Các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành thống nhất kiến nghị tiếp tục do Bộ Y tế quản lý

01-08-2023 12:42 | Y tế

SKĐS - Tại buổi làm việc của Bộ Y tế với lãnh đạo các bệnh viện trực thuộc Bộ trên địa bàn Hà Nội về công tác khám chữa bệnh và việc sắp xếp các bệnh viện trực thuộc Bộ theo dự thảo Luật Thủ đô, lãnh đạo các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành đều thống nhất kiến nghị tiếp tục do Bộ Y tế quản lý.

GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì buổi làm việc diễn ra chiều 31/7 với sự tham dự của lãnh đạo các Cục/Vụ/Viện liên quan và lãnh đạo các bệnh viện trung ương trên địa bàn Hà Nội.

Các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành thống nhất kiến nghị tiếp tục do Bộ Y tế quản lý  - Ảnh 1.

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại cuộc họp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh các nội dung trong dự thảo Luật Thủ đô liên quan đến công tác y tế đều rất quan trọng và cần được cân nhắc kỹ, vì vậy nhân cuộc họp với các bệnh viện, Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện có ý kiến về nội dung dự thảo của Luật Thủ đô về việc "chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện các trường đại học".

Tại buổi làm việc, tất cả các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội, cũng như các Vụ, Cục, đơn vị của Bộ Y tế đều thống nhất chung một quan điểm cần thiết giữ lại là các đơn vị trực thuộc Bộ, do Bộ quản lý trên địa bàn Hà Nội vì sự phát triển chung của ngành y trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên toàn quốc.

Các đại biểu đưa ra một số lý do để tổng hợp và gửi Ban Soạn thảo dự án Luật Thủ đô cũng như các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét.

Các bệnh viện trung ương đủ tiêu chí giữ lại trực thuộc Bộ Y tế quản lý theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, theo đó thì việc sắp xếp là "chuyển dần các bệnh viện thuộc Bộ Y tế và các bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về địa phương quản lý (trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện của các trường đại học)".

Các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành thống nhất kiến nghị tiếp tục do Bộ Y tế quản lý  - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chủ trì cuộc họp.

Các ý kiến phân tích cho thấy, các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành do Bộ Y tế quản lý là các cơ sở y tế đầu ngành của cả nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì là cơ sở y tế đầu ngành nên ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân trên toàn quốc, các bệnh viện này còn chăm sóc sức khỏe ngay tại chỗ cho khoảng 10 triệu người dân Hà Nội.

Một nhiệm vụ rất quan trọng là chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương theo sự phân công, điều động, phối hợp của Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương. Theo Nghị quyết 19 thì các bệnh viện này đủ tiêu chí giữ lại trực thuộc Bộ.

Vai trò của bệnh viện trung ương trực thuộc Bộ trong đào tạo nhân lực y tế, trong công tác chỉ đạo tuyến, đào tạo thực hành cho cán bộ y tế, tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới từ các nước phát triển

Tại buổi làm việc, tất cả các ý kiến tham luận của lãnh đạo các bệnh viện Răng – Hàm – Mặt Trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện E, Bệnh viện K, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương… đều thống nhất quan điểm: Các bệnh viện trung ương hiện nay bên cạnh công tác khám chữa bệnh tuyến cuối, còn thực hiện các nhiệm vụ quan trọng khác là đào tạo, chỉ đạo tuyến; cập nhật các kỹ thuật tiên tiến của thế giới về thực hiện nhuần nhuyễn trước khi chuyển giao cho tuyến dưới, hợp tác quốc tế… Vì vậy là đơn vị trực thuộc Bộ sẽ có vị thế hơn rất trong việc hợp tác quốc tế và tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển.

Các bệnh viện trực thuộc Bộ còn là cánh tay nối dài của Bộ Y tế trong hoạt động khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh. Qua dịch COVID-19, do Tây Nguyên chưa có bệnh viện Trung ương tại vùng, nên Bộ Y tế đã đề nghị và được Bộ Chính trị đồng ý thông qua Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có việc xây dựng Bệnh viện đa khoa Trung ương Tây Nguyên, hiện Bộ Y tế đang gấp rút triển khai.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ nêu thực trạng, sau khi đi khảo sát, tham gia trực tiếp công tác phòng chống dịch COVID-19 ở phía Nam và Tây Nguyên cho thấy, ngay chỉ một chuyên ngành hồi sức tích cực cả vùng Tây Nam Bộ, Tây Nguyên gần như 'trắng', do đó nếu không có các bệnh viện chuyên khoa, đặc biệt, đầu ngành của Bộ Y tế chỉ đạo tuyến, sẽ khó cho công tác chỉ đạo tuyến cũng như công tác bảo vệ, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đại diện lãnh đạo các Vụ/Cục/Viện của Bộ Y tế tham luận tại cuộc họp đều nhấn mạnh thống nhất chung một quan điểm cần thiết giữ lại là các đơn vị trực thuộc Bộ, do Bộ quản lý trên địa bàn Hà Nội.

Theo ông Cơ, trên thế giới, hầu hết các nước phát triển có nhiều bệnh viện tư, nhưng họ vẫn có 20-30% bệnh viện công do Chính phủ trực tiếp quản lý để làm công tác an sinh xã hội.

"Với vai trò là giám đốc Câu lạc bộ các bệnh viện phía Bắc, qua trao đổi với nhiều lãnh đạo bệnh viện tuyến tỉnh, tôi đều nhận được thông tin đề nghị các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành của Bộ vẫn tiếp tục do Bộ Y tế quản lý để đảm bảo sự chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương. Đồng thời các tỉnh cũng băn khoăn nếu bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chuyển về Hà Nội quản lý, lúc đó công tác chỉ đạo tuyến sẽ thế nào? Rồi mối quan hệ giữa bệnh viện các tỉnh với bệnh viện của Hà Nội sẽ thế nào?"- ông Đào Xuân Cơ nói thêm.

Giám đốc Bệnh viện E Nguyễn Công Hựu cho hay, các bệnh viện trung ương đều là các cơ sở đào tạo thực hành cho các cơ sở đào tạo tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, trong đó có nhiều cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng như Trường Đại học Y Hà Nội. "Hiện Bệnh viện E đang là cơ sở thực hành của Trường Đại học Y Hà Nội và Trường Đại học Y Dược – ĐH Quốc gia Hà Nội. Vậỵ nếu chuyển về trực thuộc Hà Nội, công tác đào tạo thực hành của các trường này có bị ảnh hưởng?" - ông Hựu băn khoăn.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa bày tỏ đồng thuận với ý kiến của lãnh đạo các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành về việc "tiếp tục do Bộ Y tế quản lý". Theo ông Khoa, các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành là những cơ sở đầu tiên tiếp cận với y học quốc tế. Các bệnh viện là của Bộ Y tế sẽ mang tầm quốc gia, sẽ có vị thế lớn trong việc nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, đặc biệt trong việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật từ các nước phát triển trên thế giới, sau tiếp nhận sẽ chuyển giao cho tuyến dưới được thuận lợi hơn.

Tác động đến hệ thống y tế chung của cả nước và y tế Hà Nội

Các ý kiến tham dự buổi làm việc đều thống nhất chung về việc "hệ thống đang vận động tốt, ổn định thì không nên có sự xáo trộn vì sẽ ảnh hưởng đến cả công cuộc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân".

Với mô hình do Bộ Y tế quản lý, ưu tiên hàng đầu của các cơ sở y tế tuyến cuối là cung ứng dịch vụ chăm sóc chuyên sâu và hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh khó khăn thì với mô hình do Hà Nội quản lý, ưu tiên hàng đầu sẽ dành cho việc phục vụ cộng đồng dân cư Thủ đô. Điều này sẽ dẫn tới nguy cơ gia tăng khoảng cách chênh lệch về năng lực y tế cũng như thực trạng sức khỏe giữa Hà Nội, vùng Thủ đô với những tỉnh trung du, miền núi (vốn đang được các cơ sở y tế tuyến cuối của Bộ Y tế bù đắp).

Thực tiễn trong đợt dịch COVID-19 bùng phát ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam, để kịp thời hỗ trợ các địa phương về công tác điều trị, Bộ Y tế đã ngay lập tức huy động các Bệnh viện tuyến trung ương, chuyên khoa, đầu ngành do Bộ Y tế quản lý để thiết lập 10 Trung tâm Hồi sức tích cực tại các tỉnh, thành phía Nam.

Do đó, các y kiến tham dự buổi làm việc đều cho rằng: Nếu chuyển các Bệnh viện Trung ương về Hà Nội quản lý cũng sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực tới khả năng điều phối nhanh của Bộ Y tế trong trường hợp khẩn cấp về y tế, thay vì có thể nhanh chóng điều động nguồn lực sẵn có của mình, Bộ Y tế sẽ phải tham vấn với UBND Hà Nội để huy động các nguồn lực y tế của Hà Nội nhằm hỗ trợ các địa phương khác.

Cùng đó, khi chuyển các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành do Bộ Y tế đang quản lý về Hà Nội sẽ gây một số tác động không chỉ tác động đến hệ thống y tế chung cả nước mà còn tác động trực tiếp tới hệ thống y tế Hà Nội. Việc gia tăng nhanh chóng số giường bệnh chăm sóc chuyên sâu tuyến cuối có thể làm hệ thống Y tế Hà Nội mất cân đối (do tỷ trọng giường bệnh chuyên sâu trên tổng giường bệnh cao) và có nguy cơ dư thừa cung dịch vụ chăm sóc chuyên sâu so với dân số phục vụ và điều này không phù hợp với mục tiêu xây dựng hệ thống Y tế Thủ đô phát triển hiện đại và phù hợp với quy mô dân số.

