Hà Nội

Các bệnh thường gặp ở trẻ

08-08-2017 14:10 | Đời sống
google news

SKĐS - Thông thường, trẻ từ 6 tháng tuổi trở ra, sau khi kháng thể từ mẹ truyền sang cho dần giảm bớt thì trẻ hay bị mắc các bệnh nhiễm trùng.

Mặc dù việc ốm đau của trẻ thường khiến các bậc cha mẹ lo lắng, nhưng việc mắc bệnh này của trẻ không hoàn toàn xấu, bởi đây là dịp kích hoạt hệ miễn dịch của trẻ, giúp trẻ có sức đề kháng với các bệnh nhiễm trùng sau này...

Hệ miễn dịch là gì?

Trong quá trình phát triển, trong mỗi cơ thể chúng ta bắt đầu hình thành và hoàn thiện dần các hệ thống chức năng bảo vệ cơ thể tránh khỏi các tác nhân gây bệnh, đó là hệ thống miễn dịch. Nó được xem là hệ thống bảo vệ tự nhiên của con người, được ví như “hàng rào chắn” trước tác nhân xâm nhập như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm; sửa chữa các tế bào hư hỏng; phòng tránh ung thư…

Hệ thống miễn dịch của chúng ta gồm có hai phần, có thể chia làm hệ thống miễn dịch không đặc hiệu (miễn dịch tự nhiên, miễn dịch bẩm sinh) và hệ thống miễn dịch, miễn dịch đặc hiệu (miễn dịch thu được, miễn dịch thích nghi).

Các bệnh thường gặp ở trẻHệ miễn dịch được xem là hệ thống bảo vệ tự nhiên của con người trước tác nhân xâm nhập như vi khuẩn, virus...

Các đáp ứng miễn dịch tự nhiên được hình thành rất sớm từ khi trẻ mới được sinh ra, hệ thống miễn dịch này trẻ được thừa hưởng từ mẹ. Quá trình phát triển của cơ thể hoàn thiện dần hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch tự nhiên và hệ thống miễn dịch thu được bổ sung cho nhau bảo vệ cơ thể trước những tác nhân có hại của môi trường.

Vai trò và đặc điểm hệ thống miễn dịch của trẻ

Cơ thể trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ miễn dịch được nhờ hệ thống kháng thể nhận được từ khi còn trong bào thai. Trong 3 tháng cuối của thai kỳ, các kháng thể từ mẹ được truyền sang con qua nhau thai. Các kháng thể này có tác dụng bảo vệ trẻ tạm thời, được gọi là “miễn dịch thụ động”. Tuy nhiên, các kháng thể từ mẹ truyền sang con này chỉ tồn tại trong vài tháng đầu sau sinh và giảm nhanh chóng sau đó. Bú mẹ là cách tốt nhất để truyền kháng thể từ mẹ qua con, giúp thay thế lượng kháng thể đã giảm. Các chất dinh dưỡng và kháng thể trong sữa mẹ sẽ giúp duy trì miễn dịch thụ động ở trẻ lâu hơn. Giai đoạn trẻ ngừng bú sữa mẹ và bắt đầu ăn dặm các kháng thể trẻ nhận được từ mẹ sẽ suy giảm nhanh chóng theo thời gian, hệ miễn dịch ở trẻ chưa phát triển đầy đủ nên trẻ dễ bị mắc các bệnh do vi khuẩn, virus tấn công.

Như vậy, hệ thống miễn dịch trong cơ thể bé đã hình thành nhưng chưa hoàn thiện, nằm rải rác trong người của bé, từ vùng hầu họng, xuống tuyến ức, đường ruột và hệ thống bạch huyết rộng khắp, đóng vai trò như những “cổng thành” canh gác, ngăn chặn sự xâm nhập của các vi sinh vật gây bệnh. Do còn non nớt, chưa được tiếp xúc với tác nhân gây bệnh nhiều, nên hiệu quả của “hệ thống canh gác” này còn rất hạn chế, do vậy trẻ dễ mắc một số bệnh nhiễm trùng.

Một số bệnh trẻ thường mắc phải

Nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính: Bệnh do virus hợp bào hô hấp (RSV), đây là nguyên nhân dẫn tới các bệnh viêm tiểu phế quản, viêm phổi ở trẻ em. Triệu chứng của căn bệnh này thường giống với cảm cúm gồm sốt, chảy nước mũi, ho. Sau 1 - 3 ngày bắt đầu xuất hiện triệu chứng khàn giọng, khó thở… 40% các trường hợp nhiễm RSV có triệu chứng tiến triển thành khò khè dẫn tới viêm tiểu phế quản hay viêm phổi rất nguy hiểm. Lứa tuổi thường mắc phải bệnh này là dưới 5 tuổi, do đường thở của trẻ hẹp nên khi bị nhiễm sẽ gây phù nề làm cho đường dẫn khí càng trở nên hẹp hơn và gây nên triệu chứng khó thở.

Bệnh tay - chân - miệng: Là hội chứng bệnh ở người gây ra bởi virus đường ruột thuộc họ Picornaviridae. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh gồm sốt, đau họng và nổi ban có bọng nước. Những triệu chứng đầu tiên thường là sốt nhẹ, mệt mỏi, biếng ăn và đau họng. 1-2 ngày sau khi xuất hiện sốt trẻ bắt đầu đau miệng. Ban da xuất hiện trong vòng 1-2 ngày với các tổn thương phẳng trên da hoặc có thể gồ lên và một số có thể hình thành bọng nước. Những ban này không ngứa và thường khu trú ở xung quanh miệng, lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân. Ngoài ra, một số trường hợp ban chỉ xuất hiện ở miệng mà không thấy ở các vị trí khác.

