Ở người già, ngoài việc sức đề kháng bị suy giảm thì sợi tạo keo và sợi liên kết của da cũng bị xơ hóa, chức năng tuyến bã và tuyến mồ hôi cũng bị suy giảm đáng kể. Cùng với đó là sự thay đổi màu sắc của da, mạch máu nhỏ bị vỡ gây xuất huyết trên da, mạch máu tắc nghẽn làm thiếu máu nuôi dưỡng, ngứa, các loại u bướu… Vì thế người già rất dễ gặp các bệnh như khô da, ngứa, dày sừng da, sừng hóa da, zona…
Thế nào là da bị lão hóa?
Da là một cơ quan đặc biệt của con người. Nó bao phủ hầu hết bề mặt của cơ thể. Ở người già, ngoài việc sức đề kháng bị suy giảm thì sợi tạo keo và sợi liên kết của da cũng bị xơ hóa, chức năng tuyến bã và tuyến mồ hôi cũng bị suy giảm đáng kể, do đó, da của người cao tuổi trở nên nhăn nheo, giảm tính đàn hồi, khô hơn. Các biểu hiện của lão hóa ở người cao tuổi có thể nhận biết là: da khô, nhăn nheo; da có màu vàng nhạt, không còn hồng hào như trước; trên da xuất hiện nám da, đồi mồi...
Các loại bệnh ngoài da
Ngứa tuổi già: ngứa da ở người cao tuổi là ngứa đơn thuần không do các bệnh toàn thân khác gây nên, ngứa gãi nhiều làm da bị trầy xước và có chỗ bị dày lên; khi rơi vào trường hợp này, bệnh nhân cần làm các xét nghiệm để chẩn đoán phân biệt về công thức máu, chức năng gan, thận,...
Mụn cơm: thường xuất hiện ở vị trí lưng, cổ. Mụn cơm là một nốt sẩn gồ cao lên có hình bầu dục hoặc hình tròn, kích thước khá lớn (từ 10 – 20 mm), màu vàng xám, số lượng mụn cơm có khi chỉ một mụn, nhưng có khi gặp nhiều mụn.
Zona (bệnh zona thần kinh): bệnh thường chỉ xảy ra một bên của cơ thể do gây tổn thương các rễ thần kinh. Người bệnh sốt, đau, rát, ngứa ở vùng da bị zona, sau một vài ngày, tại vùng da bệnh xuất hiện một mảng dát màu hồng đỏ, có các mụn nước mọc lên từng chùm sát vào nhau hoặc thành mảng. Hơn 2/3 trường hợp bệnh zona xảy ra ở những người trên 50 tuổi do sức đề kháng suy giảm, virut herpes zoster sống tiềm ẩn trong hạch tủy sống di chuyển ra ngoài da và gây bệnh.
Vảy nến: bệnh thường xảy ra từng đợt, các đám da màu đỏ, kích thước khác nhau, ranh giới rất rõ, hơi gồ cao trên mặt da, nền cứng, có khi vảy trắng màu trắng đục, bóng giống như màu nến trắng. Vảy của bệnh có nhiều tầng, nhiều lớp và rất dễ bong ra và vảy tạo ra rất nhanh, bong lớp này thì xuất hiện lớp khác.
Bệnh bạch biến: bạch biến là tình trạng mất hắc tố melanin của da, làm da có màu trắng giống tờ giấy trắng, lúc đầu chỉ thấy ở một vùng nhỏ ở bất cứ đâu trên cơ thể, sau đó có thêm nhiều chỗ khác, chúng thường lan rộng ra và liên kết với nhau thành vùng lớn, có khi toàn thân và lông tóc đều bị trắng hoàn toàn.
Bệnh dày sừng da (đồi mồi): loại bệnh này rất hay gặp ở người già. Trên da người già sẽ xuất hiện một số nơi bị tăng sừng, trên bề mặt khô, nhám, kích thước nhỏ hơn 10mm và có màu vàng, nâu sẫm. Vị trí hay gặp dày sừng da là những vùng da hay tiếp xúc với ánh sáng mặt trời như lưng, bàn tay, cổ, mặt….
Những chấn thương nhẹ đến da làm vỡ các mạch máu nhỏ dưới da và hình thành các ban xuất huyết. Những mạch máu này có collagen suy yếu thường gặp ở phụ nữ hay những người có da phơi nắng lâu ngày. Các ban xuất huyết sẽ tự phân giải và dần mờ sau 2 - 3 tuần. Vị trí thường xảy ra tình trạng mạch máu ở da là ở mặt duỗi của tay và chân.
Ngoài ra, người già còn mắc một số bệnh như loét da, bệnh tự miễn, bệnh da đỏ toàn thân tróc vảy, lang ben, hắc lào hoặc ung thư da nhưng tỷ lệ gặp ít hơn. Bệnh lang ben, hắc lào là những bệnh do nấm, hay xảy ra vào mùa hè nắng nóng bởi vì da ra mồ hôi nhiều tạo điều kiện cho nấm phát triển.
Biểu hiện trên da người già rất đa dạng, có thể hoàn toàn lành tính hoặc biểu hiện của một bệnh bên trong cơ thể, cũng có thể là ác tính. Do đó, khi phát hiện những bất thường về da người già nên đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chữa trị kịp thời.
TS.Vũ Trường