1. Vai trò của việc tập luyện với người bệnh u lách lành tính
Theo BS Nguyễn Thị Phương Thảo - Khoa Hóa trị liệu và bệnh máu (A6B), Viện Ung thư, Bệnh viện TWQĐ 108, khi cơ thể nhận số lượng hoạt động được khuyến nghị (7,5-15 giờ mỗi tuần, tương đương với 2,5-5 giờ/ngày hoạt động cường độ vừa phải hoặc 1,25-2,5 giờ/ngày hoạt động mạnh) sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ mắc ung thư.
Tập luyện vừa phải giúp tăng cường hệ miễn dịch, làm cơ thể trở nên dẻo dai và chống lại nhiều loại bệnh tật khác. Đồng thời cải thiện tuần hoàn máu, giúp cơ thể vận chuyển oxy và dinh dưỡng hiệu quả hơn, hỗ trợ chức năng của các cơ quan, bao gồm cả lá lách.
Tăng cân và béo phì có thể ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan trong cơ thể, bao gồm lá lách. Do đó, duy trì cân nặng hợp lý qua tập luyện nhẹ nhàng là cần thiết cho người mắc u lách lành tính.
Tập thể dục cũng giúp giảm căng thẳng, lo âu, cải thiện tâm trạng, giúp cơ thể sản sinh ra hormone hạnh phúc endorphin. Đồng thời, cải thiện sức khỏe tim mạch, điều hòa huyết áp và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch – những yếu tố quan trọng để duy trì sự khỏe mạnh tổng thể khi có u lách lành tính.
2. Các bài tập tốt với người bệnh có u lách lành tính
Đối với người mắc u lách lành tính, các bài tập nhẹ nhàng và ít áp lực lên vùng bụng là lựa chọn tốt nhất. Dưới đây là một số bài tập có lợi cho sức khỏe mà vẫn đảm bảo an toàn cho người bệnh:
2.1. Đi bộ nhẹ nhàng
Đi bộ là bài tập đơn giản nhưng hiệu quả trong việc tăng cường sức khỏe, giúp lưu thông máu và thư giãn tâm trí. Bạn có thể bắt đầu bằng việc đi bộ xung quanh một căn phòng trong nhà, nghỉ ngơi, sau đó đi bộ lại.
Sử dụng máy đếm bước chân để đếm số bước của bạn, cũng như giúp thiết lập và đạt được mục tiêu. Khi bạn cảm thấy tự tin hơn, hãy cố gắng tăng khoảng cách từ từ. Điều này có thể được thực hiện nhiều lần trong ngày. Người bệnh có thể đi bộ từ 20-30 phút mỗi ngày, lựa chọn đường bằng phẳng để tránh va chạm hay ngã.
2.2. Yoga
Yoga có nhiều động tác giúp cải thiện sự linh hoạt, giảm căng thẳng và tăng cường tuần hoàn máu mà không gây áp lực lên lá lách. Người bệnh nên chọn các bài tập nhẹ nhàng, đặc biệt là các động tác tập trung vào hít thở sâu và thả lỏng cơ thể, tránh các động tác ép bụng hoặc lật úp người.
2.3. Thể dục dưỡng sinh
Các bài tập dưỡng sinh như khí công mang lại sự thư giãn, điều hòa khí huyết và cải thiện sức khỏe toàn thân mà không đòi hỏi nhiều sức lực. Bài tập Tai Chi còn giúp cải thiện thăng bằng và giảm nguy cơ té ngã, đồng thời hỗ trợ điều hòa cơ thể, rất tốt cho người cần tránh các hoạt động gắng sức.
2.4. Đạp xe nhẹ nhàng
Đạp xe với tốc độ chậm và đều đặn là lựa chọn tốt cho người bệnh, miễn là không tập trung quá nhiều áp lực vào vùng bụng.
Người bệnh có thể đạp xe ngoài trời trên đường phẳng hoặc sử dụng xe đạp tập trong nhà để giảm nguy cơ chấn thương.
2.5. Bơi lội nhẹ
Bơi lội là bài tập toàn thân giúp tăng cường sức khỏe mà không tạo áp lực trực tiếp lên vùng bụng. Người bệnh nên bơi chậm và tránh các kỹ thuật bơi đòi hỏi sức mạnh quá mức như bơi bướm.
2.6. Bài tập thở và thiền
Các bài tập hít thở sâu và thiền giúp giảm căng thẳng, ổn định tinh thần và điều hòa chức năng cơ thể. Người bệnh có thể kết hợp hít thở sâu trong tư thế ngồi hoặc nằm để tạo ra cảm giác thư giãn và thoải mái.
2.7. Bài tập Erobic
Tập thể dục nhịp điệu hàng ngày là một cách tuyệt vời giúp người bệnh nâng cao thể lực, sức khỏe tim mạch và cải thiện khả năng trao đổi oxy. Bạn có thể đi bộ, khiêu vũ hoặc thực hiện bất kỳ hoạt động yêu thích nào để làm tăng nhịp tim.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến nghị mỗi tuần tập khoảng 150 phút, nhưng cần bắt đầu từ mức độ nhẹ rồi mới nâng dần lên mức độ cao hơn. Nghiên cứu cũng chỉ ra, 10 phút tập thể dục mỗi ngày cũng có thể cải thiện tuổi thọ, điều quan trọng là người bệnh thường xuyên trao đổi với bác sĩ về cường độ và loại bài tập được khuyến nghị mình.
Người bệnh cũng nên bắt đầu bằng các buổi tập ngắn, mỗi buổi khoảng 10 phút ở bất cứ nơi nào cảm thấy thuận tiện mà không cần phải tới phòng tập.
3. Lưu ý khi tập luyện cho người mắc u lách lành tính
+ Tránh các bài tập nặng, cường độ cao: Các bài tập như cử tạ, chạy nhanh, đấm bốc hoặc các hoạt động có nguy cơ va chạm, chấn thương vùng bụng không phù hợp cho người mắc u lách lành tính.
+ Nên khởi động trước tập, bắt đầu bằng hít thở thư giãn. Bắt đầu tập từ từ, tăng dần, cho đến khi đủ 30-45 phút/ngày hoặc hơn tùy theo khả năng của mỗi người.
+ Trước khi bắt đầu hoặc thay đổi chương trình tập luyện, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn.
+ Nên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời: 6-8h sáng.
+ Nên lựa chọn không gian tập luyện ở nơi thoáng khí, an toàn
+ Trong và sau tập nên uống nước đầy đủ
4. Khi nào nên dừng tập?
Nếu bệnh nhân thấy một trong những khó chịu sau thì nên dừng tập:
- Chóng mặt
- Mắt mờ
- Đứng, ngồi không vững
- Đau ngực
- Khó thở
- Đau cơ, xương, khớp
- Chóng mặt
- Rối loạn cảm giác