Các bệnh có thể dự phòng bằng vắc-xin: Bệnh uốn ván

20-11-2018 10:10 | Đời sống
google news

SKĐS - Bệnh uốn ván là một bệnh cấp tính do ngoại độc tố (tetanus exotoxin) của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Các triệu chứng của bệnh được biểu hiện là những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ toàn thân.

Tác nhân gây bệnh

Là trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani), gram dương, di động tương đối trong môi trường yếm khí. Trực khuẩn thường tạo nha bào hình cầu tròn ở dạng tự do hoặc ở một đầu của tế bào trực khuẩn có hình dùi trống. Vi khuẩn uốn ván chết ở 56°C nhưng nha bào uốn ván rất bền vững. Nha bào còn khả năng gây bệnh uốn ván sau 5 năm tồn tại trong đất. Các dung dịch sát trùng như phenol, formalin có thể diệt nha bào sau 8-10 tiếng. Nha bào chết sau khi đun sôi 30 phút.

Nha bào uốn ván xâm nhập cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm đất bẩn.

Nha bào uốn ván xâm nhập cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm đất bẩn.

Nguồn truyền nhiễm

Trực khuẩn uốn ván tồn tại trong ruột của súc vật, nhất là trong ruột các đại gia súc ăn cỏ như ngựa, trâu, bò..., kể cả người, tại đây, vi khuẩn cư trú một cách bình thường, không gây bệnh.

Nha bào uốn ván có thể tìm thấy trong đất và các đồ vật bị nhiễm phân súc vật hoặc phân người. Nha bào uốn ván có mặt ở mọi nơi trong môi trường tự nhiên và có thể gây nhiễm cho tất cả các loại vết thương.

Thời gian ủ bệnh: Thường từ 3 - 21 ngày. Cũng có thể từ 1 ngày cho tới vài tháng, phụ thuộc vào đặc điểm, độ lớn và vị trí vết thương. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 10 ngày. Hầu hết các trường hợp bệnh xuất hiện trong vòng 14 ngày. Nói chung, các vết thương bị nhiễm bẩn nặng thì thời gian ủ bệnh ngắn hơn và bệnh cũng nặng hơn, tiên lượng xấu hơn.

Thời kỳ lây truyền: Bệnh uốn ván, kể cả uốn ván sơ sinh (UVSS), xảy ra tản phát đối với những người chưa được miễn dịch đầy đủ do ngẫu nhiên bị nhiễm nha bào uốn ván. Đây là bệnh nhiễm khuẩn không lây truyền trực tiếp từ người này sang người khác.

Phương thức lây truyền

Thông qua nha bào, uốn ván xâm nhập cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ hoặc do tiêm chích nhiễm bẩn. Đôi khi có trường hợp uốn ván sau phẫu thuật, nạo thai trong những điều kiện không vệ sinh. Có trường hợp tổ chức của cơ thể bị hoại tử và các dị vật xâm nhập vào cơ thể bị nhiễm bẩn tạo ra môi trường yếm khí cho các nha bào uốn ván phát triển.

Trẻ sơ sinh bị UVSS là do nha bào uốn ván xâm nhập qua dây rốn trong khi sinh đẻ vì cắt rốn bằng dụng cụ bẩn hoặc sau khi sinh, trẻ không được chăm sóc rốn sạch sẽ và băng đầu rốn bị cắt không vô khuẩn nên đã bị nhiễm nha bào uốn ván.

Triệu chứng

Đau, co cứng cơ (cứng cổ, hàm và cơ bụng), khó nuốt, uống sặc, sốt, co giật và co thắt. Đối với uốn ván sơ sinh: trẻ bỏ bú, khít hàm, co cứng toàn thân. Biến chứng: gãy xương, khó thở, tử vong.

Vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani).

Vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani).

Các biện pháp dự phòng

Tiêm vắc-xin phòng uốn ván để chủ động phòng uốn ván cho mẹ và UVSS cho con vì miễn dịch của người mẹ do vắc-xin có giá trị phòng được UVSS cho con.

Gây miễn dịch rộng rãi cho mọi người bằng vắc-xin uốn ván, nhất là các đối tượng có nguy cơ mắc cao, kể cả những người khi khỏi bệnh uốn ván. Trẻ em dưới 1 tuổi sẽ được tiêm vắc-xin phối hợp phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib.

Phụ nữ có thai cần có miễn dịch cơ bản bằng 2 liều vắc-xin uốn ván cách nhau tối thiểu 1 tháng. Liều thứ 2 phải tiêm trước khi sinh 1 tháng. Những lần có thai sau cần tiêm nhắc lại 1 liều uốn ván trước khi sinh 1 tháng.

Phụ nữ tuổi sinh đẻ cần được tiêm 3 liều uốn ván, liều 2 cách liều 1 tối thiểu 1 tháng, liều 3 cách liều 2 tối thiểu 6 tháng.

Hiệu lực và thời gian bảo vệ

Tiêm đủ mũi có thể bảo vệ trên 95% cho người được tiêm, tiêm cho bà mẹ để bảo vệ cho con tùy thuộc vào số mũi tiêm. 3 mũi tiêm có giá trị bảo vệ từ 3-5 năm, 4 mũi tiêm có giá trị bảo vệ trên 10 năm.

Chống chỉ định

Khuyến cáo không tiêm cho các trường hợp dị ứng nặng (sốc phản vệ) sau mũi tiêm trước hoặc với bất cứ thành phần nào của vắc-xin. Có thể hoãn tiêm đối với các trường hợp trước đây từng bị phản ứng dị ứng hay rối loạn thần kinh sau khi tiêm vắc-xin, đang bị sốt, nhiễm trùng cấp tính hay đang có đợt tiến triển của bệnh mạn tính.

Tác dụng không mong muốn

Phản ứng thông thường: đau, sưng, nóng tại chỗ tiêm; chóng mặt, sốt nhẹ, quấy khóc; thường hết sau 1- 2 ngày.

Phản ứng nặng: Rất hiếm gặp sốc phản vệ.

Lưu ý: Không được tiêm bắp cho người bị rối loạn chảy máu như hemophili hoặc giảm tiểu cầu.

(Theo tài liệu Dự án TCMR và sách Khuyến cáo sử dụng vắc-xin cho mọi lứa tuổi ở Việt Nam)


Linh Giang
Ý kiến của bạn