Hà Nội

Các bệnh gây ngứa trong mùa hè và thuốc trị

11-05-2013 11:58 | Dược
google news

Mùa hè là mùa có đặc điểm thời tiết nóng ẩm, kéo theo đó là một loạt các bệnh da gây ngứa. Trong những ngày đầu hè, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận một số lượng lớn bệnh nhân đến khám và điều trị vì triệu chứng này. Các bệnh gây ngứa sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt của bệnh nhân và cần được điều trị kịp thời.

Mùa hè là mùa có đặc điểm thời tiết nóng ẩm, kéo theo đó là một loạt các bệnh da gây ngứa. Trong những ngày đầu hè, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận một số lượng lớn bệnh nhân đến khám và điều trị vì triệu chứng này. Các bệnh gây ngứa sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt của bệnh nhân và cần được điều trị kịp thời.

Ngứa do côn trùng đốt

Côn trùng đốt là nguyên nhân phổ biến nhất gây ngứa trong mùa hè. Các loại côn trùng như muỗi, ruồi, côn trùng cánh cứng… phát triển rất mạnh vào mùa hè. Biểu hiện lâm sàng của bệnh là những sẩn phù kích thước khoảng vài milimet, xung quanh có quầng đỏ viêm, ngứa nhiều. Tổn thương phân bố chủ yếu ở vùng da hở. Trường hợp nặng tổn thương có thể phù to, loét, chảy dịch, bội nhiễm thêm vi khuẩn sinh mủ.

Bôi mỡ corticoid: có nhiều loại corticoid khác nhau, tùy vị trí của thương tổn và lứa tuổi của bệnh nhân mà lựa chọn loại corticoid phù hợp. Với trẻ nhỏ (dưới 15 tuổi) hoặc những vị trí da mỏng (da mặt, các nếp gấp): nên sử dụng corticoid loại nhẹ hoặc trung bình như: hydrocortioson, triamcinolone acetate, desonide. Với người lớn và vùng da dày: nên sử dụng các loại corticoid loại trung bình hoặc mạnh như: dexamethasone, betametasone.

Sử dụng thuốc chống ngứa loại kháng histamin H1: đối với trẻ em và phụ nữ mang thai có thể sử dụng chlorpheniramin. Với người lớn và trẻ lớn có thể dùng loratadin, desloratadin, hay certirizin.

Để phòng ngừa côn trùng đốt nên vệ sinh môi trường sống, dùng thuốc phun diệt côn trùng, khi đi ngủ phải nằm màn, bôi thuốc chống côn trùng: lưu ý, nên bôi thuốc từ 16 giờ - 16 giờ 30, không nên bôi quá muộn.

Các bệnh gây ngứa trong mùa hè và thuốc trị 1
 Trẻ bị kiến khoang đốt gây ngứa và thương tổn trên da.

Viêm da tiếp xúc do côn trùng

Đây là khái niệm hoàn toàn khác với bệnh côn trùng đốt như vừa nêu. Trong một số loại côn trùng có các loại phấn hoặc chất tiết có thể gây dị ứng hoặc gây bỏng da khi ta tiếp xúc với chúng. Nguyên nhân phổ biến nhất trong nhóm bệnh này là viêm da tiếp xúc do kiến khoang. Kiến khoang chứa một loại axit rất mạnh, khi tiếp xúc trực tiếp với da sẽ gây bỏng. Biểu hiện lâm sàng là vết trợt hoặc loét, xung quanh có quầng đỏ viêm, ở giữa hoại tử, bề mặt có ít mủ trắng. Từ vị trí ban đầu bị tổn thương, bệnh nhân thường gãi, quệt tay từ vị trí bị bệnh sang vị trí da lành và mang theo axít, vì vậy, đa số bệnh nhân bị tổn thương ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể.

Sơ cứu ban đầu: dùng gạc ẩm thấm vào vị trí da bệnh, làm đi làm lại nhiều lần để gạc ẩm thấm hút bớt các chất gây dị ứng. Tuyệt đối không dùng gạc quệt từ vùng da bệnh sang vùng da lành xung quanh vì khi đó chúng ta đã vô tình mang chất gây bệnh từ vùng bệnh sang vùng da lành.

Dùng thuốc bôi corticoid kết hợp với kháng sinh: các loại thuốc vừa chứa corticoid và kháng sinh nên được ưu tiên lựa chọn trong trường hợp này. Nó vừa có tác dụng chống dị ứng, vừa có tác dụng đề phòng bội nhiễm vi khuẩn. Có thể sử dụng hydrocortison phối hợp với fucidic acid. Hoặc betamethasone phối hợp với fucidic acid. Hay betamethasone phối hợp với tetracycline.

Dùng thuốc chống ngứa loại kháng histamin H1: Đối với trẻ em và phụ nữ mang thai có thể sử dụng chlorpheniramin. Với người lớn và trẻ lớn có thể sử dụng loratadin, desloratadin hoặc certirizin.

Rôm sảy

Bản chất của rôm sảy là do khi gặp trời nóng, tuyến mồ hôi tăng tiết mồ hôi, mồ hôi thoát ra không kịp sẽ bị ứ đọng lại tạo thành những nốt rôm. Trên lâm sàng sẽ thấy xuất hiện những mụn nhỏ li ti bằng đầu đinh ghim tập trung trên nền da đỏ, ngứa nhiều. Khi đi vào nơi mát, các triệu chứng giảm rõ rệt.

Trường hợp nhẹ: chỉ cần cho người bệnh nghỉ ngơi ở môi trường mát, tắm rửa sạch sẽ.

Trường hợp nặng: có thể phải sử dụng corticoid loại nhẹ hoặc trung bình trong thời gian ngắn. Kết hợp với các thuốc chống ngứa loại kháng histamin H1 như đã trình bày ở trên.

Viêm da dầu

Bệnh viêm da dầu là bệnh da khá phổ biến, biểu hiện lâm sàng là nổi dát đỏ, ngứa nhiều ở hai cung mày, rãnh mũi má và da đầu. Trên da đầu có rất nhiều vảy da (còn gọi là gầu). Trong mùa khô hanh, biểu hiện gàu và ngứa da đầu là nguyên nhân chính gây khó chịu cho người bệnh. Việc điều trị dứt điểm bệnh là rất khó khăn, tuy nhiên có thể điều trị theo từng đợt tiến triển với các loại thuốc bôi và dầu gội có chứa các chất chống nấm như ketoconazole, selenium sulfide. Để đề phòng tiến triển nặng của bệnh, cần hạn chế các loại đồ ăn cay nóng, hạn chế uống rượu bia và sử dụng các loại dầu gội có các chất chống nấm như đã nói ở trên.

Bệnh lý về gan mật

Các bệnh lý về gan gây ứ muối mật trong cơ thể. Muối mật sẽ thấm vào các đầu mút thần kinh ở da gây ngứa. Việc điều trị bằng các thuốc chống ngứa chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng của bệnh chứ không có tác dụng điều trị triệt để. Những trường hợp này, người bệnh cần khám, xét nghiệm đánh giá chức năng gan để điều trị kịp thời, đồng thời hạn chế uống rượu bia để bảo vệ chức năng gan. Giải quyết tận gốc các bệnh lý của gan mật, kết hợp với uống nhiều nước.     

PGS.TS. Nguyễn Văn Thường (Bệnh viện Da liễu Trung ương)


Ý kiến của bạn