1. Người bị suy buồng trứng có nên tập thể dục?
Theo nghiên cứu, hoạt động thể chất thường xuyên giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, hoạt động xã hội và sức khỏe tinh thần. Với người bị suy buồng trứng, việc tập thể dục có tác dụng cải thiện giấc ngủ, nâng cao tâm trạng, giúp người bệnh giảm căng thẳng, lo âu có thể dẫn đến stress... Tập luyện đúng cách sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân trong quá trình theo dõi và hỗ trợ điều trị suy buồng trứng.

Suy buồng trứng là tình trạng chức năng của buồng trứng ngừng hoạt động và ngừng sản xuất trứng.
2. Các bài tập phù hợp cho phụ nữ bị suy buồng trứng
2.1. Bài tập thở
Bài tập thở giúp người bệnh khởi động quá trình tập luyện và giảm căng thẳng. Người tập ngồi hoặc nằm thoải mái trên sàn rồi hít vào nhẹ nhàng bằng mũi theo nhịp đếm đến 3 hoặc 4 sau đó thở ra nhẹ nhàng bằng mũi. Tiếp tục cho đến khi bạn cảm thấy thoải mái.
2.2. Đi bộ
Đi bộ là bài tập thể dục nhẹ nhàng nhưng hiệu quả. Hoạt động này sẽ tăng cường lưu thông máu tới toàn cơ thể giúp nâng cao thể lực hỗ trợ điều trị bệnh. Người bệnh có thể dành 30 phút mỗi ngày để đi bộ với tốc độ vừa phải.
2.3. Bơi lội
Bơi giúp giảm áp lực lên các khớp và cơ bắp trong khi cải thiện sức khỏe tim mạch. Bơi lội cũng giúp cải thiện sức bền của cơ thể.
2.4. Các bài tập yoga đơn giản
Các động tác yoga đơn giản hỗ trợ giãn cơ, điều hòa năng lượng và kích thích lưu thông máu rất hiệu quả. Khi mới luyện tập nên có giáo viên hướng dẫn để hạn chế các rủi ro chấn thương không đáng có.

Các động tác yoga đơn giản hỗ trợ giãn cơ, điều hòa năng lượng và kích thích lưu thông máu rất hiệu quả.
- Tư thế rắn hổ mang (Bhujangasana) là tư thế yoga cơ bản giúp uốn dẻo lưng, kéo căng cơ và tăng cường sức mạnh cho cánh tay cũng như phần bả vai. Tư thế yoga này cũng giúp làm ấm cơ thể và cải thiện lưu thông máu. Do đó cải thiện các bệnh lý liên quan đến tử cung, buồng trứng và kinh nguyệt của phụ nữ. Người tập nằm úp mặt trên thảm, hai tay co lại và lòng bàn tay úp xuống thảm. Phần khuỷu tay hơi gập nhẹ. Mở rộng lồng ngực và thư giãn vai. Hít vào thật sâu, sau đó thở ra và đẩy cơ thể ra sau. Giữ tư thế này và thở tự do.
- Tư thế em bé có tác dụng kéo giãn nhẹ nhàng cơ thể giúp giải phóng căng thẳng, kích thích các cơ quan vùng chậu. Người tập bắt đầu bằng cách ngồi quỳ, hai đầu gối đặt cạnh nhau, mông ngồi trên gót chân. Hai tay vươn về phía trước, hạ bụng về phía đùi. Người tập nên giữ tư thế này trong khoảng 30 giây để thư giãn, giải phóng căng thẳng.
- Tư thế gác chân lên tường có tác dụng cải thiện lưu lượng máu đến các cơ quan vùng chậu và giảm căng thẳng. Người tập ngồi trên sàn, quay mặt vào tường. Sau đó, nằm ngửa và điều chỉnh tư thế sao cho mông áp sát tường, chân dựa vào tường, lòng bàn chân hướng thẳng lên trần nhà. Giữ tư thế trong 30 giây.
3. Người bị suy buồng trứng không nên luyện tập môn thể thao nào?
Các bài tập thể dục nhẹ nhàng, phù hợp có thể tăng cường sức khỏe cho người bị suy buồng trứng. Nhưng những bài tập thể dục cường độ cao, quá sức sẽ ảnh hưởng xấu đến thể trạng nói chung và tình trạng bệnh của chị em.
Mỗi người bệnh có thể trạng và tình trạng bệnh khác nhau. Hãy tham vấn bác sĩ và các chuyên gia trị liệu để có được bài tập phù hợp với mục tiêu của bản thân, khiến mình cảm thấy thoải mái và thích thú khi tập.
4. Những lưu ý với người bị suy buồng trứng

Người bệnh nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với việc bổ sung hoa quả giàu vitamin C, rau xanh, tỏi, nghệ…
- Bên cạnh việc áp dụng các phương pháp điều trị suy buồng trứng, chị em cũng nên điều chỉnh cách ăn uống - sinh hoạt của bản thân. Có chế độ sinh hoạt hàng ngày an toàn, lành mạnh, khoa học.
- Thực hiện một số cách phòng tránh bệnh phụ khoa để bảo vệ sức khỏe cho bản thân như vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đúng cách nhất là vào các thời điểm nhạy cảm (trong kỳ kinh nguyệt, trước - sau khi quan hệ tình dục).
- Giữ tinh thần luôn thoải mái, hạn chế các yếu tố gây stress, căng thẳng bởi chúng có thể ảnh hưởng đến hormone sinh dục trong cơ thể nữ giới.
- Chủ động chia sẻ tình trạng bệnh và những bất thường trong quá trình điều trị, tuân thủ theo khuyến cáo và chỉ định của bác sĩ.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với việc bổ sung hoa quả giàu vitamin C, rau xanh, tỏi, nghệ… Uống đủ nước để đẩy nhanh quá trình đào thải độc tố ra ngoài và thanh lọc cơ thể. Cùng với đó, hạn chế sử dụng đồ ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ, thức ăn cay nóng, các chất kích thích… vì chúng đều gây hại cho sức khỏe vùng kín.