Không phải tự chủ là tự ý tăng giá
Theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ, 4 bệnh viện hạng đặc biệt của cả nước thuộc Bộ Y tế (gồm BV Bạch Mai, BV Việt Đức, BV K và BV Chợ Rẫy) sẽ tự chủ hoàn toàn sau khi Đề án tự chủ được Chính phủ cho phép.
Mục tiêu của Đề án nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của bệnh viện; nâng cao năng lực, chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân; duy trì và phát triển các trung tâm kỹ thuật cao, phục vụ không chỉ cho người Việt Nam mà cả người nước ngoài; bảo đảm quyền lợi cho đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách, nhất là bệnh nhân nghèo, bệnh nhân thuộc diện khó khăn trong tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí hợp lý…
Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng được người dân rất quan tâm, đó là khi tự chủ thì giá dịch vụ y tế ở những cơ sở này được tính như thế nào và các bệnh viện có quyền được tăng giá “vô tội vạ” hay không?
Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế khẳng định, hoàn toàn không có việc các bệnh viện tự chủ thì cứ tự động tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh, mà phải thực hiện theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế. Hàng năm, sẽ có cơ quan kiểm tra giám sát, kiểm toán nhà nước thực hiện thanh, kiểm tra vấn đề tài chính của các cơ sở này.
Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế.
"Đối với 4 bệnh viện được tự chủ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ đều là các bệnh viện của nhà nước, có vốn đầu tư ban đầu tư của nhà nước và khi được giao tự chủ, các bệnh viện này mới tự đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư. Khi đó, nhà nước sẽ không đầu tư mới, mà các bệnh viện sẽ phải tự lo đầu tư.
Chính vì vậy, đây vẫn là các bệnh viện công của nhà nước, không phải là doanh nghiệp. Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của các bệnh viện này là phải khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và vẫn phải thực hiện mức giá theo Bộ Y tế quy định, không được thu cao hơn” - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính nói.
Sẽ quy định khung giá tối đa về giá dịch vụ theo yêu cầu
Bộ Y tế cũng đang xây dựng Thông tư quy định khung giá tối đa về giá dịch vụ theo yêu cầu và sẽ hoàn thành trong thời gian sớm tới để giao các đơn vị có thực hiện khám chữa bệnh dịch vụ theo yêu cầu triển khai, trong đó có 4 bệnh viện lớn trên.
Ông Nguyễn Nam Liên cũng nhấn mạnh, dự thảo Thông tư này khi được ban hành chỉ là hướng dẫn xây dựng giá và khung giá quy định, còn giá cụ thể của dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu vẫn do các bệnh viện tự quyết trong khung, vì giá này phụ thuộc vào từng bệnh viện và các loại dịch vụ khác nhau.
Chẳng hạn như giá giường bệnh cũng có nhiều mức. Với dự thảo Thông tư này, giá giường bệnh đang đưa ra tối đa là 4 triệu đồng/người/phòng. Giá này là đã tính đầy đủ chi phí của một giường bệnh hết sức đặc biệt như giường điều trị hồi sức cấp cứu, giường điều trị tích cực… có nhân viên phải chăm sóc và theo dõi 24/24 giờ. Và đó là giá giường dịch vụ theo yêu cầu.
Cần quản lý tốt, tránh trục lợi tại cơ sở y tế
Bàn về tự chủ bệnh viện, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, tự chủ bệnh viện là thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương về đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có ngành y tế.
Tự chủ trong ngành y tế phải giải quyết được 2 vấn đề, đó là đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; đơn vị tự chủ hoàn toàn được quyết định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu, bộ máy, vấn đề tài chính, để mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ nhân dân, không bị ràng buộc bởi cơ quan quản lý.
Đặc biệt, tự chủ không phải là làm khó khăn cho người bệnh và làm giá cả tăng lên mà mục tiêu là phải tạo ra cơ chế thông thoáng, cởi mở và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.
Tự chủ bệnh viện nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, khi được giao quyền tự chủ, tức là các bệnh viện có quyền tự quyết định, vì vậy nếu không quản lý tốt, có thể sẽ dẫn đến tình trạng trục lợi tại các cơ sở y tế, tình trạng tận thu hay làm giá khám chữa bệnh tăng cao. Đây là vấn đề rất quan trọng và việc xử lý vấn đề này thể hiện tinh thần rất trách nhiệm của các bệnh viện khi được giao tự chủ - ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, 4 bệnh viện trên đều đã có thương hiệu, là tuyến “đầu tàu” của cả nước, nên các bệnh viện phải lưu ý khi tính giá dịch vụ vẫn phải đảm bảo nhiệm vụ chính trị quan trọng, phải là hạt nhân chuyển giao dịch vụ kỹ thuật cho tuyến dưới, chứ không vì tự chủ mà tập trung vào vấn đề lợi nhuận, như thế là không đúng với tính thần Nghị quyết của Trung ương.
Dự thảo Thông tư trên của Bộ Y tế là rất cần thiết và cần sớm ban hành. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần phải đáp ứng nhu cầu của người bệnh hiện nay, đó là xây dựng các gói dịch vụ bảo hiểm y tế ngoài gói bảo hiểm y tế cơ bản hiện nay, để dù có xã hội hóa hay tự chủ thì quyền lợi của người có thẻ BHYT hay không có thẻ BHYT phải được hưởng lợi như nhau. Vì người dân có nhu cầu, nguyện vọng được chăm sóc tốt hơn thì sẽ phải trả dịch vụ cao hơn. Điều này nếu các Bộ Y tế và bệnh viện làm được thì rất đáng hoan nghênh và Bộ Y tế nên trao các bệnh viện cơ chế như vậy.
Được biết, hiện tại, Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cũng đang xây dựng các gói BHYT bổ sung – các gói này sẽ bao phủ phần còn lại mà gói BHYT cơ bản hiện nay chưa chi trả.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền - Phó Giám đốc BV, về cơ cấu tổ chức bộ máy, bệnh viện cũng đã thành lập thêm một số đơn vị, ví dụ như Phòng Quản lý chất lượng để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; thành lập một số khoa mới để phát triển chuyên môn như Khoa Phẫu thuật Thần kinh - Sọ não, khoa Chấn thương Chỉnh hình và Cột sống; khoa Phẫu thuật lồng ngực...
Về đào tạo, BV cũng có kế hoạch đào tạo gửi cán bộ đi đào tạo trong và ngoài nước, kể cả cán bộ cán bộ quản lý để nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Về cơ sở hạ tầng, BV cũng đã có kế hoạch xây dựng và sắp tới đưa một trung tâm khám bệnh với công suất 6.000 bệnh nhân một ngày vào sử dụng. Đồng thời đang chuẩn bị công tác để tiếp nhận cơ sở 2 ở Hà Nam với công suất 1.000 giường bệnh nội trú, bệnh nhân ngoại trú vào hoạt động.