Bộ Y tế cũng cho biết, các bệnh dịch lưu hành trên cả nước ổn định, không ghi nhận bệnh dịch có số mắc gia tăng đột biến. Các bệnh lưu hành chủ yếu như sốt xuất huyết, tay chân miệng… đều có xu hướng giảm, so với cùng kỳ năm 2019. Số mắc sốt xuất huyết giảm 46%, tay chân miệng giảm 44%, sốt phát ban nghi sởi giảm 76%, số trường hợp dương tính với sởi giảm 16 lần, các dịch bệnh khác ổn định, không ghi nhận các ổ dịch tập trung tại cộng đồng.
Các bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2019 (ảnh minh hoạ)
Theo đó, để kiểm tra sự chủ động, sẵn sàng trong công tác đáp ứng, phòng chống trước mùa dịch, đặc biệt tại khu vực miền Trung, ngày 19/2/2019, Cục Y tế dự phòng đã đi kiểm tra tình hình dịch bệnh và công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó dịch tại khu vực miền Trung (Quy Nhơn, Bình Định).
Kết quả cho thấy tình hình dịch hiện đang được kiểm soát tốt. So với cùng kỳ năm 2019, trên toàn khu vực số bệnh nhân sốt rét giảm 65%, tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét giảm 63%, không có sốt rét ác tính và không có tử vong do sốt rét; số mắc sốt xuất huyết giảm 21%, những tỉnh có số mắc sốt xuất huyết cao ở cuối năm 2019 là Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị đã có xu hướng giảm mạnh trong các tuần gần đây, các dịch bệnh khác ổn định không có gì đặc biệt. Công tác phòng chống dịch cũng đã và đang được triển khai chủ động và đồng bộ.
Trong đợt kiểm tra, đoàn công tác chỉ đạo khu vực miền Trung tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, phát hiện sớm và khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để, không để lây lan, bùng phát, tăng cường các biện pháp giảm mắc, giảm tử vong, tập huấn và truyền thông phòng chống dịch bệnh.
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), ở nước ta các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét… là những bệnh dịch lưu hành, nhiều dịch bệnh có tính chất phát triển theo mùa, vì vậy công tác phòng, chống trước mùa dịch để giảm tối đa số mắc và tử vong là rất quan trọng.
Do đó, để tiếp tục chủ động kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm ngay từ đầu năm, đề nghị mỗi người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế như: Tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, duy trì diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy hàng tuần, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân… để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.
Cùng với đó, các cơ quan y tế dự phòng thường xuyên giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch và tham mưu cho các cấp chính quyền, phối hợp với các ban ngành đoàn thể và toàn dân có các biện pháp kịp thời.