Ho gà: Bệnh do một loại trực khuẩn ho gà Bordetella pertussis gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Vào giai đoạn đầu, bệnh thường biểu hiện bằng ho nhẹ và sẽ nặng dần theo từng cơn sau 7 - 10 ngày, có thể kéo dài cả vài tháng nếu không điều trị. Trong thời kỳ này trẻ có những cơn ho rũ rượi kéo dài dẫn đến nôn oẹ, chảy nước mắt và nước mũi. Sau cơn ho mặt trẻ đỏ bừng hoặc tím tái cả người vì bị suy hô hấp. Cuối mỗi cơn ho thường có tiếng rít và xuất hiện nhiều đờm dãi. Ngoài ra, trẻ có thể tử vong do bị ngẹt thở.

Thủy đậu: Là một bệnh do virus với các biểu hiện lâm sàng là các mụn nước gây ngứa, bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin. Thủy đậu có thể gây biến chứng nguy hiểm ở trẻ sơ sinh, người lớn, phụ nữ có thai. Trước kia khi chưa có vắc xin, mỗi năm có tới 11.000 người Mỹ nhập viện vì căn bệnh này.

Bệnh sởi: Gần đây sởi xuất hiện trở lại ở một số quốc gia, mà nguyên nhân là do trẻ không được tiêm phòng. Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã cảnh báo về xuất hiện dịch sởi ở trẻ chưa được tiêm phòng. Các triệu chứng ban đầu thường là sốt, chảy nước mũi, ho sau đó phát ban toàn thân. Hầu hết trẻ em thường khỏi bệnh sau 2 tuần, nhưng một số bị biến chứng vào phổi và một số cơ quan khác và gây nguy hiểm.

Quai bị: Quai bị là một bệnh rất phổ biến ở trẻ em trước khi vắc-xin xuất hiện. Các nhiễm trùng thường không có triệu chứng, mà chủ yếu là sưng hạch giữa tai và hàm. Điều nguy hiểm của căn bệnh này là có thể gây biến chứng viêm tinh hoàn dễ dẫn đến vô sinh về sau hoặc bệnh như điếc...

Rubella (sởi Đức): Do một loại virus gây nên, thường không gây vấn đề nghiêm trọng tới sức khỏe trẻ. Tuy nhiên, nó có thể gây hại cho thai nhi nếu một người phụ nữ mắc bệnh trong thời kỳ thai nghén. Bệnh có các triệu chứng là sốt nhẹ và phát ban lây lan từ mặt với phần còn lại của cơ thể. Hiện đã có vắc xin phối hợp bảo vệ chống lại cả 3 bệnh sởi, quai bị và Rubella.

Viêm màng não: Là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng các mô xung quanh não và tủy sống. Ở tuổi thiếu niên hoặc người lớn có các triệu chứng như đau đầu, sốt, cứng cổ. Trẻ nhỏ có thể có những triệu chứng giống như cúm hoặc khó chịu quấy khóc. Bệnh viêm màng não cực kỳ nguy hiểm vì những biến chứng của nó thường ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của trẻ.

Bệnh tiêu chảy cấp tính: Là loại bệnh thường gặp ở trẻ em lứa tuổi mầm non và những năm đầu cấp tiểu học, gây tử vong cao do trẻ bị mất nước và các chất điện giải. Bệnh thường do thức ăn không phù hợp hoặc do nhiễm khuẩn thực phẩm. Rotavirus là tác nhân chính gây tiêu chảy nặng và đe doạ đến tính mạng của trẻ dưới 2 tuổi. Ngoài ra, còn gặp các vi khuẩn khác như: Trực khuẩn E.coli đường ruột, trực khuẩn lỵ, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn thương hàn; do nhiễm khuẩn ngoài đường ruột: trẻ có thể bị tiêu chảy sau khi viêm mũi, họng, viêm tai giữa, viêm phổi sau khi bị sởi hay ho gà…Những trẻ bị suy dinh dưỡng dễ dàng mắc bệnh tiêu chảy và bệnh sẽ kéo dài hơn, tỷ lệ tử vong cao.

Để phòng bệnh nhiễm trùng cho trẻ, ngoài việc tiêm phòng đầy đủ các bệnh đã có vắc-xin như: Ho gà, thủy đậu, quai bị, sởi, Rubella, Rotavirus… thì cách tốt nhất là tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.

Các bệnh thường gặp ở trẻNên cho trẻ ăn đủ các nhóm dinh dưỡng để có hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Làm gì để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ?

Khi trẻ có một hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp đẩy lùi sự xâm nhập của các tác nhân gây hại giúp trẻ tránh được các loại bệnh, giúp bé phát triển khỏe mạnh. Tăng cường sức đề kháng, củng cố hệ miễn dịch là cách tốt nhất để trẻ có đủ sức khỏe phòng bệnh. Một số cách hiệu quả để tăng cường sức đề kháng, củng cố hệ miễn dịch cho trẻ như: Cho trẻ bú sữa mẹ; khi trẻ bắt đầu ăn dặm, cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, khoa học; cho trẻ tiếp xúc thường xuyên với môi trường xung quanh, tăng cường vận động thể chất; giữ gìn vệ sinh; không tự ý cho trẻ dùng thuốc, đặc biệt là kháng sinh…


BS. Trần Minh
Ý kiến của bạn