Một người bình thường dành khoảng 7 giờ mỗi ngày để nhìn vào màn hình thiết bị điện tử. Ánh sáng chói, phản chiếu từ các thiết bị điện tử có thể làm giảm tỷ lệ chớp mắt tới 60%, dẫn đến các vấn đề về mắt, trong đó hay gặp là tình trạng khô mắt.
1. Vai trò của tập luyện đối với người bị khô mắt
Khô mắt là tình trạng xảy ra khi quá trình sản xuất nước mắt không đủ hoặc nước mắt bốc hơi quá nhanh. Nhiều người nghĩ rằng nước mắt chỉ xuất hiện khi khóc. Thực tế không phải như vậy, trên bề mặt nhãn cầu luôn được bao phủ bởi một lớp màng phim nước mắt, bao gồm nước, muối, dầu, protein, chất nhầy. Màng phim này có nhiệm vụ bôi trơn, giữ cho mắt luôn được sạch sẽ, ngăn cản bụi, vi khuẩn tấn công và nuôi dưỡng giác mạc.
Các triệu chứng của hội chứng khô mắt bao gồm mắt đỏ và khô, mắt bị kích ứng, mờ mắt, đau hoặc nhức mắt, nhạy cảm với ánh sáng và có chất nhầy quanh mắt.
Khô mắt không chỉ gây khó chịu cho người gặp phải mà nếu chủ quan không quan tâm điều trị có thể dẫn tới nhiều vấn đề lâu dài như sẹo giác mạc, suy giảm thị lực, đau đầu, khó tập trung…
Các bài tập luyện có vai trò tích cực đối với những người khô mắt:
- Giảm thiểu triệu chứng mỏi mắt, ngứa, khô mắt, đau đầu...
- Giúp cơ mắt khỏe hơn, tăng cường chức năng của mắt và giúp bạn tập trung tốt hơn.
- Giảm độ nhạy cảm với ánh sáng.
- Thư giãn đôi mắt và tăng tuần hoàn lưu thông máu tốt hơn đến mắt.
- Hạn chế sự tiến triển nặng hơn của cận thị và các vấn đề thị lực khác như thoái hóa điểm vàng,…
2. Các bài tập tốt nhất cho người bị khô mắt
Dưới đây là một số bài tập giúp cải thiện chứng khô mắt hiệu quả mà bạn có thể áp dụng tại nhà:
2.1. Bài tập chớp mắt nhanh
Chớp mắt và nước mắt tự nhiên luôn song hành với nhau. Việc tập trung học tập, làm việc cao độ hay nhìn màn hình điện tử làm gián đoạn việc chớp mắt thường xuyên, từ đó làm tăng nguy cơ khô mắt.
Vì vậy, nếu bạn bắt đầu nhận thấy mắt khô hoặc đau đầu, hãy cố gắng chớp mắt một cách có ý thức với tốc độ bình thường. Hãy luôn nhắc nhở bản thân làm điều này.
Cách thực hiện: Để thử bài tập chớp mắt, hãy hẹn giờ mỗi lần 1 phút. Chớp mắt tối đa 50 lần theo chiều lên và xuống. Nhắm và mở mắt nhanh chóng. Bạn có thể lặp lại quá trình này tối đa năm lần mỗi ngày.
2.2. Bài tập chớp mắt - mím mi
Đây cũng là một bài tập chớp mắt khác mà bạn cũng có thể áp dụng để giảm thiểu chứng khô mắt.
Cách thực hiện: Nhẹ nhàng nhắm chặt hai mắt lại trong vòng 2 giây. Trong khi nhắm mắt, hãy mím chặt mí mắt lại với nhau một cách nhẹ nhàng và chậm rãi. Nhẹ nhàng mở mắt và thư giãn. Lặp lại 5 lần.
2.3. Bài tập nhắm mắt
Một phương pháp thay thế khả thi cho bài tập chớp mắt ở những người khô mắt là bài tập nhắm mắt, hay còn gọi là bài tập "làm việc mù". Mục đích của phương pháp này là giúp mắt được nghỉ ngơi hoàn toàn bằng cách nhắm mắt lại trong một khoảng thời gian (không phải thời gian ngủ).
Bài tập nhắm mắt này đem lại hữu ích cho những người thường xuyên làm việc với màn hình điện tử. Hãy cố gắng dành vài phút mỗi ngày để nhắm mắt hoàn toàn.
