Việc sử dụng các thiết bị cầm tay thường xuyên trong thời gian dài đưa đến khả năng mắc các chứng bệnh về xương khớp, đặc biệt là các bệnh lý ở vùng cổ bàn tay, ngoài ra còn có thể gặp các chứng đau nhức kinh niên ở vùng vai, cột sống cổ và thắt lưng. Thuật ngữ y khoa gọi đây là “các chứng bệnh có liên quan đến các thiết bị thông minh”.
Ở Mỹ, các số liệu thống kê cho thấy vào năm 2012 có khoảng hơn 30% số người trưởng thành ở quốc gia này thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh, và đến nay con số này đã tăng lên gấp đôi. Theo các báo cáo của BBC, riêng trong năm 2012 trên thế giới có khoảng gần 19 tỉ tin nhắn được gửi mỗi ngày thông qua các phần mềm tán gẫu trực tuyến và khoảng 17,6 tỉ tin nhắn khác được gửi thông qua sóng đi động.
Trong thực tế lâm sàng, các bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình gặp ngày càng nhiều các bệnh nhân bị mắc các bệnh lý vùng cổ bàn tay do sự lạm dụng điện thoại thông minh hoặc các thiết bị cầm tay khác.
Vị trí sưng đau trong bệnh “viêm hẹp bao gân của ngón tay cái ở vùng cổ tay”
Bệnh “ngón tay cò súng”
Một trong các chứng bệnh phổ biến nhất là chứng đau ở phần gốc của ngón tay, hay gặp nhất là ở ngón tay cái, nhưng cũng có thể gặp ở các ngón tay khác. Đặc biệt, khi người bệnh gấp ngón tay mạnh và đột ngột thì có thể sẽ bị hiện tượng “mắc kẹt”, không thể duỗi ngón tay ra được nữa. Thuật ngữ y khoa gọi chứng bệnh này là bệnh “ngón tay cò súng” (vì khi ngón tay bị mắc kẹt sẽ co lại và có hình dạng giống như một cái cò súng). Ở các trường hợp nhẹ hơn, có thể ngón tay chưa bị kẹt mà chỉ có hiện tượng đau và người bệnh cảm giác có tiếng kêu “lật bật” ở vùng gốc ngón khi gấp duỗi ngón tay, do đó mà có người còn gọi bệnh lý này là bệnh “ngón tay bật”. Ở những người sử dụng điện thoại thông minh quá nhiều, nguyên nhân gây bệnh là do việc bấm các ngón tay lên bàn phím trong một thời gian dài liên tục sẽ tạo áp lực lớn lên hệ thống dây chằng và gân gấp ngón tay, lâu ngày bao gân bị kích thích viêm dày lên và gây ra kẹt gân.
Chứng viêm hẹp bao gân của ngón tay cái ở vùng cổ tay
Dấu hiệu nổi bật của bệnh là người bệnh thấy đau nhiều ở phía ngoài của cổ tay, cơn đau có thể lan xuống ngón tay cái theo đường đi của gân. Trường hợp bệnh nặng còn có thể có hiện tượng sưng ở cổ tay, thậm chí có những trường hợp bao gân bị viêm sưng to đến mức người bệnh tưởng mình bị bệnh gì về ung bướu. Nguyên nhân và cơ chế gây bệnh cũng tương tự như đối với trường hợp bệnh lý “ngón tay cò súng”, đó là do việc cầm nắm điện thoại liên tục trong thời gian dài sẽ gây tăng áp lực và sức căng lên hệ thống gân duỗi và dạng ngón tay cái ở cổ tay, dần dần sẽ làm cho bao gân bị viêm dày lên và dẫn đến ống gân sẽ bị hẹp.
Teo cơ ngón tay cái do bệnh “hội chứng ống cổ tay” không được điều trị
Các chứng bệnh viêm hẹp bao gân nói trên tuy hay gặp song thường ít để lại di chứng. Nếu điều trị thích hợp bằng cách nghỉ ngơi, giảm sử dụng các thiết bị cầm tay và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì đa số các bệnh nhân đều có thể khỏi bệnh, chỉ những trường hợp bệnh nặng mới cần phải phẫu thuật và sau phẫu thuật bệnh cũng thường sẽ khỏi hoàn toàn ít khi để lại di chứng.
Hội chứng ống cổ tay
Ở những người hay sử dụng các thiết bị thông minh còn có thể gặp một chứng bệnh nguy hiểm hơn vì nó có thể để lại di chứng lâu dài thậm chí là vĩnh viễn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Chứng bệnh này có tên gọi là “hội chứng ống cổ tay”. Bệnh lý này thường gặp ở những người mà công việc hàng ngày đòi hỏi phải vận động cổ bàn tay nhiều, trong đó có những người hay sử dụng các thiết bị cầm tay. Các triệu chứng điển hình của bệnh thường là tê các ngón tay, cảm giác châm chích như kiến bò ở vùng bàn ngón tay. Những cảm giác này thường xuất hiện sau khi người bệnh sử dụng điện thoại hoặc làm việc bằng tay liên tục trong một thời gian dài, cũng có thể xuất hiện ban đêm lúc đang ngủ gây tỉnh giấc hoặc khi chạy xe đường xa. Ở những trường hợp nặng, người bệnh sẽ bị teo cơ ngón tay cái dẫn đến việc suy yếu sức cơ, cầm nắm các đồ vật không chặt và có thể bị rơi rớt. Điều đáng chú ý là sự teo cơ và suy yếu cơ này có thể sẽ tồn tại lâu dài hoặc vĩnh viễn.
Bệnh “ngón tay cò súng”
Do tính chất phổ biến và có thể gây di chứng nguy hiểm của các chứng bệnh ở vùng cổ bàn tay do lạm dụng các thiết bị thông minh nên việc phòng bệnh cũng như phát hiện và điều trị bệnh kịp thời là rất quan trọng. Nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy có mối liên quan giữa việc sử dụng quá mức các thiết bị thông minh và sự gia tăng nguy cơ bị mắc các chứng bệnh ở vùng cổ bàn tay. Các nghiên cứu này cũng khuyến cáo rằng việc thực hiện một số biện pháp phòng bệnh sẽ giúp làm giảm thiểu khả năng bị mắc các chứng bệnh này. Chẳng hạn như những người hay sử dụng điện thoại thông minh cho công việc và giải trí cần có kế hoạch giảm dần tổng lượng thời gian sử dụng điện thoại trong một ngày, ví dụ như từ 6 - 7 giờ một ngày xuống còn 2 - 3 giờ một ngày. Sau mỗi 20 - 30 phút cần ngưng sử dụng điện thoại để giải lao, tập luyện các bài vận động các khớp ngón tay và cổ bàn tay. Khi sử dụng, nên cầm điện thoại bằng cả hai tay thì sẽ ít có hại hơn do với chỉ cầm bằng một tay, vì khi đó áp lực lên các gân cơ, dây chằng của các khớp sẽ được phân bố đều hơn. Ngoài ra, nếu để điện thoại trên mặt bàn để bấm thì cũng sẽ ít gây áp lực lên vùng cổ bàn tay và các ngón tay hơn so với cầm điện thoại trên tay.
Những người thường xuyên sử dụng các thiết bị cầm tay nói chung và điện thoại thông minh nói riêng khi thấy có các biểu hiện đau, sưng hoặc tê bì ở vùng cổ bàn tay và các ngón tay, nên đi khám bệnh chuyên khoa xương khớp sớm để được các bác sĩ phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, từ đó sẽ giảm thiểu thời gian bị bệnh và tránh được các di chứng đáng tiếc.