Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh không lây nhiễm đang trở thành nhóm bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trên thế giới, với khoảng 40 triệu người tử vong hằng năm (chiếm 70-75% số ca tử vong trên toàn cầu), trong đó tỷ lệ tử vong vì các bệnh tim mạch chiếm tới 31%. Trong đó, các bệnh tim mạch có nguồn gốc từ tăng huyết áp (THA) và rối loạn lipid máu (RLLM) xếp vị trí hàng đầu, là nguyên nhân gây ra hàng loạt các bệnh lý tim mạch như bệnh mạch vành, suy tim, đột quỵ, suy thận, mù lòa… Đột quỵ, nhồi máu cơ tim và bệnh tim do tăng huyết áp là 3 trong số 20 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu..
Tại Việt Nam, tỷ lệ THA đang gia tăng một cách nhanh chóng. Theo thống kê, năm 1960, tỷ lệ THA ở người trưởng thành phía Bắc Việt Nam chỉ là 1% nhưng đến năm 2008, tỷ lệ THA ở người độ tuổi 25-64 là 25,1%. Bên cạnh đó, theo kết quả điều tra STePS 2009-2010 ở người trưởng thành Việt Nam, tỷ lệ tăng cholesterol (>5,0mmol/L) là 30,1%. Như vậy tỷ lệ người trưởng thành có RLLM cao càng làm tăng tỷ lệ người có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây, đặc biệt là tim mạch.
Lễ trao Kỷ niệm chương cho Dự án "Sao Vàng Sức Khỏe"
Trong khuôn khổ của Hội nghị Tim mạch toàn quốc tại Hà Nội, đã diễn ra lễ công bố dự án "Sao vàng sức khỏe" - Chương trình tầm soát tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ tim mạch. Tên của dự án “Sao Vàng Sức Khỏe” được lấy cảm hứng từ hình ảnh sao vàng năm cánh trên quốc kỳ Việt Nam, đó là biểu tượng của sự đoàn kết và hỗ trợ với 5 thành phần liên kết là Bộ Y tế, Hội Tim Mạch Việt Nam, Viện Tim Mạch Việt Nam, Upjohn – a Pfizer division và sức khỏe của bệnh nhân.
Nhân dịp này Bộ Y tế, Viện Tim mạch Việt Nam và Hội tim mạch Việt Nam đã trao thư ghi nhận và Kỷ niệm chương cho Dự án “Sao Vàng Sức Khỏe” của Upjohn – a Pfizer division, vì đã có những đóng góp, cùng với Viện Tim mạch Quốc gia trong Dự án Phòng chống tăng huyết áp của Chương trình Phòng chống bệnh không lây nhiễm quốc gia.
Hội nghị thu hút rất đông các bác sĩ, chuyên gia tim mạch trên cả nước
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim Mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong bối cảnh kinh phí của những chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh tim mạch nói riêng còn rất hạn hẹp, việc huy động được các nguồn lực từ các tổ chức, công ty trong hoạt động tầm soát, phòng ngừa bệnh tăng huyết áp tại cộng đồng rất có ý nghĩa. Dự án “Sao Vàng Sức Khỏe” là dự án đã đồng hành với Viện Tim mạch Quốc gia trong sàng lọc, giáo dục và phòng chống bệnh tăng huyết áp tại cộng đồng.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Quang- Phó viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, nhờ sự hỗ trợ của Upjohn – a Pfizer division , Viện Tim mạch Quốc gia và Hội Tim mạch Việt Nam đã bước đầu triển khai được công tác đào tạo hướng dẫn mô hình tầm soát tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ tim mạch tại 10 bệnh viện toàn quốc, đồng thời phổ cập tài liệu cho bác sĩ tuyến cơ sở và chuẩn bị sẵn tài liệu giáo dục cộng đồng/bệnh nhân cho một chương trình dài hơi. Việc đào tạo sẽ đi song song với hoạt động tầm soát tăng huyết áp, tư vấn quản lý và tầm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch khác. Các hoạt động này đều rất cần thiết để giảm bệnh suất và tử suất do tim mạch.
Bà Anurita Majumdar, Giám đốc khu vực ASEAN của Pfizer
Theo bà Anurita Majumdar, Giám đốc khu vực ASEAN của Pfizer nói: "Chúng tôi muốn tham gia chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam. Bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây ra 70% các ca tử vong. Việt Nam là quốc gia đang quan tâm đến mô hình bệnh tật này. Chúng tôi muốn góp phần tăng cường sự hiểu biết của bệnh nhân về bệnh không lây nhiễm trong đó có THA và RLLM, từ đó bệnh nhân sẽ được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng xa hơn".
Cô Cho Yun-Yu, Phó trưởng Văn phòng đại diện Pfizer cho rằng: “Ở Pfizer Upjohn chúng tôi luôn đặt lợi ích của bệnh nhân lên hàng đầu. Chúng tôi tin tưởng dự án “Sao Vàng Sức Khỏe” sẽ có ảnh hưởng đáng kể và tích cực lên việc làm giảm gánh nặng bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch tại Việt Nam".
Đại diện Pfizer và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
BS Trần Thị Quỳnh Anh, cố vấn y khoa của Pfizer Upjohn Việt Nam chia sẻ, đây là dự án kéo dài 3 năm, đối tượng mà dự án hướng tới không chỉ là các y bác sĩ ở các tuyến huyện, mà còn hàng triệu bệnh nhân trên toàn quốc. "Chúng tôi hy vọng sẽ đào tạo cho 200 y bác sĩ về tầm soát, quản lý, phòng ngừa bệnh THA và các bệnh lý tim mạch khác, ngoài ra sẽ cung cấp thông tin về bệnh THA, RLLM cho hàng triệu bệnh nhân", BS Quỳnh Anh nói.
Mục tiêu của dự án trong 3 năm là đào tạo được 200 bác sĩ nhằm thực hiện và duy trì công tác tầm soát phát hiện tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ tim mạch ở cấp huyện khắp 64 tỉnh thành, tư vấn điều trị cho 800 ngàn bệnh nhân. Xa hơn nữa, chương trình mong muốn 20 triệu lượt bệnh nhân được giáo dục qua các kênh truyền hình và trang tin điện tử nhằm khống chế tỷ lệ có cholesterol máu cao (>5,0 mmol/L) dưới 35% ở người trưởng thành; khống chế tỷ lệ bị tăng huyết áp dưới 30% ở người trưởng thành và giúp 50% số người bị tăng huyết áp, rối loại lipide máu được phát hiện; 30% số người phát hiện bệnh được quản lý, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn.