Các bệnh thường gặp khi sức đề kháng của trẻ bị suy giảm

26-08-2022 13:30 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Hệ miễn dịch là phòng tuyến bảo vệ cơ thể con người, "hàng rào chắn" trước các tác nhân xâm nhập như virus, vi khuẩn hay ký sinh trùng. Hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ đẩy lùi sự xâm nhập của các tác nhân gây hại, giúp trẻ tránh được các loại bệnh và giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh.

Sữa mẹ tạo hệ vi khuẩn đường ruột, hệ miễn dịch khỏe mạnh cho trẻSữa mẹ tạo hệ vi khuẩn đường ruột, hệ miễn dịch khỏe mạnh cho trẻ

SKĐS - Nuôi con bằng sữa mẹ có tác dụng bảo vệ chống lại hầu hết các rối loạn do hệ miễn dịch gây ra cho trẻ như hen suyễn, đái tháo đường typ 1, bệnh Crohn...

Những nguyên nhân khiến hệ miễn dịch của trẻ suy giảm

Hệ miễn dịch ở trẻ sơ sinh tốt là nhờ hệ thống kháng thể nhận được từ khi còn trong bào thai. Tuy nhiên, các kháng thể bắt đầu giảm mạnh trong 6 tháng tiếp theo. Trẻ cần được bú mẹ ngay và bú mẹ hoàn toàn cho đến 6 tháng tuổi, vì đây là nguồn cung cấp kháng thể thụ động để duy trì khả năng miễn dịch.

Bắt đầu từ 6 tháng tuổi trở đi, các kháng thể mẹ truyền sang trẻ đã giảm đi rất nhiều, lúc này hệ miễn dịch của trẻ chưa được hoàn thiện, phải đến 3 - 4 tuổi thì hệ thống này mới sản xuất đầy đủ các kháng thể giúp chống lại các bệnh lý nhiễm trùng. Khoảng thời gian giao thoa giữa hai hệ thống miễn dịch thụ động và miễn dịch chủ động trong giai đoạn 6 tháng đến 3 tuổi chính là khoảng thời gian trẻ trở nên nhạy cảm đối với các bệnh nhiễm khuẩn như: Tiêu chảy, viêm đường hô hấp hay dị ứng.

Các bệnh thường gặp khi sức đề kháng của trẻ bị suy giảm - Ảnh 2.

Khi hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu, khả năng đề kháng suy giảm là tác nhân chính khiến tỷ lệ trẻ mắc các bệnh nhất là khi thời tiết chuyển mùa.

Khi hệ miễn dịch suy giảm trẻ dễ nhiễm những bệnh nào?

Khi hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu, khả năng đề kháng suy giảm khiến tỷ lệ trẻ mắc các bệnh gia tăng, nhất là khi thời tiết chuyển mùa.

Một số bệnh mà trẻ dễ mắc phải khi hệ miễn dịch suy yếu

- Bệnh liên quan đến đường hô hấp

Bên cạnh sức đề kháng ở trẻ còn yếu, hệ hô hấp ở trẻ nhỏ chưa phát triển toàn diện, đường thở ngắn, việc hít thở nhiều lần trong một phút sẽ tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn gây bệnh dễ dàng xâm nhập. Bệnh đường hô hấp khiến trẻ nhỏ dễ mắc là: Viêm họng cấp tính; viêm mũi, cảm cúm, viêm thanh quản và viêm thanh khí phế quản cấp, biến chứng viêm phổi… Đối với những trẻ bị bệnh viêm phế quản, biến chứng viêm phổi, viêm họng cấp tính… nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Viêm họng cấp

Vi khuẩn được xem là nguyên nhân gây bệnh nếu tình trạng sốt, ho, nuốt đau không tự giới hạn hoặc trở nên nặng hơn sau 5 - 7 ngày.

Viêm thanh quản và viêm thanh khí phế quản cấp

Thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi, phổ biến nhất ở trẻ 2 tuổi. Bệnh khởi phát với những triệu chứng viêm mũi họng thông thường, trẻ bắt đầu khàn tiếng, tắt tiếng, khò khè, thở rít, co lõm hõm ức và lồng ngực. Trẻ ho rất nhiều, có thể khó thở, thở nhanh, thở ồn ào, co kéo cơ hô hấp phụ, vã mồ hôi, tím tái, lơ mơ và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Viêm phổi

Xảy ra ở mọi lứa tuổi, nguyên nhân chủ yếu do vi khuẩn, nhất là vi khuẩn Hib và phế cầu khuẩn. Bệnh biểu hiện sớm nhất với dấu hiệu thở nhanh bất thường, ho kèm khò khè nếu xuất tiết nhiều đờm nhớt ở đường hô hấp, một số trẻ có thể bị sốt cao, thở mệt, lừ đừ. Bệnh có thể gây tử vong cho trẻ nếu không được phát hiện sớm và điều trị tích cực.

Viêm VA

Gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là trẻ 2 tháng đến 2 tuổi. Trẻ chảy mũi, nghẹt mũi kéo dài là dấu hiệu điển hình của bệnh.

Viêm mũi xoang cấp

Bệnh tương tự như viêm mũi họng cấp, nhưng các triệu chứng có khuynh hướng giảm nhẹ rồi nặng hơn sau một tuần. Trẻ ngạt mũi, sổ mũi kéo dài. Nước mũi chuyển sang màu trắng đục, xanh hoặc vàng. Trẻ thường quấy khóc nhiều; nếu đã biết nói, trẻ có thể than nhức đầu, đau sau hốc mắt, nặng mặt, khô rát họng.

Các bệnh thường gặp khi sức đề kháng của trẻ bị suy giảm - Ảnh 3.

