Các bệnh lây truyền qua đường tình dục gia tăng ở Mỹ trong thời kỳ đại dịch COVID-19

24-05-2022 15:23 | Quốc tế
google news

SKĐS-Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, các trường hợp mắc bệnh tình dục, bệnh lậu, giang mai và giang mai bẩm sinh tại Mỹ đã gia tăng rõ rệt trong thời kỳ đại dịch COVID-19.


Các bệnh lây truyền qua đường tình dục gia tăng mạnh trong đại dịch

CDC Mỹ cho biết, năm 2020 có 2,4 triệu trường hợp mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD), bao gồm 677.769 trường hợp mắc bệnh lậu, 133.945 trường hợp mắc bệnh giang mai, 2.145 trường hợp giang mai bẩm sinh và 1.579.885 trường hợp nhiễm chlamydia.

Bệnh giang mai tiếp tục gia tăng, đồng thời với sự gia tăng bệnh giang mai bẩm sinh (tăng 15% so với năm 2019 và 235% so với năm 2016). Năm 2020 có 149 trường hợp thai chết lưu và tử vong ở trẻ sơ sinh (tăng 210% so với năm 2016). Khoảng 47 trong số 50 bang của Mỹ đã báo cáo ít nhất 1 trường hợp giang mai bẩm sinh vào năm 2020, so với chỉ 24 bang vào năm 2011.

Cơ hội bị bỏ lỡ phổ biến nhất trong việc ngăn ngừa bệnh giang mai bẩm sinh là do 41% bà mẹ không được chăm sóc trước sinh hoặc xét nghiệm phát hiện giang mai kịp thời. Giang mai nguyên phát và thứ phát ở phụ nữ từ 15-44 tuổi tăng hơn 156% từ năm 2016 đến năm 2020. Dữ liệu ban đầu (tính từ năm 2021) cho thấy, giang mai nguyên phát, thứ phát và giang mai bẩm sinh đang tiếp tục gia tăng, với số ca giang mai bẩm sinh hiện đã cao hơn năm 2020.

Số trường hợp mắc bệnh lậu được phát hiện đã tăng 111% kể từ mức thấp lịch sử vào năm 2009. Trong giai đoạn 2019-2020, số ca mắc bệnh lậu gia tăng ở cả nam và nữ tại 36 trong số 50 bang và ở cả 2 miền của Mỹ. Các trường hợp gia tăng ở hầu hết các nhóm chủng tộc và sắc tộc, trong đó tỷ lệ gia tăng lớn nhất ở những người da đen không phải gốc Tây Ban Nha và người Mỹ gốc Phi và những người không phải gốc Tây Ban Nha thuộc nhiều chủng tộc.

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục gia tăng ở Mỹ trong thời kỳ đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Bệnh lậu gia tăng ở những người có quan hệ đồng giới nam

Từ năm 2013, các trường hợp mắc bệnh lậu ở nam nhiều hơn nữ, bao gồm các trường hợp nam quan hệ tình dục đồng giới và nam quan hệ tình dục khác giới. Trong giai đoạn 2019-2020, số ca mắc bệnh gia tăng ở cả nam và nữ nhưng mức tăng ở nữ nhiều hơn. Số liệu sơ bộ của năm 2021 cho thấy, khoảng 1/3 số ca mắc bệnh lậu vào năm 2020 xảy ra ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới. Trong khi đó, tỷ lệ nhiễm chlamydia có vẻ giảm nhẹ.

Nguyên nhân và giải pháp đối phó với vấn đề này

Theo CDC Mỹ, việc giảm tỷ lệ nhiễm chlamydia, là bệnh STD phổ biến nhất, có thể là do những thay đổi trong quá trình sàng lọc chứ không phải do giảm số ca nhiễm mới. Số ca nhiễm chlamydia cao nhất được thấy ở đối tượng thanh thiếu niên từ 15-24 tuổi. Vì chlamydia thường không có biểu hiện triệu chứng nên việc chẩn đoán phải phụ thuộc vào việc khám sàng lọc định kỳ. Tuy nhiên, trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, nhiều cơ sở y tế đã phải điều động nhân viên y tế nhằm kiểm soát dịch bệnh COVID-19, do đó đã làm giảm hoạt động khám sàng lọc chlamydia, và chỉ tập trung vào chẩn đoán, điều trị bệnh giang mai và bệnh lậu.

Bên cạnh đó, tỷ lệ mắc STD ở các nhóm thiểu số cao hơn so với những người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha. Vào năm 2020, 32% tổng số ca nhiễm chlamydia, lậu, giang mai nguyên phát và thứ phát xảy ra ở những người da đen không phải gốc Tây Ban Nha, mặc dù họ chỉ chiếm khoảng 12% dân số Mỹ.

Nam giới quan hệ tình dục đồng giới có tỷ lệ mắc STD cao. Sự gia tăng tỷ lệ bệnh ở đối tượng này có thể không phản ánh sự khác biệt về hành vi tình dục mà là sự khác biệt về khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, đặc biệt tỷ lệ mắc STD cao hơn ở các cộng đồng thiểu số nên các thành viên trong cộng đồng sẽ có nguy cơ cao hơn gặp phải bạn tình bị nhiễm bệnh.

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục gia tăng ở Mỹ trong thời kỳ đại dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Số ca nhiễm chlamydia cao nhất ở đối tượng 15-24 tuổi trong thời kỳ COVID-19

Leandro Mena, Giám đốc đơn vị điều trị STD của CDC Mỹ, cho biết: "Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy nâng cao nhận thức về STD. Các yếu tố xã hội và kinh tế, như nghèo đói và tình trạng bảo hiểm y tế, tạo ra các rào cản, tăng nguy cơ về sức khỏe và thường dẫn đến suy giảm sức khỏe nghiêm trọng hơn đối với một số người. Nếu chúng ta muốn đạt được hiệu quả lâu dài, chúng ta phải hiểu rõ nền tảng gây ra sự bất bình đẳng và phối hợp với các đối tác để thay đổi vấn đề này".

Ai dễ nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục?Ai dễ nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục?

SKĐS-Bệnh lây truyền qua đường tình dục (LTTD) là những bệnh gây tổn thương chủ yếu ở đường sinh sản (âm đạo, tử cung, vòi trứng và buồng trứng ở nữ...

Mời các bạn xem video được nhiều người quan tâm:

Bỉ cách ly 21 ngày với người mắc bệnh đậu mùa khỉ; Anh bắt đầu triển khai tiêm vaccine | SKĐS


BS.Tài Văn
Ý kiến của bạn