Có sự chồng chéo đối với y tế của Hà Nội

Đại diện lãnh đạo một số bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành do Bộ Y tế quản lý phát biểu đều nhấn mạnh thống nhất chung một quan điểm cần thiết giữ lại là các đơn vị trực thuộc Bộ, do Bộ quản lý trên địa bàn Hà Nội.

Theo các đại biểu, con số 30 bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành do Bộ Y tế quản lý rất ít so với tổng số 1.500 bệnh viện trên toàn quốc. Như vậy Bộ Y tế chỉ quản lý 2% số bệnh viện trong cả nước, trong khi hiện nay Hà Nội quản lý hơn 100 bệnh viện công và tư cùng với hơn 4.000 phòng khám. Chưa kể quản lý hàng ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh dược, trang thiết bị, các cơ sở y tế khối dự phòng, kiểm nghiệm…

Do đó, việc tăng thêm nhiều cơ sở y tế với quy mô tương đối lớn có thể làm phức tạp hơn vấn đề quản trị hệ thống Y tế Thủ đô, vốn đã có số lượng cơ sở y tế (cả công lập và tư nhân) rất lớn, thậm chí số bệnh viện hiện có của Hà Nội còn lớn hơn tổng số bệnh viện của Bộ Y tế trên cả nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh Hà Nội cũng đã có hệ thống các bệnh viện chuyên khoa tương tự (như Bệnh viện Tim, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Y học cổ truyền…), việc đưa các bệnh viện chuyên khoa của Bộ Y tế sẽ cần cân nhắc kỹ vì sẽ có sự chồng chéo rất lớn mà rất khó giải quyết.

Về đầu tư phát triển, hiện nay, Hà Nội cũng đang có những đầu tư bệnh viện vùng, bệnh viện khu vực tại một số địa điểm, nên nếu đưa các bệnh viện trung ương về thành phố Hà Nội quản lý sẽ gây ra sự chồng chéo, cần cân nhắc kỹ lưỡng việc có nên tiếp tục triển khai các dự án của Hà Nội.

Việc chuyển các đơn vị về trực thuộc Hà Nội sẽ làm giảm đầu mối của Bộ, nhưng đồng thời lại làm tăng đầu mối của địa phương. Như vậy số đơn vị, số đầu mối không thay đổi. Bên cạnh đó theo Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới có nêu "Thí điểm hình thành chuỗi các bệnh viện", và để thực hiện nhiệm vụ này thì các bệnh viện trung ương giữ vai trò nòng cốt, hạt nhân. Dưới sự quản lý thống nhất của Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến trung ương sẽ có điều kiện thuận lợi để triển khai mô hình chuỗi bệnh viện. Hiện Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai đang hướng đến thực hiện thí điểm mô hình này.

Lắng nghe và ghi nhận ý kiến các đơn vị tham gia buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh: Tất cả các ý kiến của các lãnh đạo bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành do Bộ Y tế quản lý và các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ đều đồng thuận và mong muốn vẫn tiếp tục ở lại Bộ Y tế quản lý vì mô hình đang ổn định và đáp ứng được nhiệm vụ Bộ Y tế giao trong thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế là bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành đều đủ tiêu chí ở lại Bộ Y tế theo như tinh thần của Nghị quyết 19. Riêng Bệnh viện E là Bệnh viện đa khoa tuy nhiên lại là bệnh viện đầu ngành chỉ đạo tuyến về chuyên khoa ngoại tim mạch.

"Các mô hình hiện tại phát huy hiệu quả với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân"- Thứ trưởng nói và giao các đơn vị liên quan nhanh chóng hoàn thiện bản dự thảo có đầy đủ ý kiến của các đơn vị và bệnh viện trình lãnh đạo Bộ báo cáo cấp có thẩm quyền.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Thầy thuốc ngoại khoa Việt Nam làm chủ nhiều kỹ thuật cao, hồi sinh sự sống cho hàng nghìn người bệnhThứ trưởng Bộ Y tế: Thầy thuốc ngoại khoa Việt Nam làm chủ nhiều kỹ thuật cao, hồi sinh sự sống cho hàng nghìn người bệnh

SKĐS - Một ca mổ đứng căng thẳng vài tiếng đồng hồ, thậm chí hàng chục tiếng... nhưng các thầy thuốc ngoại khoa vẫn phải tìm cách cống hiến, để thêm nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật khó ra đời, góp phần khẳng định ngoại khoa Việt Nam đã cập nhật hết các thế mạnh của ngành ngoại khoa trên toàn thể giới...


Thái Bình/Ảnh: Trần Minh
Ý kiến của bạn