Các bệnh hay tấn công trẻ lúc trời rét

23-12-2016 09:05 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Vào mùa đông, sức đề kháng của trẻ suy giảm nên rất dễ ốm. Trong đó cảm cúm, bệnh đường hô hấp nằm trong số các bệnh hay tấn công trẻ vào mùa rét.

Mùa đông, nhiệt độ xuống rất thấp, mưa gió thất thường, độ ẩm trong không khí không ổn định... Ðây là thời điểm thuận lợi để nhiều loại vi khuẩn, virut phát triển mạnh, lại thêm sức đề kháng của trẻ suy giảm nên rất dễ ốm. Dưới đây là một số bệnh thường gặp khi trời lạnh giá ở trẻ em.

Bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa đông

Cảm cúm

Cảm cúm là bệnh mà trẻ nhỏ hay mắc phải, nhất là vào mùa lạnh. Đây là bệnh lý hô hấp do vi khuẩn, virut gây ra, bệnh rất dễ lây lan. Những triệu chứng đầu tiên của cảm cúm thường là ngứa họng, sổ mũi, nghẹt mũi và hắt hơi, sau đó là sưng họng, ho, đau đầu, sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ và chán ăn. Nước mũi của bé sẽ chuyển từ dạng lỏng sang đặc quánh và có màu vàng hoặc xanh. Tùy theo sức đề kháng của cơ thể mà thời gian mắc bệnh kéo dài hay rút ngắn, giảm nhẹ hoặc nghiêm trọng. Thậm chí, một số bệnh cúm diễn tiến nhanh và ồ ạt có thể khiến trẻ tử vong.

cac-benh-hay-tan-cong-tre-luc-troi-ret

​Giữ ấm cho trẻ những ngày rét là cách phòng bệnh hiệu quả. Ảnh: TM

Tiêu chảy

Tiêu chảy cũng là một trong các bệnh thường gặp vào mùa đông xuân ở trẻ. Tiêu chảy Rotavirus (hay tiêu chảy mùa đông) là bệnh nhiễm khuẩn dạ dày ruột cấp do virus Rota gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ ở lứa tuổi từ 3 - 24 tháng tuổi. Bệnh thường kéo dài 3 - 7 ngày. Biến chứng nguy hiểm của bệnh là mất nước, mất muối nhiều dễ dẫn đến trụy mạch, thậm chí tử vong nếu không được bù nước kịp thời.

Quai bị

Bệnh thường phát vào mùa đông xuân, khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, đặc biệt là thời gian giáp Tết. Bệnh xuất hiện ở những nơi đông người như: nhà trẻ, trường học, khu tập thể... Bệnh lây lan chủ yếu qua đường hô hấp qua nước bọt khi nói chuyện, ho hoặc hắt hơi. Bệnh thường gặp ở trẻ em lứa tuổi 5 -14.

Sau thời gian ủ bệnh từ 15 - 21 ngày, virut phát triển ở niêm mạc miệng, sau đó xâm nhập máu gây viêm các cơ quan. Viêm tuyến nước bọt là thể điển hình nhất. Trẻ sốt 38 - 39oC, nhức đầu, mệt mỏi, ăn ngủ kém; viêm và sưng tuyến mang tai, da căng phồng lên, không đỏ, đau, miệng khô và khó nuốt.

Trường hợp bé có biểu hiện sốt cao, ói mửa, nhức đầu hoặc bộ phận sinh dục sưng to thì cần phải đến bệnh viện điều trị càng sớm càng tốt. Nếu không được điều trị sớm, có thể xảy ra một số biến chứng như viêm não - màng não, viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng. Tình trạng viêm tinh hoàn có thể dẫn đến teo tinh hoàn và một số ít trong đó có khả năng dẫn đến vô sinh.

Các bệnh tai mũi họng và hô hấp

Viêm mũi: Thường xuất hiện sau khi trẻ bị nhiễm lạnh khiến trẻ khó chịu, nghẹt mũi và khó thở. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ khoảng 6 tháng tuổi đến 8 tuổi. Khi trẻ hít thở không khí đi từ ngoài vào đến phổi, cung cấp ôxy cho cơ thể đồng thời những tác nhân gây bệnh cũng vào theo. Nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh tái phát nhiều lần sẽ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm tai, viêm tai giữa cấp, viêm xoang cấp…

Nhiễm khuẩn tai: Trẻ nhiễm trùng tai có biểu hiện rất hay cáu giận, quấy khóc, thân nhiệt cao, chảy dịch ở tai. Trẻ bị viêm tai nhiều lần sẽ dẫn đến hiện tượng tai dính và làm cho trẻ giảm thính lực, bị điếc tạm thời.