Nếu hệ miễn dịch yếu sẽ dễ bị bệnh vì thường xuyên tiếp xúc với các sinh vật gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng.

Bệnh về đường tiêu hóa

Ở cơ thể trẻ (đặc biệt là trẻ nhỏ trong 5 năm đầu đời), đường ruột phát triển chưa hoàn chỉnh, hoạt tính Enzym còn yếu, hệ thống nội tiết, hệ tuần hoàn và chức năng của gan, thận vẫn chưa thành thục. Khi hệ miễn dịch suy giảm, thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, virus và ký sinh trùng gây bệnh phát triển.

Trẻ bị bệnh rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa là tình trạng cơ vòng trong hệ tiêu hóa bị co thắt bất thường. Gây ra tình trạng đau bụng và những thay đổi trong đại tiện. Khi bị rối loạn tiêu hóa, trẻ sẽ gặp bất tiện trong sinh hoạt. Do thay đổi trong vấn đề đi vệ sinh, trẻ thường xuyên bị đau bụng, đầy hơi, cảm giác khó chịu.

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị rối loạn tiêu hóa, do hệ thống tiêu hóa chưa được hoàn thiện về cấu trúc. Rối loạn tiêu hóa lâu ngày khiến trẻ không hấp thu được đầy đủ các chất dinh dưỡng để phát triển khỏe mạnh. Hậu quả là trẻ thường bị suy dinh dưỡng. Chậm phát triển thể chất và hệ miễn dịch kém phát triển.

Tiêu chảy

Tiêu chảy là một trong các bệnh đường tiêu hóa thường gặp nhất ở trẻ em. Nguyên nhân chính gây ra vấn đề này là do đường ruột của trẻ đang bị nhiễm virus hoặc bị một số loại vi khuẩn tấn công.

Biểu hiện điển hình của bệnh tiêu chảy là trẻ đi đại tiện ít nhất 3 - 4 lần trong một ngày, phân khá lỏng và thường lẫn dịch nhầy. Kèm theo đó, một vài triệu chứng trẻ có thể đối mặt như đau bụng, cơ thể mất nước...

Trong đó, bệnh tiêu chảy tồn tại dưới hai dạng chính, đó là cấp tính và mạn tính, các bậc phụ huynh nên theo dõi cẩn thận. Khi bị tiêu chảy, cơ thể trẻ mất nước cực kỳ nhanh chóng, nếu tình trạng này không được xử lý kịp thời, có thể đe dọa tới tính mạng, sức khỏe của trẻ.

Bệnh kiết l

Chủ yếu do ký sinh trùng Amibe và trực khuẩn Shigella gây ra, người bị kiết lỵ đi tiêu ra phân rất ít, nhưng có kèm theo đờm và máu, cùng với triệu chứng sốt, đau bụng, luôn có cảm giác muốn đi cầu, cứ thế trẻ em lả dần, vật vã, hôn mê rồi tử vong. 

Nguy cơ chủ yếu của bệnh kiết lỵ là trở thành mạn tính, kéo dài. Ngoài ra, ký sinh trùng Amibe có thể xâm nhập vào gan gây áp-xe gan. Loại Shigella hay gây kiết lỵ ở trẻ em, loại này không gây mạn tính, không gây áp-xe gan, nhưng khi biến chứng có thể gây tử vong trong 24 giờ.

Để phòng ngừa các bệnh đường tiêu hóa cho trẻ, cha mẹ nên giữ vệ sinh cá nhân, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cụ thể: Dùng nước đun sôi để nguội, khi uống nước giải khát nên dùng các loại đã qua xử lý tiệt trùng đóng kín trong lon hoặc chai, không nên cho trẻ uống các loại nước vỉa hè bụi bặm. Thức ăn đã nấu chín không để quá 2 giờ. Tất cả thức ăn khi chưa dùng đều phải đậy kỹ và bảo quản ở nhiệt độ an toàn, tránh ôi thiu. Tập cho trẻ thói quen rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đại tiện.

Các bệnh thường gặp khi sức đề kháng của trẻ bị suy giảm - Ảnh 5.

Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý báu và giàu dinh dưỡng, có sức đề kháng tốt nhất, có khả năng chống chọi với bệnh tật.

Tóm lại: Trẻ em nếu hệ miễn dịch yếu sẽ dễ bị bệnh, vì thường xuyên tiếp xúc với các sinh vật gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng. Một hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp cho trẻ có sự bảo vệ tự nhiên để chống lại mọi bệnh tật. Vì vậy, nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý báu và giàu dinh dưỡng, có sức đề kháng tốt nhất, có khả năng chống chọi với bệnh tật.

Ngoài ra, cần thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay cho trẻ với xà phòng trước khi ăn, khi chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh… Giữ cho nhà ở luôn khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ, luôn cho trẻ ngủ màn kể cả ban ngày để phòng tránh muỗi đốt.

Cho trẻ ăn uống đầy đủ các loại chất dinh dưỡng, chọn thức ăn trẻ thích và chia nhỏ các bữa ăn. Nên cho trẻ uống nhiều nước, khuyến khích cho uống nước cam, nước chanh tươi, chanh muối, nước dừa vì những loại nước này ngoài việc bù nước cho trẻ còn bù một số điện giải bị mất do sốt cao, có thêm một lượng vitamin C đáng kể giúp thành mạch máu bền vững giảm bớt tình trạng xuất huyết trong cơ thể. Nên tiêm phòng vaccine cho trẻ đầy đủ, phòng tránh các bệnh liên quan.

Khi trẻ có các biểu hiện như ho, khò khè, sốt, nôn ói, chảy máu mũi, bú kém… cần đưa đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Mời độc giả xem thêm video:

Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-


BS Nguyễn Thị Ngọc
Ý kiến của bạn