Cách thực hiện: Đặt thời gian sau khoảng 45 - 60 phút làm việc thì tạm ngưng. Nhắm chặt hai mắt nghỉ ngơi và thư giãn trong vòng 2 phút. Sau đó mở mắt ra và tiếp tục làm việc. Lặp lại bài tập này khoảng vài lần mỗi ngày.
2.4. Bài tập quy tắc 20 - 20 - 20
Mắt phải điều tiết và làm việc trong thời gian dài nên nhiều người thường xuyên gặp phải tình trạng mỏi mắt, khô mắt, nhức đầu. Nếu bạn làm việc trước máy tính cả ngày, quy tắc 20 - 20 - 20 có thể giúp ích cho bạn trong việc giảm mỏi mắt, giảm căng thẳng cho mắt và não bộ, tạo ra một khoảng thời gian nghỉ ngơi và thư giãn.
Cách thực hiện: Đặt một bộ hẹn giờ nhắc nhở 20 phút một lần. Khi chuông báo kêu, hãy dừng công việc lại và nhìn một vật thể nằm cách bạn khoảng 20 feet (tương đương 6 mét) trong vòng 20 giây.
2.5. Các bài tập chuyển động mắt
Bạn có thể thực hiện các bài tập chuyển động, thay đổi tiêu điểm nhìn cho mắt để cải thiện tình trạng mỏi mắt, khô mắt:
Bài tập đảo mắt: Đảo mắt từ từ theo từng hướng phải - trái - trên - dưới, lặp lại mỗi hướng 5 lần.
Bài tập hình số tám: Tưởng tượng số tám nằm ngang trước mặt, cách khoảng 3m. Bắt đầu chuyển mắt, vẽ thành hình cong số 8 mà không di chuyển đầu. Lặp lại khoảng 5 lần mỗi ngày.
Bài tập thay đổi tiêu cự gần xa: Đưa ngón cái trước mặt, cách mắt khoảng 25cm. Tập trung nhìn vào ngón tay trong vòng 15 giây. Sau đó, nhìn một vật cách bạn khoảng 4m trong15 giây rồi quay trở lại nhìn ngón tay. Lặp lại khoảng 5 lần.
2.6. Chườm ấm và massage
Một bước thư giãn mắt mà những người khô mắt không nên bỏ qua chính là massage và chườm ấm cho đôi mắt của mình. Hơi ấm sẽ giúp kích hoạt nước mắt trong khi thư giãn các cơ mắt. Những tác dụng này kết hợp với nhau giúp giảm mỏi mắt, tránh căng thẳng cơ và thư giãn tinh thần.
Cách thực hiện: Xoa đều hai tay cho nóng lên, sau đó áp lên mắt. Thực hiện từ 5 - 7 lần. Hoặc lấy khăn ấm đắp lên mắt để thư giãn trong vòng 1 phút. Ngoài ra, bạn cũng có thể rửa mắt bằng nước ấm 2 - 3 lần/ngày.
3. Lưu ý khi tập cho người bị khô mắt
Nếu cảm thấy khó chịu mắt, tốt hơn hết bạn vẫn nên đi thăm khám và gặp bác sĩ để được đánh giá và cho lời khuyên tốt nhất. Đặc biệt, nên kiểm tra ngay khi có các biểu hiện như: Tầm nhìn mờ hơn. Mắt nhạy cảm với ánh sáng. Thường xuyên chảy nước mắt hoặc khô mắt bất thường. Đỏ mắt, kích ứng mắt, cảm giác châm chích và bỏng rát ở mắt. Co giật bất thường hoặc chớp mắt quá mức. Đau mắt.
Bên cạnh các bài tập cho mắt, bạn cũng cần thay đổi lối sống, làm việc và sinh hoạt để tránh tình trạng khô mắt, mỏi mắt và các vấn đề thị lực khác:
- Không làm việc hay vui chơi quá lâu trên các thiết bị, màn hình điện tử.
- Thiết lập các khoảng thời gian nghỉ ngơi cho mắt sau 45 - 60 phút làm việc.
- Thực hiện các bài tập mắt thường xuyên và đều đặn mỗi ngày.
- Bổ sung dinh dưỡng tốt cho mắt như thực phẩm giàu vitamin A, omega…
- Không hút thuốc lá, không sử dụng các chất kích thích hay các thói quen có hại cho sức khỏe.