Nguyên nhân nhiễm trùng mắt
Nhiễm trùng mắt rất phổ biến và xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tác nhân gây bệnh nhiễm trùng mắt có thể do virus, vi khuẩn, nấm, hoặc do các loại ký sinh trùng… gây tổn thương cho mắt, tại nhiều vị trí khác nhau như mi mắt, giác mạc, kết mạc, màng bồ đào, lệ quản.... Những vi sinh vật trên luôn tồn tại trong môi trường sống xung quanh chúng ta, chúng có thể xâm nhập dễ dàng khi mắt tiếp xúc với dịch tiết từ mắt chứa mầm bệnh, nguồn nước ô nhiễm hay đồ trang điểm vùng mắt không an toàn...
Ngoài ra, thói quen dùng kính áp tròng sai cách và kém chất lượng, không những gây tổn thương giác mạc do cọ xát, mà còn tạo cơ hội thuận lợi cho vi sinh vật xâm nhập vào mắt.
Dưới đây là một số nhiễm trùng ở mắt hay gặp
- Viêm kết mạc
Viêm kết mạc hay đau mắt đỏ thường xảy ra vào mùa hè. Hiện tượng này xảy ra khi đôi mắt của con người bị các loại vi khuẩn, virus tấn công. Sau đó, mắt rơi vào tình trạng nhiễm trùng, biểu hiện rõ ràng nhất đó là đôi mắt bị sưng đỏ. Tùy vào mức độ của bệnh, mắt của bạn sẽ bị sưng đỏ, ra nhiều dử mắt hoặc sẽ bị chảy nước mắt liên tục không kiểm soát được.
Có 2 loại viêm kết mạc, một là do vi khuẩn và 2 là do virus, cả 2 loại thường lây lan do tay tiếp xúc với mắt hoặc dùng chung vật dụng như gối, mỹ phẩm trang điểm mắt.
Viêm kết mạc do virus thường phát triển và tự khỏi, thông thường mất khoảng 2 - 3 tuần. Cách tốt nhất để điều trị bệnh mắt đỏ một cách tự nhiên là điều trị triệu chứng.
Khi mắt bị viêm do virus hoặc vi khuẩn, nên liên hệ với bác sĩ càng sớm càng tốt. Các triệu chứng mắt đỏ thường sẽ hết trong vài ngày, nhưng chúng không kéo dài hơn 1 tuần. Nếu các triệu chứng kéo dài hơn 1 tuần, hãy tìm đến sự chăm sóc y tế ngay lập tức để được điều trị kháng sinh.
- Lẹo mắt
Lẹo mắt thường do tụ cầu khuẩn hoặc vi khuẩn xâm nhập vào tuyến chân lông mi gây viêm nhiễm cấp tính. Nhiều khi từ lẹo có thể chuyển thành chắp (xảy ra trong trường hợp lẹo không điều trị khỏi hẳn, gây chèn ép các tuyến). Có 2 loại lẹo mắt: Loại Hordeolum, gây nhiễm trùng tuyến mồ hôi hoặc tuyến bã nhờn trên mí mắt; Loại Chalazion, thường gây nhiễm trùng tuyến nhờn (Meibomian) trên mí mắt. Lẹo mắt thường tự khỏi nhưng sẽ gây đau trong thời gian mang bệnh.
Khi bị lẹo mắt, bác sĩ có thể kê đơn thuốc mỡ kháng sinh nếu mụn lẹo bị nhiễm trùng hoặc không cải thiện khi điều trị tại nhà. Ngoài ra, Steroid dạng tiêm cũng có thể sử dụng để giảm sưng hoặc viêm ở lẹo. Nếu các phương pháp điều trị này không hiệu quả hoặc mụn lẹo bắt đầu ảnh hưởng đến thị lực, có thể cần tiểu phẫu. Lưu ý: Luôn rửa tay trước khi tra thuốc nhỏ mắt. Các thuốc sử dụng tra mắt phải được giữ gìn sạch sẽ, không dùng lại thuốc cũ, thuốc đã để lâu.
- Viêm bờ mi
Viêm bờ mi là bệnh lý nhãn khoa mạn tính khá phổ biến, đặc trưng bởi tình trạng viêm bờ mi mắt kết hợp với kích ứng mắt. Khô mắt là một biến chứng thường gặp của viêm bờ mi. Bệnh thường do vi khuẩn gây ra, tuy không nghiêm trọng nhưng nếu không chú ý có thể gây viêm tấy, sưng đỏ, rất khó chịu.
Bệnh nhân bị viêm bờ mi thường có các triệu chứng mạn tính tái phát, có thể thay đổi theo thời gian, liên quan đến cả hai mắt. Bao gồm: Mí mắt đỏ, sưng hoặc ngứa, có sạn hoặc cảm giác nóng rát, đỏ mắt, đóng vảy và rụng lông mi vào buổi sáng, nhìn mờ (thoáng qua, thường cải thiện khi chớp mắt).
Viêm bờ mi thường gặp ở người lớn và tỷ lệ mắc bệnh tăng dần theo độ tuổi. Trẻ em có thể có các đợt viêm bờ mi trước và sau, thường được đặc trưng bởi các phát hiện ở kết mạc và giác mạc nhiều hơn ở người lớn.
Viêm bờ mi liên quan đến sự xâm nhập của Demodex, biểu hiện đặc trưng với gàu hình trụ hoặc "tay áo" trên lông mi. Viêm bờ mi do tiếp xúc (dị ứng) với chất gây kích ứng như mỹ phẩm, biểu hiện với mí mắt đỏ, sưng ngứa xảy ra sau khi tiếp xúc. Xử lý viêm mi mắt không quá phức tạp nhưng cần chú ý đề phòng bệnh tái phát. Có thể bắt đầu bằng việc vệ sinh mắt mỗi ngày với nước ấm, kết hợp với dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
- Viêm lệ quản
Lệ quản là một bộ phận của hệ thống ống dẫn nước từ mắt xuống mũi. Tình trạng viêm xảy ra khi virus, vi khuẩn (Actinomyces, Streptococcus, Staphylococcus), nấm tấn công, gây ra hiện tượng đỏ vùng góc trong, mi bị sưng, chảy nước mắt không ngừng, đôi khi kèm theo mủ và nhầy. Nguy hiểm hơn, đây là bệnh lý về mắt thường bị bỏ qua và hay nhầm lẫn với viêm kết mạc mạn tính, bởi các triệu chứng ban đầu của viêm lệ quản không đặc trưng. Việc tự ý mua thuốc uống tại nhà mà chưa được chẩn đoán càng làm cho bệnh kéo dài, gây ra rất nhiều phiền toái cho ai mắc phải.
Viêm giác mạc có những triệu chứng như: Mắt bị đỏ, đau, cộm, giảm thị lực… Vì thế, khi giác mạc bị viêm thị lực sẽ bị ảnh hưởng nếu không được điều trị và chăm sóc mắt kịp thời.
Các nguyên nhân gây viêm giác mạc có thể là do sự xâm nhập của vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng. Hoặc sau chấn thương mắt như va đập mắt hoặc bị bụi vào mắt…, gây viêm giác mạc.
Viêm giác mạc do virus là dạng bệnh phổ biến nhất và các loại virus nằm trong danh sách này bao gồm: Adenovirus, Herpes Simplex type 1, Varicella Zoster. Viêm giác mạc do vi khuẩn chiếm tỷ lệ ít hơn và nguyên nhân do ký sinh trùng hoặc nấm là rất hiếm gặp.
Người bệnh viêm giác mạc cần được điều trị sớm, tránh nguy cơ ảnh hưởng tới thị lực sau này. Thông thường, viêm giác mạc sẽ được điều trị bằng thuốc. Trường hợp nặng điều trị bằng thuốc không hiệu quả thì tùy tình trạng bệnh có thể phải phẫu thuật ghép màng ối, ghép giác mạc,...
Để phòng ngừa nhiễm trùng mắt cần giữ vệ sinh thật tốt, trong đó thực hành rửa tay thường xuyên, che mũi và miệng khi hắt hơi hoặc ho, tránh chạm vào vùng mắt - đặc biệt là khi tay không sạch.
Cần bảo vệ vùng mắt khỏi các hóa chất mạnh, đeo kính bảo hộ khi tiếp xúc với hóa chất. Sử dụng các biện pháp bảo hộ mắt khi làm việc trong môi trường nhiều khói, bụi…
Sử dụng kính mát khi di chuyển ngoài đường để tránh bụi và dị vật bay vào mắt.
Khi có bệnh về mắt cần điều trị dứt điểm, không dùng tay dụi mắt, không tự sử dụng các vật dụng để lấy dị vật, không đắp các loại thuốc lá trực tiếp vào mắt.
Cung cấp đủ vitamin A cho mắt và thường xuyên chớp mắt để tránh khô mắt.
Chú ý khi sử dụng kính áp tròng vệ sinh trước và sau khi đeo kính.
Mời độc giả xem thêm video:
Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-