Hà Nội

Các bài thuốc nam sử dụng ngay khi nghi ngờ ngộ độc hải sản

SKĐS - Ngộ độc hải sản xảy ra khi ăn phải hải sản nhiễm độc, bị ôi thiu... Loại ngộ độc này có thể xảy ra với bất kỳ ai, cả người lớn, trẻ em và người lớn tuổi.

1. Phân loại ngộ độc hải sản

1.1 Ngộ độc ciguatera

Đây là loại ngộ độc hải sản phổ biến nhất do ăn phải cá sống ở rặng san hô chứa độc tố tự nhiên. Chất độc được tích tụ trong gan, ruột, đầu, trứng các loại cá. Nếu ăn phải sẽ dẫn tới ngộ độc, đặc biệt, loại độc tố này không phân hủy ở nhiệt độ cao.

Ngộ độc ciguatera thường xảy ra sau 1-2 giờ sau khi ăn hải sản. Người bệnh có biểu hiện ngứa ran, tê quanh ngón tay, ngón chân, miệng, lưỡi, cổ họng, đau khớp, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi,có thể ngất xỉu, khó thở trong trường hợp nặng.

1.2 Ngộ độc scombroid

Còn gọi là ngộ độc histamin xảy ra khi ăn phải những loại cá bị hư hỏng, cá bị ươn, biến chất, hàm lượng histamin cao gây ngộ độc.

Biểu hiện ngộ độc rất nhanh trong vòng 30 phút đến vài giờ sau ăn. Người bệnh có cảm giác lưỡi bỏng rát, phần trên cơ thể đỏ bừng, ngứa, nhức đầu, chóng mặt, tiêu chảy, nặng thì khó thở, tụt huyết áp.

1.3 Ngộ độc động vật có vỏ

Những động vật giáp xác có vỏ như ngao, sò, trai, cua, ghẹ, tôm... nếu bị nhiễm ký sinh trùng như giun tròn, sán dây, sán lá gan...chưa được chế biến kỹ có nguy cơ gây ngộ độc.

Biểu hiện vài giờ sau ăn. Người bệnh bị tê ngứa môi, cảm giác kiến bò chân tay, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, nặng có thể lú lấn, nhiễm độc thần kinh dẫn tới hôn mê, tử vong.

Trường hợp rất nặng có thể nôn ra máu, sốc phản vệ, ngừng tim, ngừng thở, tử vong nhanh chóng.

photo-1681807175356

Đau bụng, buồn nôn... là biểu hiện thường gặp khi bị ngộ độc hải sản.

2. Bài thuốc nam dùng khi nghi ngờ bị ngộ độc hải sản

Với các trường hợp ngộ độc nặng như khó thở, tụt huyết áp, ngất xỉu, hôn mê... cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Với các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ bị ngộ độc hải sản, có thể dùng một số bài thuốc nam sau đây, sau đó người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế khám, tư vấn, điều trị kịp thời.

3.1 Bài thuốc gây nôn

  • Đỗ xanh còn sống giã nát, sau đó cho vào nước quấy đều lọc lấy nước uống.
  • Rau muống giã nát lọc lấy nước uống.
  • Củ chuối tiêu thái mỏng đổ ngập nước, lấy 0,5l nước, thêm muối, sắc uống.
photo-1681807178704

Nước đậu xanh giã nát giúp người bị ngộ độc nôn hết thức ăn.

3.2 Sau khi gây nôn xong có thể dùng

  • Nếu ngộ độc kèm tiêu chảy: Tỏi 100g sắc với 300ml nước, còn 100ml uống ấm.
  • Nếu nôn bụng đầy chướng: Hạt thìa là 3-6g, nhai nuốt.
  • Nếu nôn nhiều, đau bụng, đại tiện lỏng: Giềng, gừng khô, củ gấu mỗi thứ 6g sắc uống.
  • Đậu ván trắng 20g, hương nhu 3g, hậu phác 20g. Sắc uống.

3.3 Ngộ độc gây mẩn ngứa dị ứng

  • Lá tía tô một nắm giã nát lấy nước cốt uống.
  • Gừng sống 10g, hành trắng 15g, sắc lấy nước uống.
  • Cam thảo bắc 20g, đậu xanh 20g. Sắc uống.

Những lưu ý nhằm tránh ngộ độc hải sản

  • Không ăn những loại hải sản không rõ nguồn gốc, nghi ngờ có chất độc, hải sản được chế biến từ lâu trước đó. Chỉ ăn những hải sản có nguồn gốc rõ ràng, tươi sống, được nấu chín hoặc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Không ăn hải sản sống ở nguồn nước ô nhiễm, không ăn đầu, trứng, gan cá sống ở vùng nước ấm.
  • Duy trì lượng histamin thấp nhất bằng cách bảo quản hải sản ở tủ lạnh dưới 5 độ C.

Mời bạn xem tiếp video:

Chế độ ăn giúp giảm nguy cơ ung thư | SKĐS


BS. Vũ Duy Thành
Khoa Đông y, Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống, Thanh Hóa
Ý kiến của bạn