Mặc dù vậy, đằng sau sự mát mẻ, sảng khoái khi được ngâm mình trong làn nước, bơi lội cũng có thể ẩn chứa những mầm bệnh nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến sức khỏe.
Các bể bơi công cộng về nguyên tắc đều được yêu cầu phải đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn về chất lượng nguồn nước, nồng độ các hóa chất tẩy rửa, yếu tố vật lý như nhiệt độ, yếu tố vi sinh như số lượng vi khuẩn/ml nước. Mặc dù vậy, bể bơi công cộng là nơi tập trung đông người, nhiều khi quá tải, khó thực thi đầy đủ các tiêu chí vệ sinh an toàn. Chưa kể ý thức tuân thủ giữ vệ sinh chung, làm sạch cơ thể trước khi xuống bể của nhiều người còn chưa tốt, hoặc thậm chí một số người còn thiếu ý thức khi khạc nhổ, tiểu tiện luôn ra bể, hoặc đi bơi khi đang mắc các bệnh ngoài da, các bệnh viêm nhiễm khiến nước bể bơi không còn đảm bảo vệ sinh, đó là những nguyên nhân khiến nhiều người gặp những rắc rối về sức khỏe khi đi bơi.
Các bệnh về mắt
Mắt bị kích ứng, cay, khô rát là tình trạng khá phổ biến khi đi bơi ở những bể bơi công cộng do tác động của hoá chất clo có trong chất tẩy nước bể bơi, nhất là ở những bể bơi kín trong nhà hoặc những bể bơi mới được tẩy rửa vệ sinh.
Nên đeo kính bơi khi bơi lội để tránh bệnh về mắt.
Đau mắt đỏ (viêm kết mạc mắt) là bệnh thường gặp, thậm chí đau mắt hột cũng có thể gặp khi tắm táp bơi lội ở những bể bơi công cộng quá đông người, nước không được thay thường xuyên hay tiệt trùng tốt, hoặc khi bơi ở những nơi nước không đảm bảo vệ sinh như sông suối ao hồ. Những biểu hiện ban đầu là mắt thấy cộm, ngứa, chảy nước mắt, kích ứng với ánh sáng sau đó đau, mắt đỏ, ra nhiều ghèn, dử...
Để phòng các bệnh mắt nói chung, ngoài việc lựa chọn bể bơi đảm bảo an toàn, khi đi bơi, mọi người luôn nhớ đeo kính bảo vệ mắt và vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý sau khi bơi. Những người có các bệnh lý viêm nhiễm ở mắt nhìn chung không nên đi bơi cho đến khi khỏi, vì có thể lây lan cho người khác.
Bệnh ngoài da
Bơi ở những nơi có nguồn nước bị ô nhiễm, những bể bơi công cộng có lượng người quá đông, nồng độ vi khuẩn trong nước cao vượt mức cho phép, dễ gây ra các phản ứng viêm da, viêm nang lông, viêm lỗ chân lông với những biểu hiện có thể gặp ngoài da như ngứa, các nốt sẩn đỏ. Đặc biệt, những người có các bệnh lý về da như viêm da, nấm da, trẻ nhỏ mắc bệnh tay chân miệng khi đi tắm bơi ở nơi công cộng có thể sẽ là những nguồn lây truyền, phát tán bệnh.
Khô tóc, sạm da khi đi bơi là vấn đề thường gặp do nước hồ bơi có chứa hóa chất tiệt trùng. Do vậy, cần chọn bể bơi có chất lượng nước đảm bảo, nên dùng mũ bơi để bảo vệ tóc và da đầu khỏi các hóa chất trong nước. Khi bơi xong, phải tắm gội lại thật sạch, có thể sử dụng thêm các loại kem bôi/dầu gội dưỡng ẩm cho da, tóc. Cần chuẩn bị đầy đủ kem chống nắng, mũ khi đi tắm biển, hay bơi ở những bể bơi ngoài trời trong thời tiết nắng nóng để đề phòng những tổn thương cho da, tóc.
Ngoài ra, nấm phụ khoa và các bệnh lây qua đường sinh dục khác cũng có thể phát sinh do nước quá bẩn hoặc do lây từ người này qua người khác trong môi trường nước bể bơi công cộng.
Bệnh tai mũi họng
Khi bơi có thể bị nước lọt vào tai, mũi hoặc sặc nước, uống phải nước có thể dẫn đến viêm tai, mũi, họng do nhiễm khuẩn có trong môi trường nước kém vệ sinh. Cũng có thể mắc hoặc tái phát bệnh viêm mũi dị ứng, viêm xoang do dị ứng với các hóa chất tẩy rửa. Sau bơi nên tra rửa mũi, súc miệng bằng nước muối sinh lý.