(SKDS) - Thời kì mang thai là một trong những giai đoạn có ý nghĩa và hạnh phúc nhất của mỗi một người phụ nữ. Khi bào thai phát triển ở trong tử cung, cơ thể người mẹ cũng trải qua những biến đổi về miễn dịch, nội tiết, mạch máu và biến dưỡng. Chính những sự thay đổi này có thể làm trầm trọng thêm những bệnh lí đã có hoặc khởi phát các bệnh da mới.
Những biến đổi sinh lý của da
Gia tăng mạch máu và lượng máu trong thời kỳ mang thai. Bàn tay đỏ và u máu hình sao thường xảy ra, giãn mạch ở cẳng chân cũng thường thấy là do sự gia tăng áp lực ổ bụng từ bào thai. U máu cũng lớn ra và u hạt sinh mủ thường xảy ra hơn.
Tình trạng tăng sắc tố có thể xảy ra do sự gia tăng lượng hormone kích tạo tế bào hắc tố như oestrogen và progesterone trong thai kỳ. Tăng sắc tố này thường biểu hiện là những đường đen dưới rốn, sinh dục và quầng vú. Tàn nhang và nốt ruồi cũng có thể đậm hơn nhưng sẽ phai dần sau khi sinh. Nám da có thể xuất hiện hoặc nặng lên trong thai kỳ cũng như trong thời kỳ hậu sản.
Những vết rạn da xuất hiện trong thai kỳ thường là những dải teo da màu hồng ở bụng, ở đùi và đôi lúc ở vú. Chúng sẽ phai dần sau khi sinh trở thành những đường teo da nhạt màu. Những yếu tố hormone như hormone vỏ tuyến thượng thận và oestrogen cùng làm gia tăng sức nén ở mô liên kết, sự căng phồng những phần khác của cơ thể có thể góp phần hình thành vết rạn.
Những biến đổi khác thường thấy trong thai kỳ bao gồm sẩn ngứa thai kỳ, sự gia tăng rụng tóc. Ngoài ra tuyến bã cũng tăng cường hoạt động.
Những bệnh da có sẵn nặng lên trong thai kỳ
Có nhiều bệnh da sẽ nặng lên trong thai kỳ, các bệnh này được chia làm ba nhóm gồm nhóm những bệnh viêm như viêm da cơ địa, vảy nến; những bệnh nhiễm trùng như lao da, nấm candida; những bệnh tự miễn như bệnh lupus đỏ, bệnh pemphigus, bệnh xơ cứng bì hệ thống; những u ở da như u hắc tố, sẹo lồi, u xơ ở da.
Khi bào thai phát triển, cơ thể người mẹ cũng trải qua các biến đổi về miễn dịch |
Các bệnh da đặc hiệu trong thai kỳ
Phát ban đa dạng ở phụ nữ mang thai: Phát ban đa dạng ở phụ nữ mang thai trước đây còn được gọi là những mảng và sẩn phù ngứa ở người mang thai (pruritic urticarial papules and plaques of pregnancy-PUPPP). Bệnh thường xảy ra trong lần mang thai đầu tiên và khởi phát muộn, vào 3 tháng cuối thai kỳ, trung bình ở tuần thứ 35, đôi lúc sau sinh. Bệnh thường khởi phát đột ngột, bắt đầu ở vùng bụng chiếm 90% trường hợp, vài ngày sau có thể lan ra đối xứng hai mông, cánh tay và mu bàn tay. Mặt không bị ảnh hưởng. Thương tổn khởi đầu là những sẩn đỏ có một vòng màu tím bao quanh, số lượng thương tổn gia tăng và dính liền nhau tạo thành những mảng phù đỏ hoặc có hình bia bắn giống như hồng ban đa dạng. Đôi lúc xuất hiện những sẩn huyết thanh. Bệnh kéo dài trung bình trong vòng 6 tuần thường có ngứa vừa đến ngứa dữ dội.
Có thể khẳng định với người mẹ mang thai rằng ngứa sẽ hết nhanh trước hoặc sau khi sinh. Dùng các thuốc chống ngứa tại chỗ như menthol, doxepin hoặc corticoid nhóm V thường mang lại hiệu quả. Dùng prednisone 40mg/ngày khi có ngứa dữ dội. Nhiều trường hợp điều trị thành công với liệu pháp UVB.
Bọng nước dạng pemphigus thời kỳ mang thai
Trong những trường hợp nhẹ bệnh có thể đáp ứng với corticoid bôi tại chỗ, có thể uống kháng histamine hoặc không. Tiên lượng tốt nhưng ở những trẻ sinh thiếu tháng có thể mắc bệnh này.
Vảy nến thể mủ ở thời kì mang thai
Bệnh này từng được gọi là chốc dạng herpes. Biểu hiện lâm sàng và mô bệnh học gần như không thể phân biệt được với vảy nến mủ của von Zumbusch. Bệnh nhân có thể có hoặc không có tiền sử bệnh vảy nến. Bệnh thường xảy ra trong 3 tháng cuối của thai kỳ. Biểu hiện lâm sàng bao gồm những dát và mảng đỏ, bờ có những mụn mủ. Thương tổn hay gặp tại nếp gấp và thân mình. Người bệnh thường có những dấu hiệu đau cấp tính kèm theo sốt và những triệu chứng cơ năng khác.
Xét nghiệm máu có bạch cầu, tốc độ lắng máu tăng cao và giảm canxi máu. Mô bệnh học giống như vảy nến thể mủ với sự tập trung bạch cầu trung tính ở dưới lớp sừng.
Điều trị bằng corticoid toàn thân. Bệnh này thường tái phát vào đầu thai kỳ của những lần mang thai kế tiếp và ngày càng trầm trọng hơn. Thai chết lưu và suy thai đôi lúc cũng xảy ra.
Sẩn ngứa thai kì
Hiện nay sẩn ngứa thai kì được phân vào nhóm phát ban cơ địa ở giai đoạn mang thai. Bệnh thường xảy ra ở 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ bao gồm những sẩn đỏ, những vết xước ở bụng và mặt duỗi tứ chi. Miễn dịch huỳnh quang trực tiếp âm tính. Điều trị triệu chứng bằng corticoid tại chỗ và kháng histamine. Thương tổn giảm sau khi sinh và thường không tái phát ở những lần mang thai sau.
Để cho thai kì được an vui và trọn vẹn thai phụ cần hiểu rằng có nhiều biến đổi sinh lý cũng như bệnh lí trong thời kì này. Do vậy nếu phát hiện có những bất thường nào ở da, người bệnh nên đến gặp thầy thuốc chuyên khoa da liễu càng sớm càng tốt để được khám, tư vấn và hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lí, an toàn cho cả mẹ lẫn con.
BS. Hà Nguyên Hào