Viêm tắc mạch, Đông y gọi là chứng “thoát thư”. Bệnh thường hay gặp nhiều nhất là ở chân. Thời gian đầu, đầu chi lạnh tê dại; tiếp theo là đau, đau tăng dần, có khi đang đi mà đau phải ngồi xuống mới chịu được; đầu ngón chân hoặc ngón tay tím tái, gặp lạnh sưng, đau tăng lên, lâu ngày gây hoại tử khó điều trị. Cơ nhục ngón tay hoặc chân tím đen, hoại tử…
Theo Đông y, bệnh chủ yếu là do mạch lạc bị nghẽn tắc, khí huyết không được lưu thông, thận khí hư tổn hàn và thấp ứ đọng lâu ngày làm cản trở vận hành của kinh mạch, khí huyết. Hoặc do ăn nhiều chất béo mỡ hoặc hút thuốc, nghiện rượu là những yếu tố thuận lợi để phát sinh bệnh; tổ chức bì phu cơ nhục không được nuôi dưỡng gây ra hoại tử.
Suy giãn tĩnh mạch là nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm tắc tĩnh mạch chi.
Thời kỳ đầu: Vệ khí dinh huyết không điều hoà máu lưu thông kém, đặc biệt là vùng xa như đầu ngón tay, chân nên có dấu hiệu ngón chân lạnh, tê dại kiến bò; bàn tay, bàn chân, cẳng chân đau, tê lạnh, đau cách hồi.
Thời kỳ tiếp theo: Khí trệ huyết ứ, mạch máu tắc nghẽn, ngón chân hoặc ngón tay tím đỏ dần chuyển thành tím, đen, đau, tê, nhức.
Hàn tà bị bó lại, uất kết nung nấu tân dịch, hoá hoả, hoả độc làm cơ nhục tổn thương, sưng to, vỡ, chảy nước vàng hoặc máu, mủ tuỳ thuộc vào hoả độc tà mạnh hay yếu, nhiều hay ít; cuối cùng gây tổn thương cơ nhục, cân mạc, xương khớp hoại tử, thậm chí rụng đốt xương.
Tuỳ từng chứng trạng mà dùng bài thuốc phù hợp như sau:
Thể Hư hàn:
Triệu chứng: Sắc mặt tái nhợt, người mệt mỏi, thích ấm sợ lạnh, chi mắc bệnh lạnh, sắc da tái nhợt, tê dại, đau, chườm nóng hoặc đắp ấm dễ chịu, cẳng chân, tay hay giật, đau mỏi tăng dần, nhiều khi đang đi phải đứng lại vì đau (đau cách hồi), tiểu tiện trong, đầy bụng hoặc sôi bụng, đại tiện lỏng; Lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng; Mạch trầm trì vô lực.
Bài thuốc: đương qui 12g, xích thược 12g, đào nhân 10g, hồng hoa 8g, quế chi 8g, đan sâm 12g, ngưu tất 16g, tang ký sinh 16g, bạch giới tử 8g, sinh hoàng kỳ 12g, xuyên luyện tử 12g, bào khương 8g, hắc phụ tử 10g.
Các vị trên sắc với 1.500ml nước còn 300ml. Sắc uống ngày 1 thang chia làm 3 lần.
Khí trệ huyết ứ:
Triệu chứng: Sắc mặt tối sạm, tinh thần ủ rũ, bứt rứt dễ nóng nảy, đêm đau tăng, chân hoặc tay lạnh, sắc da thâm tím, khô; chất lưỡi đỏ hoặc tím thâm. Mạch trầm tế.
Bài thuốc: đương qui 12g, hoàng kỳ 16g, sinh địa 12g, huyền sâm 12g, kim ngân hoa 10g, bồ công anh 10g, tử hoa địa đinh 12g, đan sâm 12g, hồng hoa 8g, nhũ hương 10g, mộc dược 10g, diên hồ sách 8g, cam thảo 6g.
Các vị trên sắc với 2.000ml nước, lọc bỏ bã lấy 200ml. Sắc uống ngày 1 thang chia làm 3 lần.
Nhiệt độc thịnh:
Triệu chứng: Sắc mặt sạm khô, người bứt rứt khó chịu, ù tai chóng mặt, chi mắc bệnh đen tím, sưng to mọng, đau liên tục, tại chỗ bắt đầu lở loét hoại tử, chi phù da bóng, chảy nước hoặc chảy máu, mủ; chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng dày. Mạch tế sác.
Bài thuốc: hoàng kỳ16g, đương qui 12g, kim ngân hoa 16g, sinh cam thảo 6g, đan sâm 12g, tử thảo nhung 12g, xích thược 12g, ngưu tất 12g, nhũ hương 10g, một dược 10g, địa miết trùng10g địa long 12g.
Các vị trên sắc với 2.000ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 200ml. Sắc uống ngày 1 thang chia làm 3 lần.
Khí huyết lưỡng hư:
Triệu chứng: Người mệt mỏi, gầy yếu, ra nhiều mồ hôi, chi bị bệnh đau ít hoặc đỡ đau, vết loét lâu ngày chảy mủ, máu hoặc nước vàng, không liền miệng, da sắc vàng sạm; chất lưỡi bệu, nhợt, mạch trầm tế vô lực.
Phương pháp điều trị: Bổ khí dưỡng huyết, hoạt huyết thông lạc.
Bài thuốc: kim ngân hoa 16g, đương qui 12g, thạch hộc 12g, hoàng kỳ 16g, sâm cát lâm 10g, ngưu tất 12g, xuyên sơn giáp 10g.
Các vị trên sắc với 2.000ml nước, lọc bỏ bã lấy 200ml. Sắc uống ngày 1 thang chia làm 3 lần.
Chú ý: Khi có biểu hiện thoát thư có thể ngâm rửa bằng nước sắc lá mỏ quạ với muối.