm chú trọng công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt, chú ý nơi chế biến, sản xuất các mặt hàng phục vụ đợt nghỉ lễ và những nơi có bếp ăn tập thể (khu công nghiệp, khu chế xuất…); kiên quyết xử lý những cơ sở vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành.
Giám đốc các đơn vị y tế tổ chức trực đầy đủ 4 cấp; thường xuyên nắm tình hình và kịp thời báo cáo những vấn đề nổi cộm, đột xuất phát sinh xảy ra trong dịp nghỉ lễ.