Viêm họng cấp: Trẻ em bị viêm họng sẽ bị đau họng khi nuốt. Tiếng khóc hoặc trẻ đã biết nói thì khàn tiếng. Trẻ có thể bị viêm họng do nhiều loại vi khuẩn nhưng đáng sợ nhất là nguyên nhân viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, nếu không được chữa trị dứt điểm có thể gây ra biến chứng thấp tim.

Viêm tiểu phế quản: Viêm tiểu phế quản là bệnh hô hấp cấp tính, rất hay gặp ở trẻ nhỏ do viêm tắc các đường hô hấp nhỏ (tiểu phế quản). Bệnh dễ xuất hiện trong 2 năm đầu đời, với tần suất cao nhất vào 6 tháng tuổi. Triệu chứng ban đầu thường thấy là trẻ ho, chảy nước mũi trong, sốt vừa hoặc cao. Trẻ có thể xuất hiện những cơn ho ngày một kéo dài, nhất là về nửa đêm hoặc gần sáng. Khi ấy, trẻ thường thở khò khè hoặc khó thở, thậm chí ngừng thở, bú kém, hay bị nôn trớ. Nếu bệnh được phát hiện và điều trị sớm sẽ cho kết quả tốt, những trường hợp nặng gây suy hô hấp có thể bị tử vong.

Viêm khí phế quản, biến chứng viêm phổi: Khí quản là ống dẫn lớn nhất trong hệ thống hô hấp. Viêm khí phế quản có thể xảy ra ở trẻ mọi lứa tuổi, thường sau khi thay đổi thời tiết hoặc bị viêm họng, viêm mũi do không chữa trị dứt điểm hoặc theo diễn biến của bệnh... Nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh chỉ sổ mũi trong, ho nhẹ, nếu tình trạng này kéo dài, không điều trị đúng, trẻ dễ bị nhiễm trùng lan rộng và sâu hơn vào phế quản phổi, phế nang và nhu mô phổi rất nguy hiểm với các triệu chứng sốt cao, ho khạc, ho đàm đặc, có màu xanh hoặc vàng, trẻ nằm li bì một chỗ.

Cách phòng bệnh cho trẻ vào mùa đông

Phòng thế nào cho hiệu quả?

Để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý: Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, phòng ngủ của trẻ cần kín gió, tránh hướng cửa gió lùa. Vệ sinh cơ thể, đặc biệt là tai, mũi, họng, răng miệng sạch sẽ cho trẻ hằng ngày. Giữ ấm cho trẻ (các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu), nhất là khi đưa trẻ ra ngoài trời vào buổi tối hoặc sáng sớm. Không cho trẻ tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp và những chỗ đông người ngột ngạt, có khói thuốc lá, không tiếp xúc với chó mèo. Tăng cường dinh dưỡng với thực đơn cân đối của các nhóm dưỡng chất như: tinh bột, chất đạm, chất béo và rau củ quả. Cho trẻ uống nước ấm, tránh ăn những thức ăn lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Với những trẻ bị tiêu chảy, do cơ thể bị mất nước vì vậy cần được bổ sung lượng nước thay thế. Ngoài nước uống có thể cho trẻ uống thêm các loại nước sinh tố, sữa tươi để tăng sức đề kháng và dinh dưỡng cho trẻ. Cho trẻ đi tiêm phòng vaccin đúng lịch để phòng chống bệnh tật.

Khi trẻ ốm, cần theo dõi diễn biến bệnh, có cách xử trí đúng. Khi thấy bệnh có những dấu hiệu nặng hơn và khó lường, cần cho trẻ nhập viện để được xử trí sớm và đúng cách, tránh để xảy ra các biến chứng nguy hiểm. Không tự ý cho trẻ dùng thuốc khi chưa có chỉ định của thầy thuốc. Dùng không đúng thuốc, trẻ không khỏi bệnh và có thể gặp tai biến do thuốc.

BS. Hạnh Nguyễn


Ý kiến của bạn