Các bệnh lý về đường tiêu hoá đang gia tăng mỗi năm 20%: Nguyên nhân vì đâu?

15-09-2019 20:30 | Tin nóng y tế

SKĐS - Những năm gần đây, bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh về lý đường tiêu hóa tăng 20% mỗi năm và nguyên nhân gây bệnh liên quan chặt chẽ với những thay đổi trong chế độ ăn uống, sinh hoạt của người dân

Thông tin trên được TS Vũ Trường Khanh- Trưởng Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai đưa ra khi trao đổi với báo chí tại Hội nghị khoa học Tiêu hoá Bệnh viện Bạch Mai- Đại học Nygoya (Nhật Bản) lần thứ 7 diễn ra ngày 14/9 tại Hà Nội.

Điểm mới của Hội nghị khoa học Tiêu hoá Bệnh viện Bạch Mai- Đại học Nygoya lần thứ 7 là lần đầu tiên  có sự tham gia của 200 điều dưỡng chuyên ngành tiêu hoá trong cả nước tham dự, khác với các hội nghị trước chỉ có bác sĩ chuyên ngành tham dự.

Lý giải về sự thay đổi này, TS Khanh cho hay, những sai sót trong y khoa nhiều khi không tránh khỏi vì nhiều lý do khác nhau, riêng với chuyên ngành tiêu hoá rất cần sự hướng dẫn, tham gia của đội ngũ điều dưỡng vào cả quy trình hướng dẫn người bệnh các bước để thực hiện nội soi đường tiêu hoá và phẫu thuật bệnh lý đường tiêu hoá, do vậy rất cần trao đổi, cập nhật, chia sẻ kiến thức chuyên môn cho đội ngũ này để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

TS Khanh cũng cho biết thêm, tại hội nghị lần này, các chuyên gia đã cùng trình bày các báo cáo kết quả ban đầu về điều trị thuốc sinh học tại Khoa tiêu hoá- Bệnh viện Bạch Mai. Thời gian qua, với sự trao đổi chuyên môn cùng các chuyên gia tiêu hoá của Nhật Bản, tại Khoa tiêu hoá, bên cạnh các phương pháp điều trị hiện đang áp dụng, các chuyên gia của Khoa tiêu hoá đã tiến hành ứng dụng điều trị bệnh lý viêm mạn tính ruột qua trung gian miễn dịch chưa rõ nguyên nhân bằng thuốc sinh học, bởi hiện nay bệnh này đang có xu hướng gia tăng.

Đại diện Khoa tiêu hoá - Bệnh viện Bạch Mai trình bày kết quả ban đầu ứng dụng điều trị bệnh lý viêm mạn tính ruột qua trung gian miễn dịch chưa rõ nguyên nhân bằng thuốc sinh học

“Cách đây 20 năm, bệnh này không xuất hiện nhiều và không có bệnh nhân nặng, nhưng hiện nay tại Khoa tiêu hoá thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh lý viêm mạn tính ruột, thậm chí có bệnh nhân nặng nhâp viện. Do đó,chúng tôi tiếp cận thêm hướng điều trị mới vì thuốc sinh học có nhiều ưu điểm như làm hạn chế tiến triển của bệnh, vết thương mau liền hơn...”- TS Vũ Trường Khanh nói.

Cũng tại hội nghị, các chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai và Đại học Nagoya cũng cho hay, trong khi hơn 70% người dân Nhật Bản được phát hiện sớm ung thư dạ dày nhờ phương pháp nội soi đối với những người có nguy cơ cao thì tại Việt Nam, hầu hết bệnh nhân đều phát hiện bệnh này ở giai đoạn muộn, phải áp dụng phương pháp phẫu thuật hoặc hóa trị. Trong khi nếu phát hiện sớm thì chỉ cần cắt hớt niêm mạc dạ dày hoặc cắt bỏ polyp là có thể khỏi bệnh.

TS Vũ Trường Khanh cũng cho biết thêm, những năm gần đây, bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh về lý đường tiêu hóa tăng 20% mỗi năm và nguyên nhân gây bệnh liên quan chặt chẽ với những thay đổi trong chế độ ăn uống, sinh hoạt của người dân. Bệnh thường gặp là táo bón, tiêu chảy, trào ngược, rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày, tá tràng, trực tràng,... nặng hơn thì phát hiện ung thư

“Ngày xưa người Việt ăn nhiều rau xanh hơn bây giờ. Liệu trong thực phẩm hiện nay có chất bảo quản không? Chúng tôi không khẳng định. Nhưng rõ ràng hiện nay việc ăn ít rau, chất xơ. Ngày xưa bệnh về đường tiêu hóa ít nhưng bây giờ lại gia tăng. Về cơ chế sinh bệnh, người ta thấy có liên quan đến kháng nguyên, vi sinh vật. Mỗi loại sinh vật lại sống trong môi trường khác nhau.

Nếu ăn nhiều thịt hoặc nhiều rau thì các loại vi sinh vật cũng phát triển khác nhau, tác động đến đáp ứng miễn dịch của cơ thể, chống lại chính những tế bào ở thành ruột. Thứ 2 là bia rượu cũng tàn phá hệ tiêu hóa và sức khỏe của chúng ta rất nhiều. Nó làm rối loạn và gây mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Rượu bia cũng gây tổn thương niêm mạc ruột, dẫn đến hội chứng ruột kích thích, đặc biệt là ung thư đường tiêu hoá”- TS Vũ Trường Khanh nói.

Do đó, TS Khanh cho hay, người dân cần phải có lối sống, sinh hoạt điều độ, chế độ dinh dưỡng cũng cần điều chỉnh hợp lý. Quan trọng nhất là chúng ta cần phải phòng bệnh trước khi có bệnh, bởi bệnh lý đường tiêu hoá thường dai dẳng và có yếu tố liên quan đến lối sống, sinh hoạt

 

Từ tháng 11/2013 với sự giúp đỡ của Trường Đại học Nagoya Nhật Bản, lần đầu tiên Hội nghị chuyên đề tiêu hóa gan mật giữa 2 đơn vị được tổ chức.

Với sự hợp tác không ngừng phát triển, tháng 7/2014, Hội nghị lần thứ 2 được tổ chức với một bước ngoặt lớn đó là sự ra đời của Trung tâm tiêu hóa Việt Nam - Nhật Bản tại Bệnh viện Bạch Mai.

Trung tâm được thành lập đã giúp cho việc chẩn đoán và điều trị của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt như: chẩn đoán sớm ung thư đường tiêu hóa, cắt tách dưới niêm mạc điều trị tổn thương tiền ung thư; ung thư sớm mà không phải cắt bỏ thực quản dạ dày và đại tràng; cho phép thăm dò toàn bộ ruột non và điều trị các bệnh ở ruột non. Chụp mật tụy ngược dòng cấp cứu đã trở thành kỹ thuật thường qui giúp cứu sống bệnh nhân nhiễm trùng đường mật nặng có suy tạng, rối loạn đông máu, suy tuần hoàn, suy hô hấp…

Thái Bình
Ý kiến của bạn